Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nhà trường dạy học thích ứng với phương án thi tốt nghiệp THPT 2025

Bộ GD&ĐT công bố đề thi minh họa các môn thi tốt nghiệp THPT 2025 là cơ sở để các trường THPT tại Nghệ An nghiên cứu, điều chỉnh dạy học.

 Giờ học tại Trường THPT Kim Liên, huyện Nam Đàn, Nghệ An. Ảnh: NVCC

Đề thi phù hợp với Chương trình GDPT 2018

Năm 2025 là năm đầu tiên Kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức theo Chương trình GDPT 2018 với 4 môn thi. Trong đó, 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn. Hai môn còn lại thí sinh sẽ lựa chọn trong 9 môn gồm Ngoại ngữ, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Giáo dục kinh tế và Pháp luật, Tin học, Công nghệ. Sau khi có đề thi minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giáo viên các trường THPT tại Nghệ An đã nhanh chóng tìm hiểu, nghiên cứu và phân tích.

Phân tích chi tiết đề thi minh họa môn Địa lý, thầy Nguyễn Minh Chiến, giáo viên Trường THPT Kim Liên (huyện Nam Đàn) cho biết, đề gồm 28 câu với 40 lệnh hỏi, thời gian làm bài vẫn là 50 phút. Về dạng thức câu hỏi và cách tính điểm có nhiều thay đổi. Về dạng thức câu hỏi, ở dạng thức 1 - câu hỏi trắc nghiệm nhiều lựa chọn, có 18 câu, điểm số 4,5/10 điểm. Ở dạng thức 2 - trắc nghiệm đúng/sai có 16 câu, mỗi câu hỏi có 4 ý, với điểm số 4,0/10 điểm.

Ở dạng thức 3 - câu hỏi trắc nghiệm trả lời ngắn - gần với dạng câu hỏi tự luận, được đánh giá thông qua kết quả cuối cùng mà thí sinh phải tự điền vào phiếu trả lời. Trong đề thi phần này gồm 6 câu với 1,5/10 điểm. Đây cũng được xem là mức độ phân loại học sinh của đề, chỉ những em nắm kiến thức vững vàng, tư duy phân tích, tổng hợp tốt mới đạt điểm tối đa.

"Dạng thức này đòi hỏi thí sinh phải có năng lực, kiến thức kỹ năng toàn diện mới trả lời đúng, hạn chế được việc dùng “mẹo” hoặc “đoán mò”. Theo tính toán, xác suất đánh ngẫu nhiên đạt điểm tối đa là 1/16, nhỏ hơn 4 lần so với dạng thức trắc nghiệm nhiều lựa chọn hiện nay", thầy Nguyễn Minh Chiến nhận định.

Theo thầy Chiến, cấu trúc định dạng đề thi theo định hướng đánh giá năng lực, phù hợp với Chương trình GDPT 2018. Cấp độ tư duy có thể chia thành 3 mức gồm 21 câu hỏi có nội dung nhận thức Địa lí chiếm tỉ lệ 52,50%, 10 câu hỏi tìm hiểu Địa lí chiếm tỉ lệ 25%, có 9 câu hỏi yêu cầu vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học, chiếm tỉ lệ 22,50%. Một số câu hỏi trong đề minh họa môn Địa lí đã gắn liền với đời sống sản xuất, thực tiễn của tự nhiên. Tập trung vào phân hóa đánh giá, phân loại năng lực thí sinh.

“Qua thực tế dạy học Chương trình GDPT mới, bản thân thấy phù hợp và đồng tình với việc thiết kế đề thi môn Địa lý theo định hướng đánh giá năng lực, đồng thời nâng cao khả năng phân loại thí sinh. Là giáo viên, tôi đang từng bước áp dụng dạng đề thi này vào dạy học, kiểm tra đánh giá để học sinh làm quen với cấu trúc, dạng thức đề. Tôi cũng mong muốn giáo viên từng bộ môn được tập huấn cách ra đề, xây dựng ma trận đề thi để kịp thời phục vụ trong dạy học, ôn thi cho học sinh dự thi vào năm học tới”, thầy Chiến chia sẻ.

Tuy nhiên, đề thi những năm vừa qua chỉ có dạng thức trắc nghiệm nhiều phương án lựa chọn, còn đề thi minh họa từ năm 2025 có 3 dạng thức gồm: trắc nghiệm nhiều phương án lựa chọn như truyền thống, trả lời đúng sai và trả lời ngắn. Với đề thi này, học sinh phải nắm chắc và hiểu sâu kiến thức nền tảng mới có thể giải quyết được các câu hỏi. Hơn thế, cách học của các em cũng phải thay đổi, không chỉ tập trung vào giải bài tập, giải đề mà cần phải nắm bắt được vấn đề, hiểu cốt lõi chương trình và phải có kiến thức của liên môn.

Thích ứng trong dạy học, kiểm tra đánh giá

Cô Nguyễn Thị Hồng - giáo viên môn Hóa học, Trường THPT Nghi Lộc 4, huyện Nghi Lộc, Nghệ An nhận định, so với đề thi của chương trình hiện hành, đề thi mới có nhiều sự khác biệt về số lượng câu hỏi, dạng thức câu hỏi và cách cho điểm. Tuy nhiên, đề vẫn đảm bảo về cấp độ tư duy với các mức độ thông hiểu, nhận biết (6 điểm) và vận dụng, vận dụng cao (4 điểm). Với cách ra đề này hạn chế tình trạng "đoán mò" đáp án của học sinh, đánh giá được năng lực, khả năng vận dụng kiến thức bài học.

Tại Trường Nghi Lộc 4, không chỉ môn Hóa học, mà các môn học khác, giáo viên đã chủ động và Ban giám hiệu đã chỉ đạo tìm hiểu, nghiên cứu đề thi minh họa tốt nghiệp THPT 2025 để nắm rõ cấu trúc, dạng thức đề, mức độ phân hóa. Qua đó từng bước điều chỉnh dạy học để giúp học sinh khối 10, 11 làm quen với đề mới. Bắt đầu từ việc áp dụng các dạng thức đề thi minh họa tốt nghiệp THPT 2025 vào một số câu hỏi trong bài kiểm tra học kỳ, thi học sinh giỏi trường…

 Giờ học tại Trường THPT Đô Lương 1, huyện Đô Lương, Nghệ An). Ảnh: NVCC

Cùng quan điểm, thầy giáo Nguyễn Văn Tiến – giáo viên Vật lý - Trường THPT Đô Lương 1 (huyện Đô Lương, Nghệ An) cho rằng, đề thi tiếp cận xu hướng chung của các nước trên thế giới, phản ánh đúng tinh thần, mục tiêu của chương trình Giáo dục phổ thông 2018 của Bộ GD&ĐT. Với môn Vật lý, đề thi thiết kế theo hướng phát triển năng lực, tư duy, và khả năng vận dụng vào thực tiễn của học sinh.

Sau khi có đề thi minh họa, ở Trường THPT Đô Lương 1, việc tiếp cận đã bước đầu được thực hiện ở đề thi chọn học sinh giỏi cấp trường khối 11 đối với môn Vật lý. Về phía học sinh, dù bước đầu tiếp nhận dạng thức đề mới nhưng các em không quá bỡ ngỡ. Cùng với đó, câu hỏi theo hướng tư duy và vận dụng kiến thức vào thực tế cũng đã được học sinh làm quen, giải quyết khi học Chương trình GDPT 2018.

Thầy Nguyễn Văn Tiến tin rằng, với sự chuẩn bị sớm, học sinh sẽ sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT có nhiều đổi mới năm 2025.

Tác giả: Hồ Lài

Nguồn tin: giaoducthoidai.vn