Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời chất vấn trước Quốc hội
- 21:05 18-03-2024
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Thái Thị An Chung – Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì phiên họp. Tham dự phiên họp có đồng chí Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Như Khôi – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành.
Quang cảnh phiên chất vấn tại điểm cầu Nghệ An |
Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc tỉnh Thái Thị An Chung chủ trì phiên chất vấn tại điểm cầu tỉnh Nghệ An |
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời các nội dung chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngoại giao gồm: Công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài; tình trạng vi phạm pháp luật của công dân Việt Nam ở nước ngoài và của người nước ngoài tại Việt Nam; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam; thực trạng việc triển khai các thỏa thuận song phương, đa phương và giải pháp thúc đẩy thực hiện các thỏa thuận hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư; công tác hỗ trợ mở rộng thị trường hàng hóa xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tránh bị lừa đảo; Hoạt động xúc tiến và quảng bá du lịch Việt Nam với thế giới và việc miễn thị thực nhập cảnh cho công dân các nước vào Việt Nam để phát triển du lịch; công tác quản lý, sắp xếp, kiện toàn, nâng cao trình độ, năng lực tổ chức bộ máy ngành ngoại giao (kể cả các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài); giải pháp tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động ngoại giao.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời các nội dung chất vấn (Ảnh St) |
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, thời gian qua, tình hình thế giới trải qua nhiều biến động, bên cạnh những thuận lợi, cũng xuất hiện nhiều khó khăn, thách thức mới gay gắt hơn trước, đặt ra nhiều nhiệm vụ mới nặng nề cho công tác đối ngoại, ngành ngoại giao. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ngành ngoại giao đã phát huy mạnh mẽ bản sắc ngoại giao cây tre Việt Nam, triển khai đồng bộ, sáng tạo trên 4 trụ cột thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Ngoại giao. Việc triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả 4 trụ cột ngoại giao đã đem lại những kết quả toàn diện, quan trọng. Ngành ngoại giao đã hỗ trợ và trực tiếp tham mưu, phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức các hoạt động đối ngoại, nhất là đối ngoại cấp cao diễn ra ở khắp các châu lục và nhiều diễn đàn, cơ chế đa phương, qua đó, củng cố vững chắc cục diện đối ngoại thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, tạo dựng được sự tin cậy chính trị ngày càng cao, thúc đẩy hợp tác quốc tế sâu sắc và toàn diện trên nhiều lĩnh vực…
Hiện có 13 nước Việt Nam miễn thị thực đơn phương
Đại biểu Tạ Thị Yên – Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên cho biết, trong nhiều năm trở lại đây, Việt Nam là điểm đến ưa thích của khách du lịch, đã kí kết các thỏa thuận miễn thị thực đối với một số nước nhằm thu hút du lịch… Tuy nhiên hiện mới chỉ có một số ít nước miễn thị thực cho công dân Việt Nam và việc xin thị thức cho công dân Việt Nam còn khó khăn. Đề nghị Bộ trưởng cho biết vai trò của Bộ Ngoại giao trong vấn đề này và giải pháp để cải thiện tình hình, tạo điều kiện cho công dân Việt Nam khi đi ra nước ngoài và ngược lại?
Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, các nước trên thế giới rất quan tâm và coi Việt Nam là điểm đến an toàn, với nhiều danh lam, thắng cảnh. Trong xu thế mở cửa, hội nhập sâu rộng, không chỉ các nước đến Việt Nam mà công dân Việt Nam cũng có nhu cầu đi du lịch, tìm kiếm cơ hội phát triển sản xuất kinh doanh. Vì vậy, Bộ Ngoại giao phối hợp với cơ quan chức năng đơn giản hóa thủ tục xuất nhập cảnh, gần đây nhất Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh.
Ngoài ra, hiện có 13 nước Việt Nam miễn thị thực đơn phương – đây là địa bàn du lịch trọng điểm có nhiều khách du lịch đến Việt Nam. Bộ Ngoại giao cũng đàm phán với 15 nước thực hiện miễn thị thực song phương, để tạo điều kiện hoạt động xuất nhập cảnh thông thoáng hơn. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao đang đàm phán miễn thị thực song phương đối với nhiều nước về thị thực công vụ.
Phát triển ngoại giao văn hóa
Đại biểu Trần Thị Thu Hằng - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông đề nghị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết kết quả của việc triển khai chiến lược ngoại giao văn hóa trong việc quảng bá văn hóa, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nhằm thúc đẩy du lịch, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng thương hiệu của Việt Nam nói chung và của các địa phương nói riêng?
Trả lời chất vấn đại biểu về ngoại giao văn hóa, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định, chiến lược ngoại giao văn hóa giai đoạn 2021-2030 đã được Bộ Ngoại giao tham mưu Chính phủ ban hành. Đây là sự phát triển kế tiếp của chiến lược ngoại giao văn hóa giai đoạn 2011-2020, đồng thời có một số nội dung mới. Để triển khai chiến lược ngoại giao văn hóa, Bộ trưởng cho rằng, hoạt động ngoại giao văn hóa không chỉ giúp nâng cao quảng bá được hình ảnh của đất nước, con người Việt Nam ra thế giới và ngược lại qua giao lưu văn hóa cũng tiếp thu những tinh hoa văn hóa của thế giới. Với tinh thần đó, Bộ Ngoại giao đã chủ động hợp tác phối hợp với các tổ chức quốc tế trong đó đặc biệt là Tổ chức Văn hóa, Giáo dục và Khoa học của Liên hợp quốc. Hiện nay, trong UNESCO có 7 cơ chế quan trọng nhất, Việt Nam được bạn bè quốc tế tín nhiệm bầu vào 5 vị trí quan trọng nhất, trong đó có Ủy ban di sản thế giới. Đây là cơ chế hợp tác liên thông để chúng ta phối hợp với bạn bè quốc tế trong việc nâng cao hợp tác văn hóa.
Ở cấp độ quốc gia, hoạt động ngoại giao văn hóa cũng giúp tạo dấu ấn rất quan trọng thân thiện với bạn bè; hoạt động đối ngoại của lãnh đạo cấp cao thời gian qua cũng được tô đậm bởi những hoạt động ngoại giao văn hóa. Bộ trưởng cũng đánh giá rất cao trong thời gian qua, các địa phương trên cả nước đều chú ý đến việc xây dựng hình ảnh thương hiệu cũng như quảng bá hình ảnh của địa phương mình trong các lễ hội, được bạn bè quốc tế đánh giá rất cao.
Thực hiện tốt công tác bảo hộ công dân
Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp chất vấn 2 nội dung. Thứ nhất, việc bảo hộ công dân trên các lĩnh vực ở nước ngoài sau đại dịch COVID - 19 được sự đồng tình của nhân dân cả nước. Tuy nhiên, có không ít trường hợp du học sinh, giảng viên các trường đại học trong nước cử đi tu nghiệp ở nước ngoài không về nước làm ảnh hưởng đến các đối tượng khác đi học khó khăn. Vậy trách nhiệm của Đại sứ quán, Tổng lãnh sự có biện pháp gì can thiệp trục xuất các đối tượng này về nước để lập lại kỷ cương?. Thứ hai, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có giải pháp gì để doanh nghiệp trong nước thuận lợi xuất khẩu hàng hóa và hạn chế đến mức thấp nhất bị lừa gạt hoặc tranh chấp?.
Trả lời đại biểu Phạm Văn Hòa về công tác bảo hộ công dân, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, từ sau đại dịch COVID - 19 thì giao lưu giữa Việt Nam và quốc tế được triển khai mạnh mẽ. Năm 2022, có khoảng 3,8 triệu lượt công dân của Việt Nam ra nước ngoài. Nhưng năm 2023 lên đến hơn 10 triệu lượt người ra nước ngoài lao động và học tập. Số du học sinh của ta quay trở lại học ở các nước tăng lên nhanh.
Vừa qua Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo cho các Bộ, ngành liên quan phải xây dựng một quy trình, quy chế để đào tạo đội ngũ lao động nước ta sang nước ngoài lao động đảm bảo vừa chấp hành tốt nội quy quy định của nước sở tại, đồng thời cũng là đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của nước sở tại và của quan hệ giữa 2 nước.
Về các du học sinh ra nước ngoài rất đông, qua trao đổi cho thấy các nhiều du học sinh có nguyện vọng về đất nước cống hiến phục vụ nhưng cũng đặt câu hỏi trong điều kiện mà bên đó vẫn còn nhiều điều kiện để các em sau khi học xong ở lại làm việc, đóng góp. Lãnh đạo cấp cao của nước ta cũng đã trả lời với bà con cử tri khi tiếp xúc với kiều bào cũng nói rõ là nếu các cháu học sinh thấy rằng nếu có thể phát huy được vai trò công việc của mình sau khi học xong ở nước sở tại cũng chính là góp phần đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhưng quan trọng hơn là làm cầu nối hữu nghị giữa hai nước. Đồng thời những tri thức của các bạn cũng được trau dồi thể hiện trên thực tế.
Trả lời vấn đề về xuất nhập khẩu của ta sang một số đối tác còn khó khăn, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, trong thời gian qua, các Bộ, ngành đã triển khai những đột phá để mà thúc đẩy hợp tác xuất nhập khẩu của nước ta với các đối tác. Việt Nam là một trong những nước có độ mở kinh tế cao nhất và đã đàm phán 17 Hiệp định thương mại tự do với 68 nước trên thế giới để thúc đẩy xuất nhập khẩu. Kể cả trong đại dịch COVID – 19, xuất khẩu của nước ta sang các đối tác vẫn tiếp tục tăng.
Tại phiên chất vấn, các đại biểu Quốc hội đã đặt ra một số câu hỏi như: Giải pháp để tăng cường hoạt động kết nối mạng lưới tri thức toàn cầu người Việt Nam?. Giải pháp thúc đẩy quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương?. Kết quả của việc triển khai Chiến lược ngoại giao văn hóa?. Các hoạt động để hỗ trợ các địa phương trong việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa được UNESCO, qua đó nâng tầm văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế?. Giải pháp bảo hộ, bảo đảm an toàn cho công dân Việt Nam tại các địa bàn xảy ra xung đột trong thời gian vừa qua?...
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận phiên chất vấn |
Phát biểu kết luận phiên chất vấn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, các nhóm vấn đề thuộc 2 lĩnh vực được lựa chọn chất vấn tại phiên họp đều là lĩnh vực rất quan trọng, thu hút sự quan tâm, chú ý rộng rãi của cử tri, Nhân dân cả nước. Các đại biểu Quốc hội đã chuẩn bị kỹ các câu hỏi ngắn gọn, phản ánh sát thực tế và đời sống, nguyện vọng của cử tri, thực hiện đầy đủ các quy định và chất vấn bảo đảm đúng thời gian quy định. Các Bộ trưởng với tinh thần trách nhiệm cao, hiểu biết, nắm chắc thực trạng, ngành lĩnh vực phụ trách đã trả lời rõ ràng, rành mạch, thẳng vào các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm chất vấn và đã làm rõ thực trạng, đề xuất nhiều giải pháp đối với các vấn đề chất vấn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội đánh giá cao phần trả lời chất vấn, tán thành và ghi nhận các giải pháp, các cam kết của các vị Bộ trưởng.
Trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định yêu cầu trong lĩnh vực tài chính cần tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật và tổ chức thực hiện đồng bộ tất cả các lĩnh vực. Bên cạnh đó, hoàn thiện biện pháp tổ chức quản lý Nhà nước, xác định rõ trách nhiệm của Chính phủ, của từng Bộ, ngành, địa phương, cả Bộ quản lý chuyên ngành và Bộ quản lý tổng hợp, đồng thời, đề cao nguyên tắc phối hợp trong tổ chức thực hiện. Phát huy vai trò của các Hiệp hội ngành nghề dịch vụ tài chính, đề cao đạo đức nghề nghiệp của người hành nghề dịch vụ, của tổ chức và cá nhân cũng như là trách nhiệm của các thành viên hội viên trong việc chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước…
Đối với lĩnh vực ngoại giao, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, các Bộ trưởng, Trưởng ngành có liên quan tiếp thu tối đa ý kiến góp ý của các đại biểu, chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp đề ra nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế. Trong đó, tập trung thực hiện các thỏa thuận, cam kết song phương, đa phương, hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp về liên kết, hội nhập quốc tế; ngoại giao văn hóa, phát triển du lịch, chính sách miễn thị thực; công tác người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân; công tác tổ chức bộ máy ngành ngoại giao…
“Kết quả phiên chất vấn cho thấy, nhiều vấn đề tồn tại và đang bức xúc trong xã hội đã được đưa ra diễn đàn Quốc hội bàn thảo, qua đó phát hiện những bất cập, hạn chế trong quá trình thực thi pháp luật cũng như nâng cao trách nhiệm của các Bộ trưởng trong việc tìm ra các giải pháp để khắc phục những tồn tại, hạn chế, góp phần thúc đẩy việc thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước” – Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Tác giả: PT
Nguồn tin: nghean.gov.vn