Từ vụ đập kính ô tô: Ứng xử như thế nào khi xảy ra va chạm giao thông?
- 13:19 17-03-2024
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Va chạm giao thông trên đường là những tình huống không may nhưng diễn ra khá phổ biến hiện nay.
Với những vụ va chạm nhỏ, thay vì người đi đường có thể xử lý một cách nhẹ nhàng, trao đổi, thương lượng một cách ổn thỏa thì sự việc lại bị đẩy lên tới mức đỉnh điểm. Đã có những trường hợp mang thương tật, thiệt hại về tài sản không phải vì tai nạn mà do ẩu đả sau va chạm.
Sau khi va chạm giao thông người đàn ông đã dùng mũ bảo hiểm đập vỡ kính ôtô |
Mới đây, tại Nghệ An xảy ra vụ va chạm giao thông nhẹ, không ai bị thương, xe máy cũng chỉ bị ngã, hư hỏng nhẹ. Thế nhưng, sau khi ngã xe, nam thanh niên đi xe máy đã cởi mũ bảo hiểm đập vỡ kính lái của ô tô rồi tiếp tục ném mũ bảo hiểm vào tài xế.
Vụ việc đã được Công an TP Vinh vào cuộc xác minh, điều tra làm rõ. Riêng đơn vị mà người đàn ông này đang công tác cũng đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác.
Luật sư Trương Văn Tuấn, Văn phòng Luật sư Trạng Sài Gòn, cho hay hành vi của người đàn ông này có thể sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, hoặc bồi thường các chi phí hợp lý cho người bị hư hỏng tài sản (nếu có) tùy theo tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi…
Cũng theo luật sư Trương Văn Tuấn, rất nhiều vụ va chạm giao thông xảy ra trên đường, có trường hợp cho rằng việc lái xe căng thẳng, mệt mỏi nên rất bất bình khi chứng kiến nhiều người đi lại, lưu thông hỗn loạn, bất chấp các quy tắc giao thông. Từ đó, họ không đủ bình tĩnh để kiểm soát cảm xúc bản thân, đã có những lời nói, hành động thiếu văn hóa, gây ra mâu thuẫn gay gắt.
Ở khía cạnh khác, việc thiếu hiểu biết về pháp luật cũng chính là một trong những nguyên nhân căn bản dẫn tới tình trạng một bộ phận người dân tham gia giao thông tự cho mình quyền phán xét, đe nẹt người khác mà quên đi những hệ lụy pháp lý có thể sẽ phải đối mặt bởi chính hành vi của mình…
Trước thực trạng trên, để góp phần xây dựng văn hóa tham gia giao thông văn minh, luật sư Trương Văn Tuấn khuyên trước hết người tham gia giao thông cần có ý thức chấp hành luật giao thông đường bộ, cẩn trọng để không xảy ra những tình huống va chạm.
Trường hợp xảy ra va chạm giao thông, các bên nên bình tĩnh, nhẹ nhàng giải quyết. Với những vụ va chạm không quá nghiêm trọng về người và tài sản, các bên có thể xin lỗi, thương lượng, thỏa thuận bồi thường để nhanh chóng giải quyết, đồng thời giúp tránh ùn tắc giao thông. Đặc biệt là các bên tránh dùng những lời lẽ xúc phạm nhau.
Trường hợp một trong các bên có dấu hiệu không kiềm chế được cảm xúc, có ý định xâm phạm tài sản, sức khỏe, tính mạng... hoặc vụ việc nghiêm trọng, phức tạp thì cần giữ nguyên hiện trường và báo với cơ quan công an để can thiệp kịp thời.
Tác giả: Trường Hoàng
Nguồn tin: Báo Người Lao Động