"Thưởng" cho nhân viên, lãnh đạo SCB tiền tỉ, bị cáo Trương Mỹ Lan nói gì?
- 13:24 13-03-2024
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Sáng 13-2, phiên xét xử vụ án xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bước vào ngày làm việc thứ 7.
Luật sư bào chữa tiếp tục thẩm vấn các bị cáo. Luật sư Nguyễn Văn Hậu, bào chữa cho bị cáo Bùi Anh Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB) hỏi bị cáo Trương Mỹ Lan lý do bổ nhiệm ông Bùi Anh Dũng làm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB nhưng bị cáo Lan phủ nhận việc quyết định cho ông Dũng làm chủ tịch HĐQT.
Luật sư dẫn lời khai của bị cáo Lan tại cơ quan CSĐT thể hiện năm 2019, ông Đinh Văn Thành (thời điểm này là Chủ tịch HĐQT) đưa vợ con đi nước ngoài chữa bệnh nên đã tiến cử ông Dũng làm chủ tịch tạm thời và bà Lan đồng ý.
Bị cáo Trương Mỹ Lan |
Luật sư cũng dẫn lời khai của bị cáo Dũng về việc được bị cáo Trương Mỹ Lan thưởng Tết 20 tỉ đồng vào năm 2020 và 20 tỉ đồng vào năm 2021.
Bị cáo Lan trả lời không nhớ là đã thưởng 2 tỉ hay 20 tỉ đồng và giải thích thêm đây không phải là tiền thưởng Tết. Theo lời bị cáo Lan, thời điểm ông Dũng làm Chủ tịch HĐQT SCB, vợ và con ông Dũng cũng là nhân viên SCB. Một số người có chức vụ trong công ty ý kiến với bà về việc vợ chồng chủ tịch cùng làm việc như vậy "hơi kỳ".
Bị cáo Lan nói bản thân bà cũng thấy không ổn. Vì không muốn làm SCB lộn xộn, bị cáo đưa tiền cho bị cáo Dũng và nói: "Nếu gia đình khó khăn thì cầm tiền này về để lo cho vợ con, lo cho gia đình yên ổn cuộc sống. Bùi Anh Dũng đâu làm được gì, tôi đâu nhờ vả được gì đâu!" – bị cáo Lan trả lời luật sư.
Các bị cáo tại toà |
Bị cáo Bùi Anh Dũng khai với luật sư từ tháng 5-2009, bị cáo làm việc tại Ngân hàng TMCP Tín Nghĩa. Sau khi ngân hàng này hợp nhất với hai ngân hàng khác hình thành Ngân hàng SCB, bị cáo tiếp tục ở lại làm việc và giữ nhiều chức vụ khác nhau. Trước khi ông Đinh Văn Thành đi nước ngoài, bị cáo là Phó Tổng giám đốc phụ trách Khối Doanh nghiệp.
Vào thời điểm bị cáo chuẩn bị nhận chức Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB, bị cáo không biết Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành thanh tra các chi nhánh của SCB và phát hiện nhiều sai phạm nên vẫn đảm nhiệm chức vụ mới. Thời điểm này, bị cáo không nhận lương, chỉ nhận thù lao, khoảng 180 triệu đồng/tháng.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Trương Khánh Hoàng (cựu quyền Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB) cũng thẩm vấn bị cáo Trương Mỹ Lan.
Theo cáo buộc, bị cáo Trương Khánh Hoàng là một trong những lãnh đạo Ngân hàng SCB giúp sức tích cực cho bị cáo Trương Mỹ Lan rút tiền của ngân hàng này. Do đó, bị cáo Hoàng được bà Lan trả mức lương rất cao, từ 130 triệu- 500 triệu đồng/tháng, thưởng Tết khoảng 5 tỉ đồng. Bị cáo Hoàng còn được bị cáo Trương Mỹ Lan cho 300.000 cổ phần SCB (tương đương 3 tỉ đồng) vào năm 2021 và 10 triệu cổ phần (tương đương 100 tỉ đồng theo mệnh giá) vào tháng 7-2022.
Về vấn đề này, trả lời luật sư, bị cáo Lan cho rằng việc bị cáo cho cổ phần, cho tiền bị cáo Hoàng không nhằm mục đích gì. Ngoài bị cáo Hoàng, bà Lan còn cho cổ phần, cho tiền toàn thể nhân viên, lãnh đạo SCB vì thấy công sức, sự cống hiến của họ.
|
Luật sư hỏi lãnh đạo ngân hàng có xét duyệt số tiền, số cổ phần bị cáo Lan lấy cho không? Bị cáo Lan trả lời chỉ nhớ là bị cáo có cho, không nhớ có cần xét duyệt gì không. Bị cáo Lan nói thêm đây là tiền của bị cáo. Luật sư đề nghị chứng minh, bị cáo Lan trả lời: "Tôi không cần chứng minh bởi vì nó rất nhỏ so với tôi".
Trước đó, trả lời luật sư liên quan đến việc "giải quỹ" đối với số tiền mà Ngân hàng SCB giải ngân cho các công ty thuộc hệ sinh thái Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị cáo Hồ Bửu Phương (cựu Phó Tổng giám đốc Tài chính Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) khai rằng "giải quỹ" từ lâu đã thành "nếp hoạt động" của công ty, không giải quỹ thì không rút tiền ra được.
Theo cáo buộc, các bị cáo "giải quỹ" bằng cách lập hợp đồng hứa chuyển nhượng cổ phần khống, trong đó các công ty "ma" được thụ hưởng tiền giải ngân hứa mua cổ phần của các cá nhân (được thuê đứng tên sở hữu cổ phần của công ty "ma" khác).
Sau khi ký hợp đồng, các cá nhân sẽ đến SCB ký chứng từ rút tiền. Công ty thụ hưởng hứa mua cổ phần chỉ hạch toán vào mục "các khoản phải thu", không làm thủ tục sang tên, chuyển nhượng cổ phần nên không phát sinh thuế, tránh việc bị cơ quan thuế phát hiện sai phạm.
Bị cáo Hồ Bửu Phương nói bị cáo hiểu "giải quỹ" là đưa tiền của công ty ra khỏi công ty nhưng sau đó vẫn trở về. Tuy nhiên, bị cáo này cũng khai không được giao trách nhiệm theo dõi dòng tiền có quay trở lại hay không.
Bị cáo Trương Mỹ Lan nói với luật sư rằng bị cáo Hồ Bửu Phương không biết gì về giải ngân, giải quỹ. Việc làm của bị cáo Hồ Bửu Phương là thực hiện chỉ đạo của Nguyễn Phương Hồng (cựu Phó Tổng giám đốc Ngân hàng SCB). Bị cáo Lan khai thời điểm này bị cáo nói với Hồ Bửu Phương: "Phương Hồng có nhờ gì thì em hỗ trợ đi, hỗ trợ SCB đi".
Trong khi đó, luật sư dẫn lời khai của bị cáo Hồ Bửu Phương thể hiện khi gặp bị cáo Trương Mỹ Lan, Trương Mỹ Lan chỉ đạo Hồ Bửu Phương hỗ trợ SCB "giải quỹ".
Tác giả: Ý Linh - Ảnh: Hoàng Triều
Nguồn tin: Báo Người Lao Động