Máy tính phát nổ khi học bài, bé trai 13 tuổi phải cắt cụt tay, mù mắt
- 09:21 08-03-2024
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi sau phẫu thuật - Ảnh: BVCC |
Ngày 8-3, Bệnh viện Việt Đức thông tin vừa tiếp nhận cấp cứu một học sinh 13 tuổi (trú tại Hải Dương) gặp đa chấn thương do máy tính phát nổ khi đang học bài.
Thông tin ban đầu khoảng 14h ngày 6-3, nam sinh đang học bài bằng laptop tại nhà thì máy tính bất ngờ phát nổ. Nam sinh được sơ cứu tại bệnh viện tỉnh Hải Dương sau đó chuyển đến Bệnh viện Việt Đức.
Bé trai nhập viện trong tình trạng hôn mê, thở máy, toàn bộ vùng đầu, mặt, cổ và một nửa ngực trên đầy vết thương do các mảnh vỡ của laptop găm vào.
TS.BS Nguyễn Xuân Hòa, Bệnh viện Việt Đức, cho biết bệnh nhân bị đa chấn thương, bao gồm chấn thương sọ não, vết thương hàm mặt phức tạp, chấn thương ngực, nhãn cầu, tràn khí màng phổi, giập nát cẳng tay trái...
"Ngay lập tức, người bệnh được thực hiện các đánh giá chuyên môn và hội chẩn đa chuyên khoa phối hợp đánh giá, hội chẩn và phẫu thuật các tổn thương phức tạp.
Sau khi ổn định mạch và huyết áp, bệnh nhi được xử lý đa vết thương phức tạp hàm mặt đồng thời lấy bỏ dị vật, cố định ổ gãy xương hàm. Các bác sĩ cũng tiến hành phẫu thuật cắt cụt 1/3 dưới cánh tay trái, cắt lọc, xử lý đa vết thương tay phải.
Các bác sĩ Bệnh viện Mắt trung ương cũng có mặt tại bệnh viện để tiến hành múc nội nhãn hai mắt, lấy bỏ toàn bộ tổ chức nội nhãn còn lại và máu đông", bác sĩ Hòa thông tin.
Hình ảnh đa chấn thương của bệnh nhi khi nhập viện - Ảnh: BVCC |
Sau khi được phẫu thuật cấp cứu, bệnh nhi đang được theo dõi, hồi sức tích cực tại bệnh viện.
Trước đó, năm 2020 tại tỉnh Hà Tĩnh cũng đã xảy ra tai nạn nổ laptop khi 3 học sinh đang học online tại nhà. Máy tính đang sạc bất ngờ phát nổ khiến 1 học sinh bị giập nát bàn tay, 2 em còn lại bị thương vùng mặt phải nhập viện cấp cứu.
Dấu hiệu nhận biết nguy cơ máy tính phát nổ
Theo một chuyên gia về thiết bị điện tử, khi sử dụng máy tính xách tay cần chú ý quan sát bằng mắt thường xem pin của máy có bị phồng, kênh hoặc biến dạng không (đối với máy pin có thể tháo rời), hay đối với máy pin đặt bên trong thì khu vực chứa pin có cong vênh, to bất thường lên không.
"Nếu có các dấu hiệu như vậy thì pin đã hỏng, dễ phát nổ, không nên sử dụng máy và cần thay thế pin mới", chuyên gia khuyến cáo.
Bên cạnh đó, một số dấu hiệu cần lưu ý khi sử dụng máy tính như khu vực pin của máy nóng một cách bất thường (sờ vào nóng hơn hẳn bình thường mọi lần sử dụng). Lúc này, người dùng nên tắt máy, không sử dụng để pin giảm nhiệt độ.
Sau đó kiểm tra xem pin có dấu hiệu bất thường nào không, nếu có nên thay pin mới. Nếu không có bất thường và khi sử dụng lại vẫn nóng bất thường cũng nên thay pin mới để đảm bảo an toàn khi sử dụng.
Theo chuyên gia này, đa số các máy lâu đời pin đều sụt giảm theo thời gian, nếu máy vẫn tốt, đáp ứng nhu cầu sử dụng thì thay pin mới cho máy. Nên thay pin mới chính hãng, hoặc nơi tin cậy và uy tín chuyên về pin để sử dụng an toàn.
Tác giả: DƯƠNG LIỄU
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ