Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Gây “sốt” vì đòi nợ bị cáo Trương Mỹ Lan 1.000 tỷ đồng tại tòa

Tại phiên tòa xét xử Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cùng đồng phạm, dư luận đặc biệt chú ý đến bị cáo Dương Tấn Trước, Tổng giám đốc Công ty Tường Việt. Bị cáo này khai rằng, mình là chủ nợ của Lan.

Bị cáo Trước thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng. Trước khai nhận, do quen biết Trương Mỹ Lan từ cuối năm 2020 và thỏa thuận với Trương Mỹ Lan chuyển nhượng dự án Thanh Yến với giá 2.500 tỷ đồng. Trước không phải thanh toán tiền mà chỉ cần lập hồ sơ vay vốn tại Ngân hàng SCB, số tiền nhận nợ sẽ là 3.500 tỷ đồng. Trong đó, 2.500 tỷ đồng là tiền nhận chuyển nhượng Dự án Thanh Yến, 1.000 tỷ đồng cho bị cáo Lan mượn sử dụng và bị cáo Lan có trách nhiệm trả Ngân hàng SCB.

 Bị cáo Lan giữ thái độ bình thản khi đồng phạm khai về mình.

Dương Tấn Trước cho biết, hiện tại bị cáo Lan vẫn chưa trả mình số tiền 1.000 tỷ đồng, trong khi về mặt hồ sơ tín dụng thì các pháp nhân của mình phải đứng ra trả ngân hàng khoản vay này. Theo Trước, Lan là người có uy tín nên muốn hợp tác làm ăn chung, từ đó mới chấp nhận dùng các công ty của mình đứng ra vay tiền cho bị cáo Lan.

Trước khai đã chỉ đạo nhân viên của Công ty Tường Việt liên hệ với Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung, nhân viên Ngân hàng SCB thực hiện phương án vay vốn bằng cách thành lập Công ty Thuận Tiến và Công ty Khánh Minh đứng tên hồ sơ vay vốn. Ngày 19/5/2021, Ngân hàng SCB ký thỏa thuận cho vay với Công ty Cổ phần Thuận Tiến và Công ty Khánh Minh, số tiền vay giải ngân lần lượt là 1.700 và 1.800 tỷ đồng; mục đích vay đều là bổ sung vốn nhận chuyển nhượng phần vốn góp trong Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Thương mại Sông Hàn (Công ty nắm 100% cổ phần Công ty Cổ phần Đầu tư Hermes Power - chủ sở hữu dự án Bất động sản Thanh Yến).

Sau khi giải ngân, tiền được chuyển lòng vòng vào tài khoản của nhiều cá nhân, công ty thuộc nhóm Lan, Vạn Thịnh Phát để Lan sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau. Tài sản bảo đảm cho 2 khoản vay trên là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với 7.092,2 m2 đất thuộc thửa đất số 307, tờ bản đồ số 27 tại phường Bình An, quận 2 (dự án Thanh Yến). Đến ngày 17/10/2022, hai khoản vay của Công ty Thuận Tiến, Công ty Khánh Minh còn dư nợ gốc là 3.500 tỷ đồng, nợ lãi là 589,032 tỷ đồng.

 Bị cáo Nhàn luôn cúi mặt trong quá trình xét xử.

Ngoài ra, do Trước giúp Lan thực hiện công việc liên quan đến việc xin cấp giấy phép xây dựng hạ tầng giai đoạn 1 Dự án Mũi đèn đỏ, thay đổi về hệ số xây dựng (tăng) của Dự án Mũi đèn đỏ; giấy phép xây dựng Dự án Sài Gòn Bình An (SDI) nên Lan chỉ đạo Dung làm hồ sơ cho Công ty Tường Việt vay 1.500 tỷ đồng, thực chất là rút tiền Ngân hàng SCB để Lan cho Trước số tiền trên. Do đó, Trước đã báo cáo Cao Việt Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Tường Việt về việc Công ty Tường Việt chuyển sang làm hạn mức để vay vốn tại Ngân hàng SCB để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Mặc dù thời điểm này Công ty Tường Việt không có phương án kinh doanh, chưa có nhu cầu vay tiền, không có tài sản để đảm bảo cho khoản vay, nhưng Dũng vẫn đồng ý với Trước việc làm hạn mức vay vốn. Dũng đã ký Biên bản họp Hội đồng thành viên Công ty Tường Việt đồng ý việc vay vốn tại Ngân hàng SCB; ký Thỏa thuận cấp hạn mức tín dụng đề ngày 10/06/2021 với hạn mức 1.000 tỷ đồng. Thỏa thuận này sau đó được Dũng ký lại với hạn mức 1.500 tỷ đồng, thay thế hạn mức 1.000 tỷ đồng nhưng vẫn đề lùi ngày 10/6/2021.

Sau đó, Trước đã chỉ đạo nhân viên Công ty Tường Việt lập hồ sơ vay vốn với phương án kinh doanh là các hợp đồng mua bán khống giữa các công ty thuộc nhóm Tường Việt, đồng thời ký giả chữ ký của Cao Việt Dũng trong các hồ sơ vay vốn. Khoản vay của Công ty Tường Việt thực tế đã giải ngân 18 lần, tổng số 1.498 tỷ đồng. Cao Việt Dũng không ký thỏa thuận của từng lần nhận nợ, không ký giấy nhận nợ, không ký ủy nhiệm chi… nhưng Ngân hàng SCB vẫn giải ngân. Dũng đồng ý để Trước chỉ đạo nhân viên thực hiện khoản vay và ký giả chữ ký của mình.

Tác giả: Đức Mừng – Ngọc Thiện - Văn Hào

Nguồn tin: cand.com.vn