Để quyền lựa chọn sách giáo khoa được thực sự dân chủ
- 13:35 06-03-2024
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Để tránh vấp phải trường hợp lựa chọn sách giáo khoa theo kiểu “trên 1 đằng, dưới 1 nẻo”, ngay từ tháng 2/2024, các cơ sở giáo dục trên cả nước đã gấp rút lựa chọn sách giáo khoa để trình lên Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa đưa vào giảng dạy trước khi bắt đầu năm học 2024-2025.
Việc trao quyền chọn sách giáo khoa được thực hiện theo đúng Thông tư số 27/2023/TT-BGDĐT Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về việc lựa chọn sách giáo khoa trong các cơ sở giáo dục phổ thông, có hiệu lực thi hành từ ngày 12/2/2024.
Theo đó, tại Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội là chủ trương "Một chương trình, nhiều sách giáo khoa" đã góp phần huy động nguồn lực xã hội, nâng cao chất lượng SGK, chống độc quyền và đáp ứng với xu hướng quốc tế. Song việc lựa chọn không đảm bảo tính dân chủ, tôn trọng ý kiến của giáo viên cũng đã xuất hiện ở những năm học trước.
Nếu chủ trương theo Thông tư số 27/2023/TT-BGDĐT được thực hiện nghiêm túc thì tạo điều kiện cho giáo viên, phụ huynh học sinh phối kết hợp với các cơ sở giáo dục thống nhất lựa chọn những cuốn sách trong các bộ sách giáo khoa được phát hành có đầy đủ nội dung từng môn học, hoạt động giáo dục theo quy định tại Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sao cho phù hợp với trường (cơ sở) mình, địa phương mình.
Tuy nhiên, bắt đầu năm học 2021-2022 triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, theo quy định của Luật Giáo dục sửa đổi (2019) và Thông tư 25/2020 thì việc lựa chọn sách giáo khoa lại do Uỷ ban nhân dân các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương quyết định.
Và đã xảy ra tình trạng không quy định giá trị ý kiến của cơ sở giáo dục như thế nào, tạo khe hở để một số hội đồng lựa chọn SGK cấp tỉnh chỉ gồm tối đa 15 người "phớt lờ" ý kiến cơ sở, tự quyết định bằng cách bỏ phiếu kín, đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều tỉnh, thành chỉ chọn mỗi môn học một quyển sách, thậm chí chỉ chọn một bộ sách cho hầu hết các môn học, trái với quy định “có một số SGK cho mỗi môn học” của Nghị quyết 88 của Quốc hội.
Cũng từng trải qua 1 lần thay đổi sách giáo khoa, các thầy cô giáo của Trường Tiểu học Kim Ngọc (Vĩnh Phúc) nhận ra rằng: Để chương trình mới thành công thì chìa khóa quan trọng nhất chính là làm công tác truyền thông, định hướng cho phụ huynh về bộ sách giảng dạy bằng chính chiêm nghiệm của thầy cô đứng lớp, giúp họ an tâm và đặt niềm tin gửi gắm con em.
Cô Nguyễn Thị Thanh Hoa, Giáo viên Trường Tiểu học Kim Ngọc cho biết, sau khi giáo viên đã được lựa chọn bộ sách giáo khoa dựa trên quá trình thử nghiệm và dạy học. Bản thân giáo viên sẽ trao đổi với phụ huynh về định hướng của sách giáo khoa mới, thậm chí, học sinh lớp 1 của cô Hoa cũng không phải mang sách về nhà để học vì trên lớp đã được giáo viên hướng dẫn, dạy toàn bộ.
Còn với cô Đinh May, giáo viên lớp 1, Trường Tiểu học Chiềng Sơn (Sơn La), chương trình dạy cho học sinh hiện đang được triển khai gồm: Tiếng Việt học bộ sách Cánh Diều còn Toán học bộ sách Kết nối Tri thức với cuộc sống.
Cô May chia sẻ, trong lớp của cô có tới 3 độ tuổi đến lớp gồm: không học mầm non vào thẳng lớp 1, quá tuổi học lớp 1 và đúng độ tuổi đến trường. Tuy nhiên, việc dạy và học cũng không gặp quá nhiều khó khăn bởi các bộ sách được thiết kế phù hợp với địa điểm vùng miền, đáp ứng yêu cầu dạy và học cho học sinh vùng cao, học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số.
Đó chỉ là một vài trong số hàng trăm nghìn ý kiến phản hồi của phụ huynh, giáo viên về bộ sách giáo khoa đang được giảng dạy. Cũng phải nhìn nhận, sự đổi mới trong giáo dục luôn sẽ vấp phải những ý kiến trái chiều, đó chính là quy luật tất yếu trong cuộc sống.
Ở thời điểm gạo đã nấu thành cơm, thì việc cải tiến như Thông tư số 27/2023/TT-BGDĐT sẽ là bệ đỡ quan trọng xóa tan rào cản khó khăn cho những người thầy trực tiếp đứng lớp giảng dạy, từ đó đem lại hiệu quả cho việc truyền đạt kiến thức cho học sinh.
|
Muốn giáo dục được cải thiện thì tính dân chủ phải được đảm bảo công bằng mà bắt đầu chính là lựa chọn sách giáo khoa. Tuy nhiên tại nhiều tỉnh, khi các năm học trước phớt lờ ý kiền giáo viên thì liệu các trường, các cơ sở có còn được chọn lựa khi các lớp trước ở các tỉnh nêu trên được Hội đồng lựa chọn 15 người chọn độc quyền một bộ sách mặc dù dưới cơ sở lại chọn các tên sách khác của các nhà xuất bản khác.
Năm học 2020-2021 (năm bắt đầu triển khai chương trình sách lớp 1) các tỉnh trên đều chọn ít nhất 2 bộ sách để giảng dạy theo đúng chủ trương. Cụ thể : Tỉnh Tiền Giang 74% học SGK Cánh Diều, 26% học SGK Chân trời sáng tạo; Tỉnh Vĩnh Long 57 % học SGK Cánh Diều, 41% c học SGK Chân trời sáng tạo; Tỉnh Đồng Tháp 42% % học SGK Cánh Diều, 39% học SGK Chân trời sáng tạo; Tỉnh Bình Thuận 35% học SGK Cánh Diều, 39% học SGK Chân trời sáng tạo; Tỉnh Bình Dương 28% học SGK Cánh Diều, 49% học SGK Chân trời sáng tạo ; Tỉnh Cần Thơ 28% học SGK Cánh Diều, 39% học SGK Chân trời sáng tạo; Tỉnh Phú Thọ : 50% học SGK Cánh Diều, 50% học SGK Kết nối tri thức với cuộc sống; Tỉnh Quảng Nam 25% học SGK Cánh Diều; 60% học SGK Kết nối tri thức với cuộc sống
Còn tại Thủ đô, trong những năm học trước, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có tỷ lệ chọn sách giáo khoa Cánh Diều ở bậc tiểu học tương đối tốt, đặc biệt là ở các khối trường ngoài công lập, đơn cử như bộ sách giáo khoa Tiếng Việt các khối được các nhà trường ủng hộ với tỷ lệ cao. Đến năm học 2022-2023, sách tiếng Việt lớp 2 Cánh Diều lại không được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đưa vào danh sách sách giáo khoa cho giáo viên lựa chọn.
Tương tự với tỉnh Phú Thọ, năm học 2021-2022, rất nhiều giáo viên đều mong muốn có thể dạy 1 bộ sách gồm có các môn của sách KNTT và sách Cánh Diều thay vì 8 đầu sách thuộc bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống.
Theo đó, UBND tỉnh Phú Thọ ban hành Quyết định số 886/QĐ-UBND về việc phê duyệt danh mục sách giáo khoa (SGK) lớp 2 và lớp 6 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông từ năm học 2021- 2022 chỉ duy nhất một bộ SGK Kết nối tri thức với cuộc sống.
Là giáo viên chủ nhiệm của lớp 1 có tỉ lệ học sinh dân tộc Mường chiếm gần 70%, cô Điêu Thị Thanh Phương (ở Trường tiểu học Tân Phú, huyện Tân Sơn, Phú Thọ) chia sẻ: “Năm học đó, giáo viên chúng tôi không được lựa chọn sách giáo khoa mà quyền lựa chọn thuộc về UBND tỉnh.
Tỉ lệ chọn bộ sách Cánh Diều và Kết nối tri thức với cuộc sống đều chiếm 50:50. Song, là người đứng lớp giảng dạy, tôi nhận thấy mỗi bộ sách có thể phù hợp từng huyện xã tại một tỉnh, không nên một tỉnh chọn độc quyền 1 bộ SGK của một Nhà xuất bản”.
|
Ngoài ra, có một số tỉnh kiên quyết chỉ học một bộ sách của một nhà xuất bản từ năm học 2020 -2021 năm bắt đầu thực hiện chủ trương : “Một chương trình, nhiều bộ SGK” và các năm sau thì mặc dù giáo viên và học sinh muốn chọn bộ sách khác để dạy và học thì cũng không có quyền để chọn lựa.
Liên quan đến việc lựa chọn sách giáo khoa mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố Thông tư số 27/2023/TT-BGDĐT quy định lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông và thường xuyên.
Một trong những điểm mới đáng chú ý tại dự thảo là các quy định hướng tới tăng cường vai trò của cơ sở giáo dục trong lựa chọn sách giáo khoa, 3 nguyên tắc 2 tiêu chí gồm:
Thứ nhất, lựa chọn SGK trong danh mục sách giáo khoa đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt để sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông. Thứ hai, mỗi môn học, hoạt động giáo dục được thực hiện trong cơ sở giáo dục phổ thông ở mỗi khối lớp lựa chọn 1 sách giáo khoa. Thứ ba, việc lựa chọn sách giáo khoa bảo đảm thực hiện dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch.
Hai tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa gồm: Phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương và phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông.
Theo số liệu thống kê, từ năm 2020, từ khi thực hiện chương trình đổi mới sách giáo khoa đã có 381 đầu sách được xuất bản với 194 triệu bản sách. Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, năm học 2024 - 2025 việc quan trọng nhất vẫn là ưu tiên thẩm định chất lượng sách giáo khoa lớp 5, lớp 9, lớp 12 cho thật tốt; đảm bảo sách giáo khoa trước năm học mới.
“Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ còn một chặng đường dài 2 năm nữa. Đây là những năm rất quan trọng vừa triển khai các nội dung còn lại, đánh giá thực tế nội dung, công việc để vào năm 2025 sẽ nhìn nhận tương đối đầy đủ đổi mới giáo dục phổ thông.
Sự đổi mới sẽ phát huy trên tính chủ động, sáng tạo của cả người dạy - người học, chuẩn bị cho một chặng đường dài hơi, để đổi mới đạt được kết quả toàn diện hơn như chúng ta mong muốn”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định.
Và cũng mong rằng với Thông tư số 27/2023/TT-BGDĐT thì các giáo viên tại các cơ sở giáo dục tại địa phương sẽ có được quyền tự lựa chọn sách giáo khoa, sẽ làm tăng lên hàng vạn đầu mối lựa chọn sách, chắc chắn sẽ hạn chế hoặc ngăn chặn được những dấu hiệu lợi ích nhóm trong phát hành sách giáo khoa và giáo viên, phụ huynh, học sinh chọn được những quyển sách giáo khoa phù hợp tại cơ sở mình.
Tác giả: Khánh Linh
Nguồn tin: nguoiduatin.vn