Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Trường mầm non vùng biên 'khóc dở mếu dở' tiếp nhận trẻ chưa khai sinh

Nhiều trường mầm non vùng biên giới, dân tộc thiểu số tại Nghệ An gặp tình trạng oái oăm khi tiếp nhận trẻ như “trên trời rớt xuống”.

 Cô trò điểm bản Huồi Mới, Trường Mầm non Tri Lễ, huyện Quế Phong, Nghệ An.

Đó là những trẻ không nằm trong danh sách phổ cập, được người thân dẫn đến trường mầm non xin nhập học khi đã 2 - 3 tuổi trở lên.

Đủ tuổi ra lớp, thiếu giấy khai sinh

Đầu năm học 2023 - 2024, Trường Mầm non xã Tri Lễ (huyện Quế Phong, Nghệ An) tiếp nhận hơn 30 trường hợp trẻ từ 2 - 5 tuổi được người thân đưa đến xin đi học. Điều này khiến cô Hiệu trưởng Hoàng Thị Đài – mới chuyển công tác về trường bất ngờ, bối rối.

Cô Đài thông tin, ban đầu khi thấy phụ huynh đến xin cho con đi học, cô thấy kỳ lạ vì thông thường trẻ sinh ra ở địa bàn sẽ được cán bộ xã và nhà trường thống kê danh sách, dự báo quy mô học sinh. Mỗi năm đều có các đợt đi phổ cập để huy động trẻ ra lớp đúng độ tuổi. Tuy nhiên, số trẻ này khi cho giáo viên phụ trách phổ cập từng bản kiểm tra, rà soát thì không nằm trong bất cứ danh sách nào. Hỏi thêm người nhà thì được biết các cháu không có giấy khai sinh.

Đem sự việc báo với chính quyền địa phương, cô Đài nhận được câu trả lời đây không phải là chuyện lạ. Theo ông Vi Văn Du - Bí thư Đảng ủy xã Tri Lễ, trẻ không có giấy khai sinh, không nằm trong danh sách phổ cập nhưng “bỗng dưng xuất hiện” chủ yếu xảy ra tại các bản làng người Mông sinh sống như: Huồi Mới, Pà Khốm, Mường Lống, Huồi Xái, Nậm Tột.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Tri Lễ, lý do trẻ chưa có trong các loại hồ sơ tư pháp nào như giấy khai sinh, hộ khẩu… bởi bố mẹ thuộc diện tảo hôn, gia đình tổ chức cưới khi chưa đủ tuổi theo quy định của Nhà nước. Ở vùng cao, nơi sinh sống của bà con dân tộc thiểu số, nhất là các bản làng người Mông, tập tục tảo hôn vẫn duy trì và coi như bình thường.

Ông Du cho biết, qua kiểm tra, hơn 30 trường hợp trẻ chưa được phổ cập đều là con của các cặp vợ chồng tảo hôn. Sau khi cưới cùng nhau vào các tỉnh phía Nam lao động. Con được 3 - 4 tuổi mới gửi về bản cho ông bà nuôi dưỡng mà chưa làm giấy khai sinh. Xã Tri Lễ và các ban liên quan đã họp với nhà trường để đảm bảo quyền được đi học, giáo dục của trẻ. Đồng thời giao cho cán bộ chuyên trách mời gia đình các cháu đến hướng dẫn làm giấy khai sinh.

Bí thư Đảng ủy xã Tri Lễ cũng cho hay, theo quy định đây là các trường hợp đăng ký khai sinh quá hạn. Tuy nhiên, liên quan đến chế độ chính sách cho các cháu được thụ hưởng thì phải có giấy khai sinh, hộ khẩu. Với gia đình bố mẹ chưa đủ tuổi đăng ký kết hôn thì khai sinh cho con theo họ mẹ, nhập khẩu vào gia đình mẹ.

 Trẻ mầm non điểm bản Huồi Pốc, Trường Mầm non Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An. Ảnh: TG

Bảo đảm quyền lợi cho trẻ

Lý Bá H đang học lớp 5 tuổi tại điểm trường Huồi Mới, Trường Mầm non Tri Lễ (huyện Quế Phong, Nghệ An). Theo cô Lầu Y Pay – giáo viên phụ trách điểm bản, cháu H. lớn hơn 2 tuổi so với các bạn trong lớp. Lỳ Bá H là con của anh Lỳ Bá V và chị Vừ Ý K. Hai vợ chồng làm đám cưới từ lâu nhưng gần đây mới đủ tuổi đăng ký kết hôn. Sau đó, con trai Lỳ Bá H mới được khai sinh rồi cho đi học. Nhà trường phân công H vào lớp mẫu giáo lớn để đảm bảo hoàn thành chương trình phổ cập mầm non 5 tuổi mới có thể vào lớp 1.

Hơn 10 năm cắm bản tại Huồi Mới, cô Lầu Y Pay chứng kiến nhiều trường hợp trẻ sinh ra không được khai sinh do bố mẹ chưa đủ tuổi kết hôn. Bản thân cô hằng năm theo đoàn công tác của trường, địa phương thường xuyên rà soát, thực hiện phổ cập giáo dục các độ tuổi, hướng dẫn bố mẹ đi khai sinh cho trẻ.

Theo cô Pay, đa số phụ huynh nhận thức được tầm quan trọng của việc khai sinh cho con nhưng với gia đình có bố mẹ tảo hôn, lúc làm giấy tờ nảy sinh nhiều vấn đề “khóc dở mếu dở”. Theo đó, nếu bố mẹ chưa đăng ký kết hôn, lúc khai sinh cho trẻ chỉ có thể ghi theo họ mẹ và nhập vào hộ khẩu mẹ. Tuy nhiên phía gia đình bên nội đứa trẻ lại không chấp nhận, đòi hỏi trong giấy khai sinh phải ghi đầy đủ tên bố mẹ, con theo họ bố.

Ý thức về dòng họ của người Mông rất lớn, các gia đình kiên quyết đợi bố mẹ đủ tuổi đăng ký kết hôn mới khai sinh cho con cái để được mang họ bố. Cũng có gia đình trẻ đến tuổi đi học mà bố mẹ chưa đủ tuổi kết hôn, vậy là “gửi” con vào hộ khẩu ông bà để mang đúng dòng họ. Kết quả trẻ từ cháu nội chuyển thành con của ông bà trên giấy tờ. “Nhiều người dân hiện nay còn sinh đẻ ở bản, không đến cơ sở y tế nên không có giấy chứng sinh. Khi đi khai sinh, họ khai là con của ai, thì cán bộ chỉ biết nghe vậy chứ khó xác minh”, lãnh đạo xã Tri Lễ nói thêm.

Tình trạng này cũng xảy ra ở các trường mầm non đóng tại địa bàn vùng cao, dân tộc thiểu số huyện Kỳ Sơn. Cô Phạm Thị Thanh Trâm – Hiệu trưởng Trường Mầm non Nậm Cắn (xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) cho biết, những năm trước, nhà trường gặp không ít trẻ như “trên trời rơi xuống”. Nói vậy bởi hằng năm giáo viên đi thực hiện phổ cập không ghi nhận trẻ sinh mới, nhưng tới năm học lại được người thân đưa đến xin nhập học, khi đó trẻ đã 2 - 3 tuổi trở lên. Nguyên nhân trẻ không có giấy khai sinh, hộ khẩu có thể do bố mẹ tảo hôn, cũng có trường hợp bố mẹ di cư tự do sang Lào và mới chuyển về…

“Học kỳ I năm học này, chúng tôi chưa thấy trường hợp nào, nhưng dịp sau Tết là thời điểm có nhiều biến động về sĩ số. Có em xin nhập học, có em lại được bố mẹ xin rút hồ sơ để đưa vào miền Nam. Nhà trường đang giao giáo viên rà soát danh sách và chuẩn bị thực hiện lần phổ cập tiếp theo”, cô Phạm Thị Thanh Trâm cho biết.

Theo Hiệu trưởng Trường Mầm non Nậm Cắn, trẻ chưa được khai sinh sẽ ảnh hưởng lớn đến quyền lợi như: Bán trú, chế độ trợ cấp theo chính sách ưu đãi của Nhà nước cho học sinh dân tộc thiểu số vùng biên giới… Vì để được chi trả các chế độ này, nhà trường phải lập danh sách học sinh theo hộ khẩu, nơi cư trú.

Vậy nên, khi tiếp nhận bất cứ trẻ nào ngoài danh sách, nhà trường đều phối hợp với chính quyền địa phương làm giấy khai sinh muộn, bổ sung sĩ số. Việc này ảnh hưởng đến kết quả phổ cập, vất vả cho các cô giáo nhưng nhà trường cố gắng làm hết trách nhiệm để đảm bảo chế độ cho trẻ.

Tác giả: Hồ Lài

Nguồn tin: giaoducthoidai.vn