Vẻ đẹp của ngôi đền được xây dựng từ đá ong ở Hà Tĩnh
- 16:16 28-02-2024
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đền Quan Sơn (xã Tân Dân, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) có diện tích khoảng 2.000 m2, được xây dựng rất đặc biệt với vật liệu chủ yếu là đá ong. Ảnh: Cẩm Kỳ |
Theo sử sách ghi lại, đền Quan Sơn trước đây là một ngôi đền nhỏ được lợp bằng cỏ tranh. Trải qua hơn 600 năm lịch sử, đền bị xuống cấp và hư hỏng hoàn toàn. Ảnh: Cẩm Kỳ. |
Đền Quan Sơn được người dân lập để thờ Trần Quốc Trung một trong hai vị cận thần có công phò Hoàng hậu Bạch Ngọc rời kinh thành Thăng Long về quê lánh nạn, khai khẩn một vùng đất rộng lớn nay là 4 huyện Hương Sơn, Hương Khê, Can Lộc và Đức Thọ (Hà Tĩnh). Ảnh: Cẩm Kỳ. |
Năm 2015, người dân địa phương và con em xa quê đã cùng đóng góp 16 tỷ đồng để tôn tạo lại ngôi đền trên diện tích gần 2.000 m2 với các hạng mục chính như nhà sắp lễ, lầu chiêng, gác trống, nhà lục giác, ngôi tam bảo với 5 ban thờ. Ảnh: Cẩm Kỳ. |
Để tạo nét đẹp riêng, người dân địa phương đã quyết định sử dụng vật liệu chủ chốt là hàng chục nghìn viên đá ong loại đá có cấu tạo mềm, xốp, lỗ chỗ như tổ ong nằm dưới đất. Đây được coi là một nguồn nguyên liệu độc đáo của ngôi đền. Ảnh: Cẩm Kỳ. |
Điều này đã tạo nên vẻ đẹp trầm mặc, cổ kính cho công trình thờ tự này, ngoài ra đá ong chịu được thời tiết khắc nghiệt, đảm bảo thời gian lâu dài. Ảnh: Cẩm Kỳ. |
Nổi bật trên nền kiến trúc bằng đá ong tại đền Quan Sơn là sự độc đáo trong việc sắp xếp tạo hình và những hoa văn xưa hiện diện trên chính các quần thể xung quanh như cổng, tường và không gian xung quanh nhằm giữ được nét thiết kế cổ, mang đậm hồn quê. Ảnh: Cẩm Kỳ. |
Nhiều hạng mục tại đền được chạm trổ bài trí hoạ tiết một cách tinh tế. Ảnh: Cẩm Kỳ. |
Vật liệu chính tại các hạng mục như cổng, nhà chờ, nhà đình, nhà trống, nhà hóa vàng, thành giếng, tường rào, bậc thang quanh khuôn viên đều được làm từ đá ong. Ảnh: Cẩm Kỳ. |
Theo ông Trần Ngọc Minh (thủ nhang đền Quan Sơn), đá ong xây dựng tại đền được mua ở các tỉnh phía Bắc. Từ những tảng đá gồ ghề, người thợ đã tỉ mẩn đục đẽo, mài cắt thành phiến đá, viên gạch sắc cạnh phù hợp với từng hạng mục. Những viên phiến đá được liên kết với nhau bằng mạch âm, kết dính với nhau bằng một loại keo đặc biệt. Ảnh: Cẩm Kỳ. |
Ngôi đền trở nên độc đáo, tạo nên vẻ đẹp trầm mặc khi được dựng lên từ hàng chục ngàn viên đá ong. Ảnh: Cẩm Kỳ. |
"Việc chọn lựa đá ong để xây dựng tôn tạo lại ngôi đền bởi đá ong có đặc tính hấp thụ nhiệt kém, tỏa nhiệt nhanh. Vì thế, không gian nơi đây sẽ mát mẻ vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông", ông Trần Ngọc Minh chia sẻ. |
|
Màu sắc nâu đậm chủ đạo của đá ong khiến cho ngôi đền trở nên vẻ đẹp đơn sơ, cổ kính. Tại những bậc thang vào đền rêu phong mọc kín, tạo nên vẻ đẹp độc đáo. Đền Quan Sơn uy nghi vững chãi toả bóng một vùng quê là sợi dây tâm thức nối liền thời quá khứ và hiện tại. Ảnh: Cẩm Kỳ. |
Tác giả: Cẩm Kỳ
Nguồn tin: Báo Đại đoàn kết