Loại rau “nhà nghèo” hay ăn nay lên đời thành đặc sản giá 100.000 đồng/kg
- 14:02 27-02-2024
- In ra
- Đóng cửa sổ này
|
Giảo cổ lam là dược liệu cổ quý hiếm được sử dụng với rất nhiều công dụng trong y học. Ngoài ra nó còn là loại rau đặc sản được người thành phố "săn lùng" suốt một thời gian dài.
Chúng có đặc điểm: cây thân thảo có thân mảnh, dễ gãy, mọc leo nhờ các tua cuốn đơn ở nách lá, có cây đực và cây cái riêng biệt; lá cây giống lá kép, có hình chân vịt khép kín, màu xanh thẫm; hoa mọc thành cụm có hình chuỳ, bông hoa nhỏ có màu trắng, các cánh hoa nở xòe rời nhau, tạo hình ngôi sao. Bao phấn ở bông hoa dính thành đĩa, bầu hoa có 3 vòi nhuỵ; quả có hình cầu, kích thước 5 – 9mm, khi chín quả có màu đen.
Giảo cổ lam giá khá đắt đỏ (Ảnh: XHM) |
Thông tin trên Gia Đình Xã Hội, tại Việt Nam, giảo cổ lam được tìm thấy nhiều ở vùng núi Fansipan thuộc Sa Pa (Lào Cai) và núi đá vôi thuộc tỉnh Hòa Bình. Chị Như Loan (31 tuổi, Hòa Bình) - một vị khách thường xuyên dùng loại rau này cho biết: "Giảo cổ lam chính là loại rau dành cho người nghèo ở vùng quê mình khi xưa.
Nhớ hồi đó, chúng mình hay rủ nhau vào vùng núi đá vôi hái ngọn và lá cây còn tươi về để mẹ chế biến thành món ăn ngon như xào hoặc nấu canh. Mẹ mình bảo rằng rau giảo cổ lam mọc tự nhiên nên sạch, ăn ngon và có giá trị dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe.
Sau này, cuộc sống của mọi người khấm khá hơn, ít ai đi hái về làm rau ăn. Và vài năm trở lại đây, chúng bỗng trở thành đặc sản được nhiều người săn lùng vừa chữa bệnh vừa làm rau ăn".
Theo chị Như Loan, do thị trường có nhiều khách hàng ưa chuộng giảo cổ lam, nên người dân ở Hòa Bình (quê chị Như Loan) đã tranh thủ hái loại rau này về bán. Họ thu hoạch lá và dây leo quanh năm, có thể dùng tươi hoặc dùng khô đều được. Loại giảo cổ lam được ưa chuộng nhất vẫn là loại 5 lá.
Cũng theo chị Như Loan, một số người ở quê chị còn vào núi hái ngọn và lá non về bán trên mạng xã hội. Và chỉ sau vài phút đăng tải, họ đã bán hết vài cân rau với giá không hề rẻ.
"Hiện nay, trên thị trường, giảo cổ lam có giá từ khoảng 250.000 đến 300.000 đồng/kg sấy khô; 100.000 đồng/kg rau giảo cổ lam,… Đắt đỏ là vậy nhưng người thành phố vẫn dám chi để được thưởng thức món ăn vừa ngon vừa bổ dưỡng này", người phụ nữ Hòa Bình nói.
Rau gảo cổ lam xào rất thơm ngon (Ảnh: MXH) |
Một số công dụng của giảo cổ lam
Thông tin trên Sức Khỏe & Đời Sống, giảo cổ lam có tên khoa học là Gynostemma pentaphylium, thuộc họ bầu bí. Giảo cổ lam còn có tên gọi khác là cổ yếm, thất diệp đảm, ngũ diệp sâm, thất diệp sâm, thư tràng 5 lá...
Giảo cổ lam là cây ưa bóng râm, ẩm ướt cho nên cây thường mọc ở nơi bóng mát, cạnh suối, ở trong rừng thưa ẩm ở một số nước châu Á.
Cây thân mảnh, có các tua cuốn đơn để leo. Lá đơn xẻ sâu như lá kép chân vịt. Hoa hình chùy, mang nhiều hoa nhỏ trắng tạo thành cụm. Quả khô hình cầu, thường có đường kính 5 - 9 mm, quả khi chín có màu đen.
Thường được thu hái vào mùa hè và mùa thu mỗi năm. Bộ phận thường dùng của cây giảo cổ lam là lá và cành non.
Tính vị: Vị đắng, hơi ngọt, tính mát.
Quy kinh: Phế, tỳ, thận.
Công dụng: Thanh nhiệt giải độc, ích khí kiện tỳ, tư âm, tiêu đờm giảm ho.
Thường được dùng để trị bệnh: Viêm gan, tăng lipid máu, viêm dạ dày ruột mạn tính, viêm khí phế quản mạn tính, cơ thể suy nhược và mệt mỏi, ho có đờm...
* Để hỗ trợ trị bệnh, tăng thêm công dụng bổ gan, kiện tỳ, ích khí... có thể sử dụng giảo cổ lam kết hợp một số vị thuốc sau:
- Giảo cổ lam linh chi ẩm: Lấy giảo cổ lam và nấm linh chi tỷ lệ 1:1; giảo cổ lam 15g, nấm linh chi 15g. Hãm uống trà thay nước trong ngày.
Bài thuốc này có tác dụng giải độc, bảo vệ tế bào gan, hạ mỡ máu... Hỗ trợ điều trị tốt bệnh mỡ máu, gan nhiễm mỡ, đái tháo đường, tăng huyết áp...
- Giảo cổ lam kim tiền ẩm: Dùng giảo cổ lam 15g, kim tiền thảo 50g. Hãm lấy nước uống, hoặc sắc thuốc chia 3 lần uống trong ngày.
Bài thuốc dùng tác dụng thanh nhiệt giải độc của giảo cổ lam, thanh nhiệt trừ thấp, lợi tiểu của kim tiền thảo để chữa chứng vàng da; hỗ trợ bệnh lý viêm gan cấp, nguyên nhân do thấp nhiệt gây ra. Bên cạnh đó còn trị chứng tiểu tiện ít, nước tiểu sậm màu như nước lá vối.
Tác giả: Trúc Chi (Tổng Hợp)
Nguồn tin: nguoiduatin.vn