Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Ngắm nhìn những kỷ vật của nữ trung anh kiệt Nguyễn Thị Minh Khai

Thành phố Vinh vào những ngày cuối tháng 2 Dương lịch, khi không khí Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 vẫn còn phảng phất, tôi có dịp vào thăm Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai tại số 52, đường Quang Trung, TP Vinh, tỉnh Nghệ An.

 Nguyễn Thị Minh Khai - người nữ anh hùng trên quê hương xô Viết. Ảnh: Thiên Ý

 Bảng hướng dẫn vào Nhà lưu niệm Nguyễn Thị Minh Khai. Ảnh: Thiên Ý

 Nhà lưu niệm Nguyễn Thị Minh Khai toạ lạc trong một khuôn viên rộng rãi có diện tích 2.400m2 bao gồm nhà lưu niệm, nhà quản lý và đón khách, cùng các hạng mục phụ trợ. Ảnh: Thiên Ý

 Mặt bằng được bố trí làm hai phần, khu vực ngoài gồm hàng rào, cổng, thảm cỏ, cây xanh với điểm nhấn là tượng đài bà Nguyễn Thị Minh Khai cao 4,5m được bố trí ở phía trước, khu vực trong gồm nhà tưởng niệm và trưng bày. Ảnh: Thiên Ý

 Bức tượng đài bà Nguyễn Thị Minh Khai được đúc bằng đồng theo thể loại tượng chân dung đặt trên bệ cao, khắc họa hình ảnh người thiếu nữ duyên dáng trong tà áo dài, chân bước đi đầy khí phách. Ảnh: Thiên Ý

 Những vần thơ từng được nữ trung anh kiệt Nguyễn Thị Minh Khai viết bằng máu trong những ngày lao tù. Ảnh: Thiên Ý

 

 Nhà tưởng niệm bao gồm nhà trưng bày ở phía trước cùng với một gian thờ ấm cúng và linh thiêng ở phía sau. Hai nhà được xây liền khối. Ảnh: Thiên Ý

 

 Nội thất tại đây được thiết kế, trang trí, mỹ thuật đẹp, có sự kết hợp hài hòa giữa phong cách bài trí truyền thống với nghệ thuật trưng bày hiện đại. Ảnh: Thiên Ý

 Ấm tích, bát đĩa, đồ dùng sinh hoạt của gia đình bà Nguyễn Thị Minh Khai. Ảnh: Thiên Ý

 Thau đồng đồ dùng sinh hoạt của gia đình bà Nguyễn Thị Minh Khai. Ảnh: Thiên Ý

 Mâm đồng đồ dùng sinh hoạt của gia đình bà Nguyễn Thị Minh Khai. Ảnh: Thiên Ý

 Chiếc khăn rằn thường được bà Nguyễn Thị Minh Khai dùng khi hoạt động ở Nam Kỳ (1936-1939). Ảnh: Thiên Ý

 Kỷ vật bà Nguyễn Thị Minh Khai làm khi trong tù để tặng cho người con gái Lê Nguyễn Hồng Minh. Ảnh: Thiên Ý

 Phác họa bà Nguyễn Thị Minh Khai và Nguyễn Thị Nhuận đến chùa Diệc dự lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh cùng đông đảo nhân dân và học sinh thành phố Vinh ngày 27/3/1926. Ảnh: Thiên Ý

 Thông qua những bức ảnh, hiện vật, tư liệu, bản đồ, bản trích, tranh vẽ minh họa sự kiện lịch sử để du khách phần nào hiểu được cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vẻ vang của nữ trung anh kiệt Nguyễn Thị Minh Khai.

 Nhà lưu niệm Nguyễn Thị Minh Khai được sắp xếp phân thành 3 khu vực với 3 chủ đề gồm: Quê hương gia đình của bà Nguyễn Thị Minh Khai; Sự nghiệp cách mạng của bà Nguyễn Thị Minh Khai; Đất nước, quê hương tri ân, tôn vinh bà Nguyễn Thị Minh Khai.

 Đối với chủ đề 1: Trưng bày những bức ảnh, kỷ vật giới thiệu khái quát về vùng đất xứ Nghệ, mảnh đất địa linh nhân kiệt là quê hương của nhiều danh nhân văn hóa, lịch sử, mảnh đất văn vật với những ngôi đền, ngôi chùa linh thiêng, cổ kính cùng với truyền thống yêu nước, nhân ái của gia đình đã góp phần ươm mầm nên khí tiết cách mạng, lòng yêu nước của bà Nguyễn Thị Minh Khai ngay từ thủa thiếu thời.

 Chủ đề 2: Đây là chủ đề chính, thông qua những tư liệu được trưng bày tại đây cùng những câu chuyện nhỏ kể về bà từ khi sinh ra với thời ấu thơ đầy cá tính, thời tuổi trẻ sôi nổi với những hoạt động không biết mệt mỏi kể cả trong nước lẫn nước ngoài (Trung Quốc, Liên Xô)…

 Chủ đề 3: Thể hiện sự kính trọng, tự hào của nhân dân cả nước đối với sự hy sinh cao cả của bà Nguyễn Thị Minh Khai – nữ chiến sỹ cộng sản kiên cường, nguyên Ủy viên Xứ ủy Nam Kỳ - Bí thư Thành ủy Sài Gòn – Chợ Lớn. Ảnh: Minh họa.

Theo Ban Quản lý Di tích tỉnh Nghệ An, từ giữa tháng 1/2024 đến nay Nhà lưu niệm bà Nguyễn Thị Minh Khai đã đón hơn 1.000 lượt khách tới thăm.

Bà Nguyễn Thị Minh Khai tên thật là Nguyễn Thị Vịnh, sinh năm 30/9/1910, trong một gia đình công chức nhỏ tại xã Vĩnh Yên, thị xã Vinh (nay là thành phố Vinh). Bố là ông Nguyễn Huy Bình quê ở làng Mọc (Nhân Chính, Hà Nội), làm Thư ký ga xe lửa ở Vinh từ năm 1907. Mẹ là bà Đậu Thị Thư quê ở xã Đức Tùng, huyện Đức Thọ (tỉnh Hà Tĩnh), làm nghề buôn bán nhỏ ở chợ Vinh. Ông hiền lành ít nói, bà tháo vát, đảm đang và nghiêm khắc.

Từ nhỏ, Nguyễn Thị Vịnh đã được gia đình cho theo học các lớp chữ Quốc ngữ và sớm chịu ảnh hưởng tư tưởng yêu nước từ các thầy giáo Trần Phú, Hà Huy Tập... Năm 17 tuổi, bà đổi tên thành Nguyễn Thị Minh Khai để hoạt động cách mạng. Và cái tên ấy đã theo bà đến hết cuộc đời hoạt động cách mạng kiên cường của mình.

Tác giả: Thiên Ý

Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam