Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Ấm tình… người lạ

Tháng năm như dòng nước trôi, mạch thời sự xã hội thông tin như con sóng sau xô sóng trước, nhưng chuyện nghĩa tình ở đời dẫu chỉ là một lần trao - nhận cũng làm người ta khắc ghi. Trong cái không khí như dùng dằng thêm một chút của những ngày cuối năm, một chút trao đi cũng là cả mùa xuân đang từng ngày thắm lại.

Xóm trọ, chủ yếu là dân lao động nhập cư, người tứ xứ tụ lại, tá túc để mưu sinh. Khu nhà trọ gần chợ đầu mối Bình Điền quá đúng bài bản để kinh doanh, bởi quy mô của khu chợ lớn nhất nhì thành phố, nguồn lao động nhiều, vì thế mà nhu cầu thuê nhà cao. Hỏi khu nhà trọ ông Tám Nghiệp (phường 7, quận 8), công nhân ở đây còn lạ gì, người này lại nhắc với người kia chuyện ông Tám hỗ trợ hồi dịch Covid-19, ân tình đó cũng đã trao đi hơn 2 năm nhưng mọi thứ như mới hôm qua.

 Các bạn trẻ nhóm Yên Foundation trao quà ở lớp học yêu thương tại ấp Tân Lập, Dĩ An, Bình Dương

Khi thành phố chịu những ngày dài giãn cách xã hội, chú Tám miễn phí gần 3 tháng tiền trọ, tìm cách gửi gạo và có mặt lúc cần để trấn an mọi người. “Bây giờ nghe thì thấy dễ dàng lắm chứ lúc dịch đâu có mần ăn gì được, gần 3 tháng tiền nhà cũng nặng gánh lắm. Tết thì năm nào cũng vậy, chú Tám tặng mỗi phòng một thùng bia, để anh em xóm trọ lai rai tất niên cho vui, còn ai về quê sớm thì chở luôn về quê để gia đình cúng ông bà. Mình dân xa xứ đi mần ăn, gặp lúc khó khăn mà được giúp vậy thì cái quý nào bằng…”, chị Nguyễn Thị Mia (quê Vĩnh Long) kể.

Cũng vì thế mà người này rỉ tai người kia đến thuê, không cần phải thêm khoản “thế chân” như nhiều nơi khác. Tháng nào chậm lương, hay bệnh đau, công chuyện đột xuất, một cuộc gọi điện thoại để thông báo, thì vợ chồng chú Tám chờ sang tháng sau. Cô Lê Thị Nhung (vợ chú Tám Nghiệp) chia sẻ: Cũng dân lao động với nhau không hà, có ai giàu có đâu mà thu thêm tiền “thế chân”. Dân công nhân đi làm cũng dành dụm rồi gửi về quê lo gia đình, con cái nên mình đỡ đần nhau thôi.

Chỉ cần trái tim mong muốn được trao đi tự khắc người ta biết cách để lan tỏa những điều nhân ái. Yên Foundation hoạt động từ tháng 4-2023 với một lý do đơn giản là san sẻ điều gì đó với mọi người xung quanh cũng là cách để người trẻ tự “chữa lành” cho chính mình. Trần Thị Thanh Huyền (Bình Thạnh, TPHCM) và Nguyễn Diệu Thùy (Tân Bình, TPHCM) cùng sáng lập Yên Foundation, bày tỏ: “Việc thành lập nhóm bắt nguồn từ việc cả hai đều thích công việc thiện nguyện, giúp đỡ mọi người. Chúng tôi tin rằng khi làm điều ta thích, xuất phát từ chính giá trị và niềm tin của bản thân, đó là động lực bền vững”.

 Các bạn trẻ chung tay trao quà cho người có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Họ là những người lạ gặp nhau và cùng nhau giúp những người xa lạ khác. Hành trình Yên Foundation đi qua là các lớp học tình thương ở xã Đại Phước, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh; trao quà cho hộ dân khó khăn và quà trung thu cho các em nhỏ trong hẻm C7C trên đường Phạm Hùng, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh… Mỗi bạn trẻ lại thêm một chút vững vàng cho hành trang trưởng thành.

“Trong chuyến đi đến lớp học yêu thương của ông bà Tư ở ấp Tân Lập, Dĩ An, Bình Dương, tôi nhớ rõ ông bà chống gậy ra trước cửa nhìn đoàn xe tình nguyện viên ra về. Trong khoảnh khắc đó, chúng tôi hiểu rằng, không bao giờ có giới hạn cho tình yêu thương, kể cả là những người hoàn toàn xa lạ”, Diệu Thùy, thành viên của Yên Foundation, bày tỏ.

Sẻ chia là câu chuyện chẳng thể cưỡng cầu, tự khắc nơi trái tim mỗi người có những rung cảm và hành động riêng. Nhịp sống vẫn trôi với đủ cung bậc cảm xúc đời thường, đâu đó giữa muôn vàn khó khăn, tình người thắm lại.

Tác giả: THIÊN BÌNH

Nguồn tin: sggp.org.vn