Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Độc đáo lễ hội 70 trai đinh cởi trần, thắt lưng nhiễu điều, kéo co bằng cây tre

Nét độc đáo trong lễ hội Kéo co Hữu Chấp (phường Hòa Long, TP Bắc Ninh) là người dân dùng cây tre làm dây kéo.

"Mồng Bốn là hội Kéo co

Mùng Năm hội Ó chẳng cho nhau về

Mồng Sáu đi hội Bồ Ðề

Mùng Bảy trở về đi hội Ðống Cao".

Lễ hội Kéo co thôn Hữu Chấp (nay là khu Hữu Chấp, phường Hòa Long, TP Bắc Ninh) là nét đẹp sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Lễ hội được tổ chức để cầu mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân. Lễ hội Kéo co Hữu Chấp đã tồn tại gần 400 năm, được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2015.

Lễ hội Kéo co thôn Hữu Chấp được tổ chức 2 năm/lần, theo thông lệ năm 2024 không diễn ra. Tuy nhiên, do đây là hoạt động văn hóa sôi nổi, bổ ích, mang nhiều ý nghĩa tốt lành, thu hút được sự tham gia của đông đảo người dân, du khách nên người dân Hữu Chấp đang mong muốn lễ hội được tổ chức hàng năm.  

 Sau phần tế lễ, hai đội Đông, Tây làm lễ hạ cây dây.

Khác với trò kéo co ở những địa phương khác, người dân Hữu Chấp sử dụng thân cây tre làm dây kéo.

Ông Nguyễn Văn Tín, Trưởng Ban Công tác Mặt trận khu phố Hữu Chấp cho biết, để có được cây tre làm dây kéo thi, trước ngày khai hội hàng tháng, làng đã cử người đi chọn tre ở các gia đình trong làng. Tre được chọn phải là tre ở các gia đình không có tang, bố mẹ song toàn, mọi người tín nhiệm.

 Hai đội Đông và Tây đợi lệnh thi đấu kéo co.

Hai cây tre được chọn phải không già, không non quá, gọi là tre bánh tẻ, dài, thẳng, không bị sâu kiến, không bị cộc ngọn và số đốt của hai cây phải là số lẻ. Tre của gia đình nào được chọn là vinh dự và niềm may mắn của gia đình đó trong cả năm.

"Cây tre được dóc mấu, cành gọn gàng rồi dùng mảnh sành cạo sạch tinh tre để lộ phần cật trắng. Hai đầu của hai cây tre được cắt vuông vắn không dập gãy, tổng số đốt của 2 cây tre phải là số lẻ.

Ngoài ra, còn có hai đòn tay ngang biểu trưng cho hai hướng Đông và Tây, làm điểm tỳ lực cho người chơi bám vào để kéo. Giữa điểm giao kết 2 gốc tre, có ba hình tròn xoắn trôn ốc tết bằng lạt, kích thước to nhỏ khác nhau, người dân địa phương gọi đó là hình con nhện. Khi làm xong, dây kéo tre được treo lên phía trước cửa nhà tiền tế của đình làng để báo cáo với Thành hoàng việc chuẩn bị cuộc thi đã hoàn tất", ông Tín cho biết thêm.

 Các bô lão trong làng đánh chiêng, trống thúc giục 2 đội thi đấu.

Tham gia thi kéo co là các trai đinh trong làng, được chia làm 2 phe: phe Đông và phe Tây. Thường mỗi bên có 35 trai đinh khỏe mạnh, gia đình không có tang trở (người dân gọi là không có bụi) được làng chọn cử, tổng số trai đinh tham gia là 70 người. 

Tất cả các trai đinh đều cởi trần, mặc quần trắng, thắt lưng nhiễu điều, bên Đông trên đầu thắt khăn màu đỏ, bên Tây thắt khăn màu xanh. Khi cờ hiệu phất đủ ba lượt vòng quanh cây dây, cuộc thi đấu chính thức bắt đầu. Hai đội bên Đông, bên Tây ra sức kéo cây dây dài bằng tre về phía mình trong tiếng hò reo, cổ vũ vang dội của dân làng và tiếng trống hội thúc liên hồi.

Theo tục lệ, hai bên phải kéo tất cả 3 keo, bên nào thắng hai keo thì thắng cuộc. Hai keo đầu, hai đội tự kéo nhưng bất phân thắng bại. Đến keo thứ ba, dân làng hai bên ùa hết cả vào kéo giúp bên Đông vì theo quan niệm nếu bên Đông thắng cuộc, cả năm lúa chiêm sẽ được mùa.

 Đội bên Đông sẽ giành chiến thắng 2 keo để cầu mong mùa màng tốt tươi cả năm cho dân làng nơi đây.

Ông Nguyễn Đức Dũng (50 tuổi) cho biết, ông được tham gia kéo co từ năm 20 tuổi, đến năm 2023 vừa hết tuổi. 

"Tôi được tham gia kéo co từ năm 1995 đến nay là 15 lần, có năm tôi ở bên Đông, có năm ở bên Tây nhưng dù ở bên nào khi kết thúc cuộc thi chúng tôi đều cảm thấy vui vẻ và tự hào vì được đóng góp cho làng", anh Dũng cho biết thêm.

Cũng như ông Dũng, ông Nguyễn Văn Khoa (49 tuổi) cũng được đi kéo co 15 lần, từ năm 20 đến nay. Trong 15 lần thi kéo, ông được phất cờ 7 lần và 8 lần vào kéo co.

"Chúng tôi thấy rất tự hào về truyền thống kéo co bằng tre của cha ông để lại. Điều độc đáo trong khi kéo co không phải bên nào kéo khỏe sẽ thắng mà cần vận hành theo nguyên tác từ xưa truyền lại là bên Đông thắng, năm đó làng sẽ được mùa, bên Tây thắng thì năm đó làng mất mùa.

Vì thế, thường đến keo thứ ba, dân làng sẽ xúm vào giúp bên Đông. Bên Đông theo đó mà thắng cuộc, nhưng bên Tây không vì thế mà buồn, vì bên Đông thắng nghĩa là làng sẽ có một năm mới no ấm hơn", ông Khoa phấn khởi nói.

 Đến keo thứ ba thì dân làng hai bên ùa hết vào kéo giúp bên Đông để mong cả năm lúa chiêm sẽ được mùa.

Ông Nguyễn Văn Sơn, trưởng khu Hữu Chấp chia sẻ, lễ hội Kéo co Hữu Chấp là lễ hội truyền thống lâu đời, độc đáo nhất của vùng Kinh Bắc xưa và Bắc Ninh nay. Hội Kéo co này hàm chứa nhiều giá trị văn hóa độc đáo được cộng đồng cư dân Hữu Chấp giữ gìn, thực hành và trao truyền qua nhiều thế hệ. 

Để duy trì lễ hội theo quy định, theo ông Sơn, nhiều năm nay Ban Tổ chức lễ hội đã giảm bớt một số kiêng kỵ trong chọn tre là dây kéo cho phù hợp. Ví dụ như nguồn gốc cây tre không cần thẩm định kỹ, tre chỉ cần đảm bảo đủ độ già, không bị sâu, bị kiến đục...

"Trước kia, lễ hội Kéo co được tổ chức hai năm một lần vào năm chẵn. Từ sau dịch COVID-19, bắt đầu chuyển sang năm lẻ khi tổ chức năm 2023. Không gian lễ hội cũng phải chuyển qua vùng đất rộng trước đình chứ không còn tổ chức trong sân đình như trước.

Mặc dù có một số thay đổi kể trên, nhưng nghi lễ và trò chơi kéo co của làng chúng tôi vẫn thu hút đông đảo Nhân dân, du khách thập phương về tham dự dịp đầu xuân", ông Sơn cho biết thêm.

Tác giả: Văn Chương

Nguồn tin: Báo VTC