Đổi mới sáng tạo giúp Nghệ An đi nhanh trên “xa lộ” kinh tế số
- 18:29 13-02-2024
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tăng tốc chuyển đối số
Chương trình chuyển đổi số quốc gia nhằm thực hiện mục tiêu kép vừa phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số ở Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu. Tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng nhận định, phát triển bền vững trở thành xu thế bao trùm trên thế giới, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh đang là mô hình phát triển mang tính xu hướng toàn cầu.
Tại Nghệ An, chuyển đổi số được là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, toàn diện, mang tính đột phá, yêu cầu sự vào cuộc đồng bộ, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu và sự tham gia của toàn dân.
Doanh nghiệp, người dân là trung tâm, mục tiêu, động lực của chuyển đổi số. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện trong các cơ quan đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp và người dân.
Tính đến tháng 11/2023, KCN VSIP Nghệ An thu hút 24 dự án đầu tư nước ngoài (FDI), tổng vốn đăng ký 948,4 triệu USD. |
Ngày 05/08/2022, Tỉnh uỷ Nghệ An cũng đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu tổng quát của chuyển đổi số Nghệ An là hướng đến thực hiện mục tiêu toàn diện, trọng tâm là phát triển cơ sở dữ liệu số, tạo nền tảng phát triển chính quyền số, kinh tế số, hướng đến xã hội số. Gắn quá trình chuyển đổi số với cải cách hành chính nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và chất lượng cung cấp dịch vụ công của chính quyền các cấp. Phấn đấu luôn giữ vị trí thuộc nhóm 25 - 30 tỉnh, thành phố có chỉ số cao về chuyển đổi số.
Vào ngày 21/09/2023 vừa qua, tại buổi sơ kết một năm thực hiện chuyển đổi số, kết quả rà soát theo mục tiêu đề ra đến năm 2025, đến nay đã hoàn thành 8/11 mục tiêu về chính quyền số, 2/6 mục tiêu về kinh tế số, 1/3 mục tiêu về xã hội số. Một số nhiệm vụ đã tiệm cận và hoàn thành kế hoạch đề ra. Đến nay, doanh nghiệp và người dân đã bắt đầu quan tâm đến sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, ứng dụng các nền tảng số.
Các nền tảng số, phần mềm dùng chung của tỉnh đều được triển khai trên các nền tảng điện toán đám mây bảo đảm vận hành hiệu quả, an toàn thông tin. Cơ bản các địa bàn đều đã được phủ sóng băng rộng di động.
Về chính quyền số, từng bước số hóa tài liệu, hồ sơ, các quy trình nghiệp vụ; chứng thực hồ sơ điện tử, phát triển các hệ thống cơ sở dữ liệu số phục vụ quản lý Nhà nước và cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Ưu tiên chỉ đạo các ngành, lĩnh vực quan trọng có đóng góp lớn cho GRDP như: Công thương, Du lịch, Nông nghiệp, logistic, Thông tin và Truyền thông… Đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, đặc biệt là ở các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa. Tập trung rà soát, bổ sung nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực, có năng lực, kỹ năng thực hiện chuyển đổi số. Tập trung phát triển xã hội số trước khi hình thành kinh tế số. Đưa người dân tham gia vào các hoạt động của đời sống bằng các ứng dụng số. Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và sự tham gia của doanh nghiệp vào kinh tế số.
Tại buổi sơ kết, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cũng đề ra một số nhiệm vụ cụ thể đối với các ngành, địa phương. Đồng thời, mong muốn, sau hội nghị này, kết quả chuyển đổi số sẽ chuyển biến thực chất, hiệu quả, đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển KT-XH của tỉnh Nghệ An trong những năm tới.
Đến ngày 19/12, UBND tỉnh Nghệ An tiếp tục ban hành Kế hoạch số 1004/KH-UBND về việc thực hiện chuyển đổi số tỉnh Nghệ An năm 2024. Kế hoạch được ban hành nhằm tập trung nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng, phát triển các hệ thống thông tin, dữ liệu mở, cơ sở dữ liệu dùng chung và chuyên ngành tạo nền tảng phát triển Chính quyền số bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu 90% cơ sở dữ liệu quốc gia được kết nối, ứng dụng trên địa bàn tỉnh theo lộ trình của Chính phủ.
Khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị
Trong “bức tranh kinh tế” của tỉnh Nghệ An năm 2023, có 2 điểm sáng là thu hút đầu tư FDI và kim ngạch xuất khẩu.
Tính đến cuối tháng 12/2023, Nghệ An thu hút đầu tư FDI vượt mốc 1,6 tỷ USD, tăng 66,8% so với năm 2022, xếp thứ 8 tỉnh, thành phố trên cả nước. Theo báo báo từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An, tính đến ngày 22/12/2023, trên địa bàn toàn tỉnh đã cấp mới cho 116 dự án, tăng 3,6 lần so với năm 2022; điều chỉnh 185 lượt dự án. Tổng số vốn cấp mới và điều chỉnh tăng thêm là 57.891 tỷ đồng, vượt xa so với kế hoạch cả năm (30.000-35.000 tỷ đồng). Đặc biệt, tổng vốn FDI cấp mới và tăng thêm đã đạt trên 1,6 tỷ USD.
Cũng trong năm 2023, tỉnh Nghệ An đã hỗ trợ, kết nối cung cấp 8.000 lao động cho các doanh nghiệp FDI. Dự kiến, và năm 2024 nhu cầu lên 15.000 đến 20.000 lao động. Đồng thời, Nghệ An tiếp tục đặt mục tiêu vào tốp 10 địa phương thu hút FDI cao của cả nước. Để đạt được mục tiêu để ra, tỉnh Nghệ An đang gấp rút triển khai công tác giải phóng mặt bằng để triển khai Khu công nghiệp VSIP Nghệ An II diện tích 500 ha (tại Khu công nghiệp Thọ Lộc, Diễn Châu) và Khu công nghiệp Hoàng Mai II diện tích hơn 334 ha (tại thị xã Hoàng Mai) để sẵn sàng đón các nhà đầu tư.
Lần đầu tiên Nghệ An đạt tổng kim ngạch xuất khẩu vượt hơn 3 tỷ USD. (Ảnh Cảng Cửa Lò). |
Về kim ngạch xuất khẩu, lần đầu tiên Nghệ An đạt 3,11 tỷ USD, tăng 22,6% so với cùng kỳ. năm 2023, có 475 doanh nghiệp tham gia làm thủ tục hải quan, với tổng số 56.847 tờ khai xuất, nhập khẩu (tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2022). Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là: Đá vôi và bột đá vôi trắng các loại, dăm gỗ, clinker, loa điện thoại di động, tai nghe, các sản phẩm điện tử, hàng may mặc đã gia công… Xuất khẩu cũng là một trong những chỉ tiêu mà tỉnh thực hiện vượt từ năm đầu của nhiệm kỳ 2020 - 2025. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu gồm: Thép cuộn cán nóng, máy móc, thiết bị, linh kiện điện tử, nhôm cuộn, giấy đóng hộp sữa, nguyên liệu may mặc của hàng gia công, sản xuất xuất khẩu, nhựa đường, dầu diezel, dầu cọ tinh luyện…
Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 của Nghệ An đã cải thiện rõ rệt so với năm 2021. Theo bảng xếp hạng PCI năm 2022 công bố vào tháng 04/2023, chỉ số PCI của tỉnh Nghệ An đạt 66,60 điểm, đứng vị trí thứ 23/63 tỉnh, thành trong cả nước, tăng 7 bậc so với năm 2021 (30/63). Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh Nghệ An cũng tổ chức nhiều đoàn công tác tham quan học hỏi và kết nối các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong cả nước, mời gọi về đầu tư tại Nghệ An.
Nghệ An có tiềm năng, thế mạnh về vị trí địa lý; giao thông; cơ sở hạ tầng; nguồn nhân lực dồi dào; đổi mới, nâng cao chất lượng về cải cách hành chính; môi trường đầu tư ngày càng trở nên hấp dẫn. Đây thực sự là những điều kiện lý tưởng để Nghệ An tiến xa hơn trên “xa lộ” kinh tế số.
Tác giả: Lê Quyết
Nguồn tin: thuonghieucongluan.com.vn