Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Ấm áp niềm xuân

Gió về bên phố. Gió Chạp hiu hiu. Gió rắt những cơn nhớ se sắt lên lòng má

1.
Gió về bên phố. Gió Chạp hiu hiu. Gió rắt những cơn nhớ se sắt lên lòng má. Bận chiều hôm má hay ra ngoài hiên ngồi hóng mát. Má hỏi Út Hoài, “nay mấy Tết rồi con?” Má thở dài thườn thượt. Má bấm đốt ngón tay, hôm qua là đưa ông Táo về trời, vậy nay hai bốn hen, tầm tuần nữa Tết. Dạo này cứ nhớ nhớ quên quên. Sao giờ thời gian nhanh quá chừng. Nhắm mắt cái là Tết. Có làm được gì đâu? Bữa má nghe mấy đứa nhà trọ lũ lượt kéo về quê ăn Tết mặt đứa nào cũng buồn thê thảm, thưởng Tết không có, công ty hoạt động cầm chừng. Có đứa than công ty hết hàng, về ăn Tết rồi chờ. Chờ khi nào có việc thì họ báo đi làm. Là chờ bao lâu? Má hỏi mà con nhỏ công nhân bên khu chế xuất Tân Thuận lắc đầu. Bóng con nhỏ vác cái ba lô đi khuất đầu hẻm mà má vẫn nghe tiếng chân trĩu trịt.

Út Hoài đang ngắt mấy cái lá sâu trên dàn khiết bông phía cổng nhà, quay qua nhìn mái đầu phai màu sương mai của má, hổng lẽ nói với má, coi bộ lại là một năm Tết chỉ quẩn quanh hai má con. Bữa Gia An điện thoại cho Út Hoài nói chắc Tết không về. Bên nhà vợ nghe đâu có tiệc thượng thọ của cụ ngoại. Nên ra Giêng hôm nào rảnh mới đùm túm vợ con về chơi hai ba ngày với má. “Chứ mầy tưởng anh mầy hổng nhớ má à? Từ Bắc mà vào Nam cả gia đình là hai chục triệu chứ chẳng chơi. Tiếc đứt ruột. Anh chuyển cho mầy năm triệu, mầy lo Tết với má. Mầy hỏi má thèm gì, muốn mua gì, cứ thế mà mua. Thiếu thì báo anh”. Nói rồi Gia An cúp máy cái rụp.

Chiều Út Hoài nói bâng quơ dòm dèm với má. “Trời má ơi, nãy con nghe mấy đứa bạn nói từ Bắc mà bay vào Sài Gòn đó hen, đi về một người là sáu bảy triệu gì lận đó. Nếu mà tính ra gia đình anh hai về ăn Tết với má, mất tầm hai chục triệu. Trời, bằng mười tháng lương hưu của má. Nghe cái xót tiền gì đâu. Nhiều khi mình làm cả năm, dư có từng đó à, vậy mà chỉ cần vé về Tết thôi là hết còn hứng ăn Tết rồi hen má. Bởi con đâu thèm lấy chồng xa, nội cái đường về thăm má cũng lắm nỗi nhiêu khê. Thời này kiếm tiền khó thí mồ, mà cầm đồng nào là hết đồng đó”.

Má nghe Út Hoài nói vậy, lật đật xua tay, “thôi thôi, đi chi cho mệt, mấy ngày tư ngày Tết chen lấn đông đúc, cái gì cũng mắc, mầy nói nó nghe, để dành tiền cho tụi nhỏ ăn học, mắc gì mà về đây chi, nhà cửa rần rần, tao mệt lắm. Giờ già rồi, thích yên tĩnh, mấy ngày Tết tụ tập cho đông, rồi ăn nhậu, rồi tụi bây hát hò, tao hổng có nghỉ ngơi được. Mầy điện thoại cho nó nói khi nào nào về cũng được. Chỉ cần gia đình nó yên ấm, vậy là tao vui rồi, bày vẽ chi cái chuyện ngược xuôi mùa Tết cho tốn kém. Nhớ tao thì chừng nào về lại hổng được. Canh hôm nào giá rẻ thiệt rẻ, chừng trăm ngàn thôi hãy về”.

Út Hoài chưng hửng, “ủa gì vậy má, đi máy bay từ Bắc vào Nam mà má tưởng đi xe đò từ Sài Gòn về Tiền Giang hả, đợi một trăm ngàn. Vậy đợi người ta lấy nước đổ vô máy bay cho nó bay hen”. Hổng lẽ giờ ngồi giải thích cho má nghe mấy cái vụ giá vé không đồng người ta quảng cáo toàn là chiêu trò để thiên hạ bay vào mua thôi. Chứ vào coi thuế phí này nọ, cũng lên tầm bảy tám trăm chứ ít gì. Nhưng mà thôi, có nói với má, má làm gì hiểu, hơn sáu mươi tuổi đời, má chưa từng đi máy bay.

Chiều nhuộm một màu đỏ như ai nhuốm bếp lửa cuối ngày. Má nhìn chiều, má nhìn giàn khiết bông bắt đầu lên những búp hoa phơn phớt. Má nghe ngoài xóm nao nức chuyện Tết, liến xáo chuyện mua sắm, má quay qua Út Hoài. “Ờ thì chắc cũng phòng hờ chút đồ ăn đi con. Lỡ may…”. Má buông lửng câu nói rồi đi vào nhà.

Sài Gòn thấy vậy chứ vài ngày nữa sẽ vắng lặng. Cái dãy nhà trọ phía sau, chừng một hai bữa nữa cũng im phăng phắc. Lưu dân tứ xứ nô nức tính chuyện về quê ăn Tết. Bữa hai vợ chồng phòng số 5 hỏi má chuyện mấy thằng con trai có về Tết không. Má cười hề hà, “thôi thôi, mấy ngày Tết tụi nó còn gia đình phía vợ nữa mà. Xa xôi lắm, tốn kém quá chừng. Cứ để thong thả khi nào về thăm cũng được. Cứ gì phải là Tết thì về. Tao tân thời lắm bây”.

Má nói vậy, chứ y như rằng, năm nào cũng nhìn giàn khiết bông lên búp, là má ngồi bấm đốt ngón tay, nhẩm tính từng ngày. Có khi má mua ắp lẵm đồ trong tủ lạnh. Hỏi má chợ đâu thiếu, siêu thị đầy ra, mua tích trữ chi cho mắc rồi than thở. Má nói thì cứ để đó, Tết nhứt trong nhà đầy đủ lỡ bà con lối xóm ghé hay ai đó ở xa về thì có cái mà ăn. Hở chút chạy ra chợ, hở chút ra siêu thị, ai đâu mà rảnh. Ai ghé? Ai rảnh? Út Hoài biết. Má cũng mong. Trăm bà má trên dải đất hình chữ S này đều mong như vậy mỗi khi năm hết Tết đến.

2.
Hai lăm Tết, Sài Gòn nhộn nhịp xanh đỏ đèn màu. Đám sinh viên trọ phòng số 3, mới sẫm tối đã tay xách nách mang ra nhà ngoài lấp ló kiếm má. Bà Tư ơi bà Tư, nay tụi con về quê nhen, qua rằm mới vô lại. Có mấy thứ quà quê biếu bà Tư ăn Tết cho hết buồn nhen. Nè bánh in xứ Quảng, nè bánh cu đơ Hà Tĩnh, bánh lăn xứ Nghệ. Đám miền Trung, vừa qua cơn lũ ác nghiệt, trong mớ hành trang về Tết, vỏn vẹn vài ba bộ đồ. Má nhìn tụi nó thon thót dạ, “rồi sao kỳ này hổng mua gì đem về nhà hết vậy bây? Tết nhứt mà, tụi bây đi xa về, cầm cái này, cầm cái kia cho ba má tụi bây, dầu là ổng bả la tốn kém, ổng bả nói hổng cần, nhưng thiệt ra trong dạ mừng lắm. Nghe lời Tư, mua ít cũng được, hộp bánh hay cái gì đó”.

Mấy đứa miền Trung đứng nhìn nhau dáo dác. Cắc ca cắc củm mới dành đủ tiền xe đi về cũng cả tám trăm ngàn, làm thêm thì được bao nhiêu đâu, kiểu làm công nhật ngày có mấy tiếng, có việc thì quản lý kêu chạy vào làm, không có thì đi phát tờ rơi hay chạy tiệc cưới. Làm gì có thưởng Tết, làm giờ nào tính giờ đó. Mùa lụt ngút ngát, đâu có đứa nào nhận tiền từ gia đình, đùm túm nhau mà trọ tại nơi thị thành xa hoa này. Kiếm con chữ lận lân, mong chờ vào ngày lập thân mai sau, chứ cái no cái đủ đầy của thời này, là chẳng dám mơ. Mấy đứa miền Trung sinh ra ở dải đất khô cằn, khúc ruột gánh hai đầu đất nước, mỗi năm dăm ba trận bão, năm bảy trận lũ. Quen rồi cái cơ cực từ nhỏ nên cứ bươn chải mà sống ở cái đất Sài Gòn thế thôi. Trông trời trông đất, trông người trông ta, trông để thấy phía sau mình là cả quê nhà gian truân còn đợi mình quay về mà phụ giúp. Trông vậy để nhớ ngày rời quê dặn lòng ráng sống và tìm kiếm đường mưu sinh, dẫu nhọc nhằn phải ráng. Bởi cái nhà còn chờ tiền gởi về xây, đứa em còn chờ tiền học, cha mẹ còn chờ tiền ốm đau bệnh tật mai sau. Cái nỗi đời mai sau nó khiến mấy đứa sinh viên cố lay lất đi qua những bữa mì gói trộn cơm đôi khi cả tuần, mươi bữa chứ ít gì.

Mấy đứa nhỏ líu ríu, lí nhí gì đó má nghe không rõ. “Thôi thôi, mấy ông con, về tay không là hổng được, một đứa hai trăm, cái này là Tư cho tụi bây, về mua hộp bánh hộp mứt cho ba má tụi bây, nói Tư biếu ăn Tết lấy thảo nghen. Nhận đi, cứ gì mà đẩy qua đẩy lại, tao già rồi như ông như bà tụi bây, hổng lẽ tụi bây không nghe lời. Cầm lấy, khóc gì khóc, ơn gì mà cám. Tụi bây hổng lấy Tư buồn à nghen!”

Mấy đứa nhỏ miền Trung đi khuất dần. Má lại ngồi xuống hiên nhà. Rồi Gia Lộc của má năm nay có về không? Nó lấy vợ miền Trung, ra ngoài ấy lập nghiệp luôn, nghe nói mở cái công ty gì đó. Bữa lũ tràn, má điện thoại cho Gia Lộc, chỉ nghe thằng con nói yên tâm, nó hổng sao, má sống khỏe nhen, chừng ổn định, Tết nó về ăn Tết. Mà nay thì chẳng nghe tăm hơi. Gió lùa ngoài hiên. Nay giàn khiết bông bắt đầu hé nụ đo đỏ quanh lá biếc. Tết len vào cái xóm nhỏ ven bờ kinh Xáng. Xóm lao động, nên chuyện Tết cũng tản mác khắp Bắc Trung Nam. Xóm nghèo nên chuyện Tết cũng thắt thẻo theo phận đời nổi trôi.

3.
Xóm Kinh Xáng người ta quen gọi má là bà Tư Buồn. Tỷ như má cho thuê phòng trọ đừng trả giá. Hễ ai trả giá thì má ca bài ca con cá sống nhờ nước. “Tư cho thuê rẻ nhất xóm này, nói thiệt tình, toàn dân tứ xứ đổ về đây kiếm sống, nhìn là biết. Tư già rồi ăn nhiêu, xài gì đâu, con cái lớn hết trơn, tụi nó công việc yên ổn cũng có cần lo lắng chi. Nên bây cứ đi hỏi hết, coi nơi nào rẻ nhất xóm. Người ta cũng chỉ qua phòng bà Tư này thôi. Thiệt tình năm chục một trăm trả giá làm mất cái tình người quá. Tư đâu có sống vì năm chục một trăm này. Bây làm vậy Tư buồn”.

Hay như sáng sáng má thấy mấy đứa nhỏ con hai vợ chồng chạy đồ sida chợ cầu Kinh lẩn quẩn trong nhà, con chị tự giữ con em, mặt mũi tèm lem, tới bữa thì ăn đỡ khúc bánh mì chờ ba má nó dọn chợ về mới có cơm. Má múc hai tô cơm, ngồi tỉ mỉ đút cho hai chị em; rồi lôi nào xà bông, nào dầu gội đầu sang tắm rửa cho hai đứa con nít. “Đó, giờ sạch sẽ thơm tho nghen tụi con. Nè bà dạy, cái cục này là tắm trên người, còn cái chai này là gội lên tóc. Nhớ nhắm mắt lại, không là cay mắt đó. Trưa bữa nào đói thì lên nhà trên, kêu bà, nhà lúc nào cũng có cơm hết đó. Đồ ăn bà nấu ngon nhất xóm nghen bây”. Đám nhỏ như ấm hơi gật đầu lia lịa. Đám nhỏ nhìn bà chủ nhà tóc bạc màu sương mai lòng chắc khoái nên cười toe toét miệng. Má nghe tụi nhỏ kêu bà, lòng sướng rơn cười tủm tỉm. Thể như má thấy mấy đứa cháu mình quây quần cạnh bên. Hệt như má được tận tay lo cho mấy đứa nhỏ để mình cũng thấy được cái hơi ấm bà cháu. Bữa má về kể Út Hoài, dường như trong lời kể vẫn có gì đó vui lạ thường. “Trời thần, người ta khổ phải nhọc nhằn mưu sinh, để hai đứa con ở nhà, vậy mà má vui”. Má ngúng nguẩy, “vui hồi nào? Tao nói vậy là tao buồn mà”. Không biết buồn hay vui, nhưng cái tên Tư Buồn thì khắp xóm ai cũng biết.

Má làm vậy chừng hai bà hôm thì một tối anh chồng chạy lên nhà dắm dúi gởi má tờ năm trăm. “Tư nhận cho vợ chồng con đỡ ngại, mấy nay về nhà tụi nhỏ cứ nói ăn cơm của Tư, rồi hỏi ai mua mấy cái đồ chơi bánh kẹo tụi nó nói của Tư hết. Thiệt tình tụi con…”. Má nhìn thằng con trai đen nhẻm, chắc cỡ trạc tuổi Gia Lộc của má, ngoài chừng ba mươi, má giơ tay phẩy cái rột. “Bây giàu quá chừng hen. Lo mà làm ăn đi, tụi nhỏ cũng như con cháu trong nhà Tư, có gì đâu, chơi với tụi nó vui quá chừng. Già như Tư ai thèm chơi chung nữa bây. Có mấy đứa nhỏ cũng qua ngày qua tháng. Cơm nước gì đâu mà tốn kém, mấy đứa con nít ăn bao nhiêu mà lo. Bây còn đưa tiền nữa Tư buồn cho coi”. Anh chồng lủi thủi quay về cái phòng số 6. Không biết anh dặn đám con như thế nào mà kể từ bữa đó tụi nhỏ cứ gặp là kêu má thành Nội Tư. Má nghe xong thì mấy cái vết chim di in hằn lên đuôi mắt chợt giãn ra. Má cười hay không cười chẳng ai biết. Chỉ biết một điều bà Nội Tư giờ lúc nào cũng giấu kẹo trong túi áo để dành cho mấy đứa cháu của mình.

 

 Minh họa: Đình Truyền


Hay như chuyện mấy bà chủ nhà trọ cùng xóm ưa xéo xắt má cái vụ cho thuê nhà trọ rẻ cùng rẻ mạt. Cho thuê kiểu vậy thì đem cho người ta ở không đi. Thiên hạ cho cả triệu rưỡi hai triệu một phòng. Má cho triệu, triệu hai là cùng. “Người ta nghèo mà con. Dân tứ xứ đổ về Sài Gòn kiếm chén cơm, cũng là cơ cầu mới tha hương bôn ba xứ này. Mình lấy mắc quá, mình bưng chén cơm, người ta cầm chén cháo, mình nhìn vậy, nuốt nổi không con. Mình sống đâu thể bịt hết miệng lưỡi thiên hạ. Thì thây kệ tất cả, miễn lòng mình nó nhẹ nhàng, nó an vui, vậy đã là đáng sống. Quanh quẩn của cuộc đời này, nhiều cái nặng nề trĩu trịt, bởi vậy, mình phải sống sao cho đêm về, nằm ngủ một cách thảnh thơi”.

Bận má nói với Út Hoài vậy, khi con nhỏ đi chợ gặp mấy bà chung xóm, cứ nhìn ngang liếc dọc làm con nhỏ lấm lét sợ quá chừng. Mà thôi, nói tới nói lui cũng giống như mình đem lửa ngoài đường về nhà, biết đâu lại khiến má thêm bận lòng. Nên ngay cả Út Hoài cũng quen dần chuyện dãy nhà trọ ai đó khó khăn má cho nợ lại vài ba tháng. Cũng có khi thấy má mua gạo đổ đầy thùng cao ngất, rồi len lén xúc đầy bao, canh Út Hoài ngủ đem qua gõ cửa mấy căn phòng trọ. Út Hoài biết nhưng vờ như ngủ say, diễn tròn vai đến nỗi không thèm hỏi cái thùng gạo mới một hai ngày mà sao lưng xuống phân nửa. Đời có người xảo trá mà diễn thì cũng có người vì tình mà diễn. Ai diễn ai xem nhiều khi cứ mặc kệ. Vai diễn nào cũng có một giá trị hết trơn. Đâu có gì là vô nghĩa. Nội cái chuyện thiên hạ gọi má bằng cái tên bà Tư Buồn cũng có nghĩa quá chừng.

Hai bảy Tết, đám khiết bông hé nở chúm chím. Cái màu đỏ bắt đầu rực lên. Má vẫn ra ngoài hiên ngồi hóng Tết. Nhưng hỏi má chờ ai thì má tỉnh bơ, “có chờ ai đâu. Ngồi cho mát”. Má diễn chi mà dở ẹc. Có ai giấu được mình sâu trong đôi mắt bao giờ. Nhất là giữa cái khắc thời sum vầy đoàn viên như này. Nhưng Út Hoài vẫn cứ xem như má diễn trọn tuồng rồi. Nó gật đầu, “ờ mùa này mát thiệt”.

4.
Tối hai tám, má lừng khừng ngoài cổng nhà, tiễn vợ chồng phòng số 6 về tuốt Nghệ An ăn Tết. “Đi mạnh giỏi nghen bây. Năm nay lương thưởng ít hen, bị kinh tế khó khăn mà, chỗ nào cũng làm ăn bết bát hết. Mấy bộ đồ hồi sớm Tư mua cho hai đứa nhỏ có gói đem về chưa? Tết phải có đồ mới cho con nít nó mừng. Nè nè, chúc Tết bà Nội Tư coi, bà Nội Tư mở hàng lì xì cho hai đứa. Tư mở hàng là đắt lắm nha. Năm nay ba má tụi bây sắm cái túi bự theo đựng lì xì nghen”. Má cười tươi rói. Má đứng mải miết ngoài cổng cho đến khi bóng gia đình phòng số 6 khuất dần trong ánh đèn vàng hiu hắt. Hình như gió xuân cũng biết thở dài. Tiếng thở lồng vào tiếng ca vọng cổ phát ra từ ti vi. Nay có chương trình bàn về mấy món ăn ngày Tết. Người ta đang quay cái cảnh cả nhà ngồi gói bánh tét, rồi phát bài hát “Nấu bánh đêm xuân”. Cô đào hát vang danh chi bảo ca nghe buồn rười rượi. Mà cô đào hát ca hay má ca. Đôi môi má cũng mấp may theo khớp lời đến nỗi nghe rõ điệu xế xảng vang lên giữa thinh không vắng ngắt.

Tiền của Gia An chuyển cho Út Hoài, con nhỏ rút hết đưa má, má đổi một ít thành mớ tiền lẻ, nhét chục phong bao đỏ, cứ vậy mà mấy đứa phòng trọ nào về quê thì má cũng dắm dúi cho một hai bao. “Tư lì xì, về bình an, về mạnh giỏi, về với ba má đi bây, có nhiêu ngày đâu nè, cả năm đằng đẵng bôn ba xa quê rồi mà”. Đám nhà trọ cứ vậy mà bịn rịn, mà hẹn hò hôm quay lại Sài Gòn làm cái tiệc Tân niên nhen Tư. “Tết xa Tư có mấy ngày à, mà tụi con buồn ghê nơi”. “Mồ tổ cha mầy nhen, dân miền Tây nói chuyện ngọt xớt à”. Má đập vào lưng mấy con nhỏ công nhân may phòng số 2. “Bây về chạy xe máy cẩn thận nhen. Tết nhứt đường xá đông đúc, đi gần gần nhau nghen. Có gì còn có chị em giúp nhau”.

Mấy ngày nay, cứ phòng nào về, má cũng ra đứng tần ngần một đỗi, bóng người khuất dần rồi mới thở dài, ngó qua ngó lại, ngóng tới ngóng lui. Rồi má lủi thủi quay vào nhà. Má chờ gì? Má mong chi? Hổng cần hỏi má, Út Hoài cũng biết. Dù má cứ luôn miệng kêu Gia Lộc thôi đừng về, lo cho cái nông trại sạch của tụi bây phục hồi sau cơn lũ đi. Má ở đây chòm xóm vui hết biết. Má đăng kí đi mười kiểng chùa rồi. Má nói với Gia An, “đời người ta có mấy ai thượng thọ đâu nè, hai vợ chồng nhớ gởi lời chúc mừng của má đến bố mẹ anh chị sui nghen. Nói má đường sá xa xôi, hổng có đi ra ngoài ấy được, mong anh chị sui đừng có trách. Bây nhớ mua thêm giỏ trái cây nói má gởi lấy thảo, mừng thượng thọ cụ ngoài ấy”.

Má nói vậy, má cười rổn rảng trong điện thoại, chứ buông cái điện thoại xuống, má lại lôi cái túi đựng phong bao lì xì đỏ ra nhẩm tính. Hai cái này là của con thằng An nè, để riêng chắc hè nó mới về. Hai cái này là của con thằng Lộc nè. Bữa thằng Lộc nói má, công việc đăng đăng đê đê, chắc giỗ ba bây mới về. Còn mấy cái này, ờ để Mùng một má lì xì mấy đứa con nít trong xóm. Má nói xong rồi thì bắt cải lương nghe. Má nghe Lệ Thủy hát bài “Lỡ hẹn mùa xuân”. Má hát theo, giọng khàn đục, ủ rủ như gió dần giã mấy cái lá biếc non ngoài cổng nhà.

5.
Nhưng chiều Ba mươi, má đang ngồi ngoài hiên lẩn thẩn đốt mấy đám cây khô, mấy đống lá rụng trước sân nhà, thì nghe tiếng đập cửa đùng đùng. “Trời thần, thằng An, về chi con, tốn kém tiền bạc”. “Ủa về ăn Tết, rồi tới Mùng sáu vợ chồng con mời má ra Bắc một chuyến, bố mẹ vợ con bảo, phải thỉnh bằng được má ra ngoài ấy dự lễ thượng thọ của cụ. Rồi ở chơi với bố mẹ vợ con chừng chán thì về. Mùng một mẹ vợ con điện thoại chúc Tết má sẽ mời luôn. Cái này con nói trước. Ủa rồi tính hổng cho con trai về nhà ăn Tết hay sao vậy chèn?” Má cười hom hem, “mồ tổ cha bây. Hên là má có mua ít đồ dự phòng, chứ tin lời bây hổng về là cháu nội tao hổng có gì ăn Tết nhen”.

Mâm cơm chiều đang túm túm bàn tán chuyện năm nay bà Tư buồn hụt, tưởng ăn Tết chèo queo, ai dè lại được một phen rộn ràng. Nè nhen, bả cất tiền lì xì kỹ lắm đó. Bả giấu trong cái túi nhỏ, lấy kim tây cài trong cái đáp quần. Đêm nào cũng đem ra đếm. Đếm qua đếm lại, toàn của mấy đứa cháu, mấy đứa con bả thì không có bao nào. Bà Tư năm nay chơi kì quá! Út Hoài rổn rảng bên mâm cơm. Gia An được thể, nhao nhao theo.

Lại có tiếng đập cửa, thôi thôi cái ngữ này là thằng Lộc đó bây ơi. Đập dồn đập dập, vừa đập vừa la làng “Má ơi, lì xì…”. Đích thị là nó chứ chẳng ai đâu. Bao nhiêu năm trời vẫn cái nết phá nhà này mà. Má luống cuống đi vội ra phía cổng. Đâu chừng mấy phút sau đã nghe giọng Gia Lộc ồn ào tận nhà bếp. “Trời ơi, mấy đứa nhỏ nghe không được về Sài Gòn ăn Tết thì khóc rống hai ba bữa nay. Nó nói chỉ mình bà nội nó là kho cái món thịt kho trứng chiên ngon nhất, mỗi nội nó là Tết hổng có đánh hổng có la tụi nó. Nó khóc kêu hổng về sao lấy lì xì của nội. Đấy, bỏ cả cái nông trại về ăn Tết với má, vậy mà bả mở cửa bả hổng ôm tui miếng nào, bả lo ôm thằng cháu bả không hà. Mà nè bà Tư, nghe đâu loáng thoáng bà tính hổng lì xì con mình hả? Đâu có được, chèn ơi, đúng giao thừa tụi tui xếp một hàng dọc nhen. Hổng lì xì là tụi tui ở lì đây, hổng có đi đâu hết”.

Gia Lộc vô tới bếp gặp ngay thằng anh Gia An thì được thể ghẹo má náo nhiệt cả buổi cơm chiều. Ngôi nhà bất giác bừng ấm những tiếng cười. Út Hoài được thể nhảy tưng tưng. Nè he, nhất quyết tối nay xếp hàng, hô khẩu hiệu đồng thanh “Má ơi, lì xì…”, để coi bà Tư bả trốn đằng nào hen. Đám con đập bàn rần rần, rồi cứ thế mà cụng ly rốp rẻng, vừa cụng vừa hô to “Má ơi, lì xì…”. Mấy đứa con nít biết gì, nghe hai chữ lì xì lại nhảy chân sáo rộn ràng. Tiếng hô cứ vậy mà âm vang theo tiếng mùa trở mình gọi xuân. Mới chiều Ba mươi Tết, mà nhà má như đã vào xuân tưng bừng.

Đêm giao thừa, má thắp nhang lên bàn gia tiên. Vết chim di trên đuôi mắt giãn ra. Đám hoa trước hiên nhà bừng nở rộn ràng thắm thiết. Má lục cái túi trong đáp quần rồi lần ra cây kim tây, má kiểm bao lì xì. Đám nhỏ lon ton xếp hàng. Đám lớn chàng ràng í ơi. Không ai được thiếu phần. Phần này của má. Dẫu xa dẫu gần, dẫu nghèo dẫu giàu thì xuân đâu thiếu phần của ai. Xuân ngập đất trời. Xuân phơi phới lòng người. Đời má còn mấy mùa xuân để vui. Vậy nên, cứ vui là vui cho trọn đi má. Má cười mà nước mắt chảy xuôi theo khóe đến miệng. Ngộ là nước mắt mùa này nó ngọt.

Đám cháu con cứ được thể lại réo lên, “Tết nhứt ai đâu khóc”. Má lắc đầu lia lịa, “trời, tao cười mà”. Má cười như đám hoa ngoài hiên. Hoa cười gọi xuân. Nhưng, thiệt tình là chính má gọi xuân về hong ấm ngôi nhà. Mùa này, muôn triệu ngôi nhà nhờ mấy bà má mà ấm áp niềm xuân.

Tác giả: Tống Phước Bảo

Nguồn tin: tapchisonglam.vn