Hoa chen đá trên cao nguyên đá Hà Giang
- 09:25 07-02-2024
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Biến ước mơ thành hiện thực
Tôi đã từng rong ruổi dài ngày tại vùng đá núi Hà Giang. Từ Vị Xuyên ngược Hoàng Su Phì, Xín Mần rồi lên Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc… Ngày ấy, cái nghèo đeo bám, những đứa trẻ mũi dãi run lên cầm cập trong những làn gió lạnh buốt mà tái tê. Con người lúc đó được ví như như cây ngô, cây lúa bám vào hốc đá đâm những chiếc rễ nhỏ nhoi hút tinh tuý của đất đá để nuôi sống chính mình.
Nhưng nay, người dân Hà Giang đã khác. Tuy vẫn còn đó nhiều khó khăn nhưng sự mạnh mẽ, kiên cường và khát khao làm giàu đã giúp cho bà con vùng đất này dần có sự đổi thay. Sự thay đổi tự thân trong nhận thức, tư duy của những người dân trên đường chúng tôi gặp đã khiến cho cảm xúc dâng trào…
Những bản làng Tày, Nùng, Dao, Mông, Giáy, Xuồng, Lô Lô… nằm dưới những tán rừng nhỏ của Hà Giang bây giờ không còn lẩn khuất chơi trò trốn tìm nữa, mà đã “mở cửa” để làm du lịch, tiếp nhận thế giới bên ngoài đến với thế giới xưa nay vẫn khép kín của bà con; đưa cuộc sống, văn hoá bản địa của bản làng thành thứ thu hút, giữ chân du khách…
Du khách và đám trẻ địa phương chụp ảnh bên vườn hoa Tam giác mạch. |
Chàng trai Lương Văn Hùng người Nùng ở Khâu Vai, Mèo Vạc làm tôi bất ngờ nhất. Hùng vẫn chân chất như đá núi nhưng phong thái nhanh nhẹn hoạt bát như hươu nai trong rừng.Hùng bảo, sinh ra rồi lớn lên ở bản làng nhưng bao đời nay người dân ở Khâu Vai vẫn phó mặc cho tự nhiên. Năm nào mưa nhiều, cây cối tốt tươi thì mới có gạo, ngô ăn vài tháng. Còn không thì toàn ăn cơm trộn, ngô trộn chờ vụ mới. Ăn uống không đủ nên người dân cũng chẳng nghĩ được gì xa xôi. Nhưng rồi, một vài lần xem sách báo…, Hùng đã xoá được nếp nghĩ cũ để tiên phong làm du lịch, mở homestay. Anh là người đầu tiên ở bản Khâu Vai thuê lại ngôi nhà sàn của ủy ban xã để cải biến, tu sửa làm nơi đón khách về với vùng đất có phiên chợ tình nổi tiếng.
Tiếng lành đồn xa, bà con dân bản thấy mô hình của Hùng phát triển liền đổ xô đến học. Từ một người làm du lịch một cách chân chất, Hùng trở thành một “chuyên gia” lúc nào chẳng hay. Từ cách bài trí phòng ngủ đến nấu những món ăn… Hùng cứ như một kỹ sư được đào tạo bài bản ở trường lớp. Chính vì lẽ đó, thời điểm hiện tại ở Khâu Vai có vài chục homestay được hình thành. Người thăm quan, khách Tây, khách ta nườm nượp tìm đến ngắm cảnh, tắm suối, giao lưu văn hoá vui nhộn. “Mình làm được sẽ giúp người khác làm theo, cả bản cùng giúp nhau thoát nghèo”, Hùng tâm sự với đôi mắt tỏ rõ sự quyết tâm.
Hay như thôn Há Ía (xã Cán Chu Phìn) - thôn nghèo và sâu xa của huyện Mèo Vạc cũng đang ấp ủ ước mơ làm du lịch cộng đồng từ chính những bờ rào đá - một thói quen trong cuộc sống từ bao đời nay của đồng bào vùng cao. Đến nay, thói quen này thành kiến trúc độc đáo riêng có, là một điểm nhấn khiến du khách đến Cán Chu Phìn sẽ nhớ về những bờ tường rào đá hộc.
Trao đổi với PV, Vàng Dỉ Xoáng, Chủ tịch UBND xã Sủng Là cho biết: “Để người dân nghe, thực hiện theo sự vận động, tuyên truyền của xã, phải có người làm trước, và làm được thì bà con mới tin. Chuyển đổi từ nền kinh tế trồng trọt, chăn nuôi tự cung tự cấp sang phát triển kinh tế du lịch bản làng”.
Khi đã nhìn thấy sự thành công, đúng hướng, bà con sẽ học theo nhau, làm theo nhau. Phong trào nông thôn mới giúp bà con có hạ tầng điện đường trường trạm, vậy là bản làng có điều kiện để làm du lịch, tự khai thác những ưu đãi của tự nhiên ban tặng, khai thác lợi thế của công viên địa chất toàn cầu hay danh thắng di tích ruộng bậc thang…
Vạt hoa Tam giác mạch trên triền núi. |
Ngọt thơm từ hoa Tam giác mạch
Không chỉ có vậy, nhiều địa phương ở tỉnh Hà Giang đang “chạy đua” với những mô hình theo phương thức: Làng văn hóa du lịch. Quả thực sự đổi mới, sự phát triển thể hiện rõ trong từng gia đình. Có thể điểm tên một vài làng du lịch trở thành điểm đến quen thuộc của du khách như Làng văn hoá du lịch Nặm Đăm (Quản Bạ); thôn Chì, xã Xuân Giang (Quang Bình), Hạ Thành, xã Phương Độ (thành phố Hà Giang), Thanh Sơn (Vị Xuyên), Nà Ràng (Xín Mần), Lũng Cẩm Trên (Đồng Văn), Tát Ngà (Mèo Vạc)…
Một người nghệ nhân chế tác đồ trang sức bàng bạc ở Đồng Văn. |
Tiếp chuyện với tôi, nhiều lãnh đạo địa phương cùng chung một niềm vui hồ hởi bởi những quyết sách đúng đắn dựa theo đúng phong tục tập quán của địa phương. Cũng nhờ thế, nhiều thôn bản đã mạnh dạn chuyển mình, đổi hướng từ trồng trọt, chăn nuôi sang làm du lịch nông thôn như Sảng Pả A (Mèo Vạc), thôn Bục Bản (Yên Minh), thôn Khiềm (Bắc Quang), Bản Lạn (Bắc Mê), thôn Phìn Hồ và thôn Nậm Hồng (Hoàng Su Phì)…
Hiện tại, Hà Giang có 40 làng văn hóa làm du lịch cộng đồng gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn. Sự tối ưu của mô hình này đó là khai thác được những lợi thế tại chỗ của địa phương và phát huy tối đa những bản sắc văn hóa bản địa.
Các vùng chuyên canh trồng trọt, chăn nuôi được hình thành cung cấp thực phẩm cho các hộ làm du lịch, đón khách. Văn hóa bản địa trở thành thứ thu hút, giữ chân du khách, biến thành nguồn thu kinh tế khi nâng tầm lên thành các sản phẩm du lịch. Một chuỗi cung ứng, liên kết bền vững được hình thành.
Một điều nữa cũng cần phải nhắc đến đó là ông Hoàng Văn Thịnh, Bí thư đương nhiệm của huyện ủy Đồng Văn – người giúp cho cây hoa Tam giác mạch trở nên đặc biệt hơn cả. Theo đó, cuối năm 2012, khi ông đang là Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn. Trong chuyến công tác tại xã Lũng Cú, ông tình cờ gặp một cụ bà người Mông đang thu hái một loài cây thân cỏ, hoa nhỏ li ti với sắc trắng hồng pha tím bên vạt nương Thèn Pả. Nhận thấy loài hoa này sẽ có thể là điểm nhấn để thu hút cho du lịch Đồng Văn nếu được trồng đại trà, có quy hoạch, có ý đồ…, về lâu dài, nó sẽ góp phần xóa đói, giảm nghèo cho bà con. Ông Thịnh nhen nhóm một dự định!
Du khách nghỉ ngơi tại một homestay. |
Ông giao thí điểm một xã triển khai tổ chức gieo trồng tập trung, giao Phòng Nông nghiệp nghiên cứu, khảo sát, hướng dẫn kỹ thuật trồng cây. Kết quả sau thời gian trồng thí điểm, được con người để tâm chăm sóc, cây lên xanh tốt,. Vậy là từ những vách đá cheo leo, loài hoa li ti đội đá mà lên, chen đá mà tỏa sắc, tạo ra nét riêng có của vùng cao nguyên đá. Hiệu ứng của một thảm tam giác mạch tập trung liền nhau với sắc hoa biến đổi theo mỗi ngày, khi mới nở hoa có màu trắng tinh khiết, sau chuyển sang phớt hồng, rồi chuyển sang tím đỏ. Bức họa mới mẻ của núi rừng có tên hoa tam giác mạch tô vẽ.
Giữa năm 2014, ông Thịnh đề xuất mở rộng diện tích cây tam giác mạch cho mùa tới, và thai nghén tổ chức lễ hội quảng bá, thu hút du lịch cho cao nguyên đá mang tên một loài hoa. Cuối năm 2014, như kế hoạch, Hà Giang lần đầu mở lễ hội du lịch mang tên một loài hoa: Lễ hội hoa Tam giác mạch, cho đến tận bây giờ…
Bước vào đầu đông, khi những cơn gió lạnh từ phương Bắc thổi nhẹ thì Tam giác mạch bắt đầu bung hoa. Hoa li ti nở rộ khắp triền đồi, hốc đá. Mùi thơm dịu nhẹ trong lành khiến du khách ngẩn ngơ. Và cũng chính sự khác biệt đó, lễ hội hoa Tam giác mạch trở thành sự kiện thường niên, và là tài sản riêng có Hà Giang sở hữu. Cho đến năm 2023, tỉnh Hà Giang đã 9 lần tổ chức lễ hội, thu hút cả triệu du khách tham gia thưởng lãm. |
Tác giả: Nguyễn Bắc
Nguồn tin: nguoiduatin.vn