Góc khuất chuyển nhượng VĐV đỉnh cao tại Việt Nam
- 09:15 04-02-2024
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thỏa thuận lạ lùng
Ngay trong những ngày đầu năm 2024, điền kinh Việt Nam đón nhận thông tin bất ngờ về "Nữ hoàng" Lê Tú Chinh. Cô gái vàng một thời của thể thao Việt Nam có nguyện vọng xin nghỉ thi đấu tại TP Hồ Chí Minh để chuyển sang một đơn vị khác. Từ đó, những điều kiện TP.HCM đặt ra để đồng ý "nhả" Tú Chinh bắt đầu xuất hiện, với không ít điểm bất lợi cho VĐV này.
Tú Chinh sẽ phải thi đấu “chay” trong 2 năm để hướng đến Đại hội Thể thao toàn quốc 2026. |
Kể từ ngày rút khỏi đơn vị TP HCM, trong vòng 24 tháng tiếp theo, Tú Chinh chỉ được tham dự các giải điền kinh quốc gia theo diện đăng ký kiểm tra thành tích. Ngay cả khi có thông số tốt nhất trong những VĐV dự giải, cô cũng không được trao huy chương. Sự ghi nhận duy nhất dành cho Tú Chinh ở thời điểm này là phong đẳng cấp VĐV và kỷ lục quốc gia (nếu có).
Đâu là cơ sở để TP HCM đưa ra những quy định khắt khe như vậy cho Tú Chinh? Xét về mặt giấy tờ và thủ tục hành chính, họ không sai trong trường hợp này. Mọi quy định TP HCM đặt ra để Tú Chinh chuyển đơn vị, được căn cứ trên điều lệ của Liên đoàn Điền kinh Việt Nam. Về phía Tú Chinh, cô và đơn vị mới chấp nhận những điều kiện được đặt ra.
Đơn vị mới của Tú Chinh có lý do chấp nhận VĐV mình chiêu mộ phải chịu cảnh nằm gai nếm mật. Họ có một mục đích xa hơn, khi sẵn sàng để Tú Chinh thi đấu không có thành tích tại sân chơi quốc nội trong 2 năm tới. Đích ngắm của họ là tấm huy chương khi Tú Chinh tham dự Đại hội Thể thao toàn quốc 2026, bởi "Olympic Việt Nam" sẽ diễn ra vào cuối năm này.
Bên cạnh Tú Chinh, không ít VĐV nhận rào cản khi chuyển đơn vị thi đấu. Một số VĐV từng được Hải Phòng đào tạo đã tiết lộ, họ gần như không có cơ hội trở lại thi đấu nếu nghỉ tập ở Hải Phòng. Trong trường hợp muốn chuyển đội, họ phải cam kết chấp nhận xin thua cuộc mỗi khi gặp mặt vận động viên của đơn vị cũ tại các giải đấu trong nước.
"Nhiều môn thể thao thành tích cao chưa quy định rõ VĐV chuyển đơn vị cần phải làm những thủ tục gì, quy định ra sao. Việc này chủ yếu xuất phát từ cam kết giữa các bên, cả bằng lời nói và văn bản. Vì thế, những quy định như VĐV không được lấy thành tích trong 2 năm, hoặc phải xin thua khi gặp đơn vị cũ mới xuất hiện", một cán bộ ngành thể thao cho biết.
Một chi tiết bất ngờ là không chỉ có HLV, rất nhiều VĐV cũng đồng ý với quy định "phải thua" mà Hải Phòng đặt ra. Họ cho biết, trong giới thể thao, chuyện tình cảm, ân nghĩa thầy trò đôi khi còn có sự ràng buộc lớn hơn cả quy định hiện hành. Việc đối đầu với đơn vị cũ được cho là tội "phản thầy", điều không ai trong ngành thể thao có thể dung thứ.
Cái lý của những "lò đào tạo"
Liên đoàn Điền kinh Việt Nam có lý do để đặt ra quy định ngăn thành tích trong 24 tháng với những VĐV muốn chuyển đơn vị như Tú Chinh. Một trong những nguyên nhân khiến điều khoản này tồn tại là bởi việc đào tạo VĐV thể thao đỉnh cao cần không ít thời gian và công sức. Việc chuyển nhượng VĐV, vì thế, cần ràng buộc cụ thể để VĐV không thể "nhảy cóc".
"Mỗi VĐV cần được đào tạo trong 7-10 năm để có thành tích ở các giải vô địch quốc gia. Con số có thể nhiều hơn nếu chúng ta muốn hướng VĐV đó đến sân chơi quốc tế. Vì vậy, các đơn vị đào tạo ra VĐV đỉnh cao cần được bảo vệ nhiều hơn, để những VĐV họ rèn giũa không dễ bị đơn vị khác 'gặt' bằng chế độ đãi ngộ", một quan chức thể thao khẳng định.
Nhiều HLV, thậm chí VĐV cũng đồng tình với quan điểm "ai được đào tạo ở đâu thì nên ở đó". Một HLV (xin giấu tên) bày tỏ: "So với nhiều đơn vị khác, chúng tôi chỉ hơn họ về mặt con người và chế độ tập luyện khoa học. Nếu VĐV có thể dễ dàng rời đội để sang địa phương khác, chúng tôi không thể đảm bảo thành tích, và bộ môn sẽ đứng trước nguy cơ bị xóa sổ".
HLV này nói thêm, ranh giới giữa một đội "top 4" và một đội "trắng tay" trong giới thể thao thành tích cao, đôi khi rất mong manh. Chỉ cần 1-2 VĐV giỏi bị địa phương khác lấy mất, đơn vị này chắc chắn không thể đảm bảo thành tích có VĐV giành Huy chương vàng. Và khi đó, họ sẽ phải mất thêm 5-7 năm để đào tạo, tìm ra một nhà vô địch mới cho địa phương mình.
Đến lúc này, Hà Nội là một trong những đơn vị có quy định chặt chẽ nhất trong việc chuyển nhượng VĐV sang đơn vị khác. Những VĐV được Hà Nội đào tạo ra đều phải cam kết không thi đấu cho bất kỳ giải đấu thể thao thành tích cao nào trong vòng 2-3 năm sau khi rời địa phương. Điều đó cũng có nghĩa, họ gần như không có cơ hội trở lại đỉnh cao nếu rời Hà Nội.
Ở chiều ngược lại, những đơn vị "lấy người" qua cơ chế chuyển nhượng VĐV cũng có những nỗi khổ tâm của riêng họ. Đây thường là những đơn vị có tiềm lực tài chính tốt, và họ cần tạo đà phát triển bằng việc đem về thành tích cho địa phương trong khoảng thời gian đầu. Họ cho biết, việc chuyển nhượng VĐV đôi khi không thể dùng đến tiền để giải quyết mọi việc trót lọt.
Tác giả: An Khánh
Nguồn tin: cand.com.vn