Quyền lợi của khách hàng khi mua bảo hiểm theo quy định pháp luật từ một số vụ việc cụ thể
- 09:09 04-02-2024
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Hiện nay, nhu cầu bảo vệ tài sản của người dân càng cao, số lượng công ty bảo hiểm vì thế cũng có sự tăng lên nhanh chóng. Để có thể tìm kiếm, thuyết phục khách hàng sử dụng bảo hiểm của công ty mình, đội ngũ chuyên viên tư vấn bảo hiểm phải ra sức tìm kiếm khách hàng, chăm sóc, tư vấn để bán bảo hiểm.
Thế nhưng, có những người bán hàng bằng chính uy tín, dịch vụ chủ lực sản phẩm bảo hiểm của công ty mình, song có những nhân viên chỉ bán hàng bằng việc “bán bằng mọi giá”, chỉ cần bán được cho khách hàng.
Khách hàng C. cho hay, chỉ được biết mua bảo hiểm một năm bao nhiêu tiền, chứ không được phổ biến các điều khoản, quy tắc của công ty bảo hiểm. Ảnh: L.L. |
Lấy dẫn chứng từ sự việc của anh L.Q.C. (trú tại phường Văn Yên, TP. Hà Tĩnh), chủ ôtô 7 chỗ hiệu Xpander Mitsubishi mang biển kiểm soát: 38A – 536.XX, là khách hàng của Công ty bảo hiểm Xuân Thành Nghệ An, do ông Đàm Thanh Thuyên làm giám đốc. Anh C. tham gia bảo hiểm TNDS và bảo hiểm vật chất xe với chi phí gần 10 triệu đồng/năm.
Hơn 2 tháng sau khi xảy ra tai nạn, ôtô 7 chỗ hiệu Xpander Mitsubishi của anh L.Q.C. (trú tại phường Văn Yên, TP Hà Tĩnh), vẫn chưa được giám định bồi thường. Ảnh: T.Đ. |
Tuy nhiên, khi xảy ra sự cố tai nạn, thiệt hại về tài sản, anh C. phải chờ công ty bảo hiểm xác minh sự việc gần 2 tháng nay. Việc chậm trễ trong công tác bồi thường của đơn vị cung cấp bảo hiểm đã đẩy khách hàng “ăn không ngon, ngủ không yên”, mất nhiều thời gian. Trong khi đó, ôtô bị tai nạn hư hỏng vẫn phải tấp bạt gần 2 tháng nay chưa được giám định thiệt hại, gia đình phải gánh trả nợ ngân hàng mỗi tháng, ôtô chưa có ngày hẹn ra xưởng.
Đại diện Công ty bảo hiểm Xuân Thành Nghệ An cho hay, công ty đang xác minh vụ việc, làm rõ một số nội dung rồi mới tiến hành giám định thiệt hại, bồi thường.
Mua ô tô kiểu "bán bia kèm lạc" nhiều khách hàng phải chịu nhiều hệ luỵ. Ảnh: T.Đ. |
Anh L.Q.C. cho biết, sau khi điều khiển ôtô xảy ra tai nạn, anh hoảng loạn, đưa người thân trên xe đi viện. Thời điểm đó người nhà anh đã gọi điện thông tin cho công ty bảo hiểm đến khám nghiệm hiện trường. Sau đó anh mới tin báo và đến làm việc với phía công ty bảo hiểm.
Theo Anh C. xác nhận mình là người lái, có những người trên xe làm chứng, camera an ninh ghi nhận lại. Tuy nhiên phía công ty bảo hiểm phản hồi phải xác minh tài xế vì thời điểm xảy ra tai nạn người khác tin báo chứ không phải anh C.
Từ đó đến nay đã gần 2 tháng trôi qua, nhiều lần làm việc và yêu cầu công ty bảo hiểm giám định thiệt hại nhưng vị khách hàng này vẫn phải chờ trong “vô vọng”.
“Khi tôi mua ôtô thì được một nhân viên tại hãng tên Thái tại Mitsubishi chi nhánh Hà Tĩnh tư vấn mua bảo hiểm vật chất và TNDS, tôi cũng không được phổ biến các điều khoản hay quy tắc bảo hiểm như thế nào, chỉ biết bỏ tiền ra rồi nhận 1 giấy chứng nhận bảo hiểm, không có hợp đồng”, anh C. trình bày.
Qua sự việc trên, có thể nhận thấy người tham gia bảo hiểm phải đối mặt với việc “tiền mất, tật mang”. Oái oăm hơn, anh T.T.Đ. một khách hàng ở phường Thạch Linh, TP. Hà Tĩnh phải gách chịu nhiều thiệt hại khi ôtô mình bị tai nạn nhưng không được bồi thường, chỉ vì nhân viên của công ty bảo hiểm “quên” báo giá làm hợp đồng bảo hiểm cho anh.
Anh Đ. cho hay, anh liên lạc cho một cán bộ tên Lý, thuộc đại lý bảo hiểm ABIC của Ngân hàng Nông nghiệp chi nhánh Hà Tĩnh II để mua bảo hiểm TNDS và bảo hiểm vật chất cho ôtô mình, do nhân viên này quá “bận rộn” nên chỉ mới cung cấp được bảo hiểm TNDS, và phản hồi chờ tính phí để làm hợp đồng bảo hiểm vật chất. Tuy nhiên, sau một tuần bất ngờ ôtô anh không may bị tai nạn, hư hại nhiều. Lúc này, nhân viên Lý của ABIC đành xin lỗi vì quá nhiều việc nên “quên” cung cấp bảo hiểm vật chất. Được biết, anh Đ là khách hàng “quen” của Công ty bảo hiểm ABIC, bởi đã tham gia bảo hiểm nhiều phương tiện khác tại đây.
Có thể thấy, nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng sự thiệt hại cuối cùng đổ dồn về khách hàng, không chỉ vật chất, tiền của mà cả về lẫn tinh thần. Việc các nhân viên tư vấn bảo hiểm thiếu trách nhiệm, luôn là “mối lo” của nhiều khách hàng lẫn công ty của họ. Chưa nói đến việc nhiều nhân viên bảo hiểm chỉ quan tâm “bán hàng bằng mọi giá”, không tư vấn những điều khoản loại trừ cho khách hàng, đến khi xảy ra sự cố lại dẫn đến kiện cáo nhau, thậm chí nhiều nhân viên bán bảo hiểm nhưng không có chứng chỉ theo quy định của Bộ Tài chính.
Theo điểm b khoản 3, khoản 4 Điều 23 Nghị định 98/2013/NĐ-CP, khoản 3 Điều 2 Nghị định 48/2018/NĐ-CP quy định về xử phạt đối với hành vi vi phạm các quy định về môi giới bảo hiểm và điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị định 98/2013/NĐ-CP, được sửa đổi bởi điểm a khoản 2 Điều 2 Nghị định 80/2019/NĐ-CP về phạt tiền.
Doanh nghiệp bán bảo hiểm sử dụng nhân viên không có chứng chỉ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng.
Đồng thời doanh nghiệp vi phạm còn bị đình chỉ hoạt động từ 02 tháng đến 03 tháng một phần nội dung, phạm vi liên quan trực tiếp đến hành vi vi phạm hành chính trong Giấy phép thành lập và hoạt động đối với trường hợp vi phạm.
Công ty bảo hiểm cần thực hiện nghĩa vụ đúng quy định pháp luật
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Luật sư Việt Nam, Luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật) cho hay, việc anh L.Q.C. chậm thông báo cho công ty bảo hiểm ngay sau khi sự kiện bảo hiểm xảy ra do phải đưa người thân đi viện, cũng như tinh thần hoảng loạn thời điểm đó (lúc xảy ra tai nạn-PV) hoàn toàn chính đáng.
Theo Luật sư Bình, tại khoản 3 Điều 19 Luật kinh doanh bảo hiểm 2022 về điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm. Theo đó, đối với trường hợp có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan dẫn đến bên mua bảo hiểm chậm thông báo sự kiện bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài không được áp dụng điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm về việc chậm thông báo.
Giải thích về sự kiện bất khả kháng tại Điều 156 Bộ luật Dân sự có quy định rằng “Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”.
Trong đó trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ dân sự của mình.
Còn về việc anh C. thông tin khi thực hiện mua bảo hiểm của một nhân viên bán hàng sau khi anh mua ôtô tại hãng Mitsubishi chi nhánh Hà Tĩnh nhưng không được tư vấn đầy đủ về các điều khoản hợp đồng và các điều khoản loại trừ, quy trình tin báo khi sự kiện bảo hiểm xảy ra. Luật sư cho rằng, nếu sự việc như vậy là chưa đúng quy định pháp luật và cần xem xét nhân viên đó đã đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh làm đại lý bảo hiểm hay chưa.
Công ty bảo hiểm Xuân Thành Nghệ An. |
Luật sư Bình phân tích thêm, tại khoản 2, Điều 20 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 quy định, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có nghĩa vụ phải giải thích rõ ràng, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm về quyền lợi bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng bảo hiểm.
Ngoài ra, Luật này còn quy định đối với những cá nhân hoạt động đại lý bảo hiểm điều kiện để được hoạt động tại Điều 125. Theo đó, điều kiện để cá nhân hoạt động bảo hiểm cần đáp ứng 3 yêu cầu sau: là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có chứng chỉ đại lý bảo hiểm phù hợp theo quy định tại Điều 130 Luật này. Với mỗi lĩnh vực hoạt động, cá nhân thực hiện hoạt động tư vấn cần có những chứng chỉ tương ứng do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định chung của Bộ tài chính.
Về việc Công ty bảo hiểm Xuân Thành nêu lý do chưa thẩm định bồi thường vì đang xác minh một số việc. Luật sư Diệp Năng Bình hướng dẫn phía người được bảo hiểm có thể làm văn bản yêu cầu phía công ty bảo hiểm thực hiện giám định thiệt hại sau tai nạn và yêu cầu bồi thường theo thoả thuận trong hợp đồng. Trong trường hợp không có thoả thuận về thời hạn thì doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ về yêu cầu trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường được quy định tại điều 31 Luật Kinh doanh bảo hiểm.
Nếu doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài chậm bồi thường, trả tiền bảo hiểm theo thì có thể phát sinh nghĩa vụ trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả. Lãi suất đối với số tiền chậm trả được xác định theo thỏa thuận của các bên theo quy định của Bộ luật Dân sự nhưng không quá 20%/năm.
Tuy nhiên sau khi có yêu cầu các bên không thể tự thoả thuận, thống nhất được thì người mua bảo hiểm có thể lựa chọn một trong các phương thức giải quyết tranh chấp theo Điều 32 Luật Kinh doanh bảo hiểm. Theo đó trường hợp không thương lượng được thì tranh chấp được giải quyết thông qua hòa giải hoặc Trọng tài hoặc Tòa án theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm và quy định của pháp luật.
Tác giả: T.Đ
Nguồn tin: lsvn.vn