Không ngừng xây dựng, chỉnh đốn để Đảng gánh vác và thực hiện sứ mệnh lịch sử
- 14:39 03-02-2024
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trong lịch sử 94 năm hình thành và phát triển, Đảng ta đã trải qua không ít thăng trầm, vượt qua nhiều gian nan, thử thách để lãnh đạo đất nước, dẫn dắt dân tộc nhịp bước cùng thời đại. Xuyên suốt quá trình đó, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là Đảng không ngừng xây dựng, chỉnh đốn mình ngang tầm trọng trách lịch sử giao phó. Đó là vấn đề có tính quy luật.
Tuy nhiên, trong 40 năm nay, chưa khi nào và chưa bao giờ chúng ta chứng kiến một thời kỳ mà công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng được cả xã hội quan tâm như ở thời kỳ này. Trả lời phỏng vấn phóng viên VOV nhân kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Đảng, nhà báo, TS. Nhị Lê- nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng: Mục tiêu của công cuộc xây dựng, chỉnh đốn là để Đảng gánh vác thành công sứ mệnh lịch sử và sự trao gửi của Nhân dân cho mình.
Nhà báo, TS. Nhị Lê- nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản. |
Ba tố chất làm nên vị thế, bản chất, sức mạnh và uy tín của Đảng
PV: Trong lịch sử 94 năm hình thành và phát triển, Đảng ta đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng. Trong mấy nhiệm kỳ gần đây, đặc biệt là từ khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ vai trò lãnh đạo cao nhất thì theo ông, dấu ấn nổi bật của Đảng là gì?
Nhà báo Nhị Lê: Từ khi đồng chí Nguyễn Phú Trọng giữ cương vị Tổng Bí thư, công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã trở thành một mũi đột phá quan trọng ở tầm mức mới cả về quy mô, tính chất và chiều sâu. Trước kia, thường nói xây dựng Đảng nhưng từ Hội nghị Trung ương 6 khóa VIII thì vấn đề xây dựng song hành với chỉnh đốn Đảng đã trở thành công việc kép. Chỉnh đốn chính là để xây dựng và xây dựng buộc phải thông qua chỉnh đốn. Xây dựng và chỉnh đốn là chỉnh thể công việc phát triển Đảng một cách toàn diện và thống nhất.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng toàn Đảng đã dụng công rất lớn thực hiện công việc to lớn, nặng nề và có ý nghĩa quyết định thành công này.
Mục tiêu của công cuộc xây dựng, chỉnh đốn là để Đảng gánh vác và thực hiện sứ mệnh lịch sử và sự trao gửi của Nhân dân một cách ngang tầm đất nước và thời đại, trong 3 tư cách căn bản: Đảng phải thực sự xứng đáng là người lãnh đạo; Đảng phải thực sự xứng đáng là người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân; Đảng phải thực sự xứng đáng là đứa con nòi của nhân dân lao động.
Đó là 3 tố chất làm nên vị thế, bản chất, sức mạnh và như uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam trải 94 năm lịch sử xây dựng và phát triển của đất nước, dưới ngọn cờ của Đảng.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng bắt đầu làm Tổng Bí thư từ năm 2011. Kế thừa rất nhiều thành tựu, kinh nghiệm về xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong lịch sử 94 năm, đặc biệt từ Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII, vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã trở thành một trọng sự có ý nghĩa thành bại, thậm chí sinh tử đối với vị thế, vai trò và trách nhiệm lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.
Nhìn lại gần 15 năm cho đến ngày hôm nay, điều đặc biệt, rất ấn tượng tôi lấy làm tâm đắc, việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, là trọng tâm của 3 Hội nghị lần thứ 4 của Đảng dọc 3 nhiệm kỳ liên tiếp: Hội nghị Trung ương 4 khóa XI bàn về trách nhiệm người đứng đầu; Hội nghị Trung ương 4 khóa XII bàn về những vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng; Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII ra Kết luận 21 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục thực hiện hai Hội nghị lần thứ 4 của hai nhiệm kỳ XI và XII, trong bối cảnh mới.
Nhìn như thế để thấy toàn bộ công việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng chính là công việc được tính toán chiến lược và tổng thể của toàn Đảng. Đó cũng là nhu cầu của lịch sử và khát vọng của Nhân dân đối với Đảng.
Từ 3 Hội nghị Trung ương 4 mà đỉnh cao là các Đại hội thứ XII và XIII của Đảng, tỏa sáng một phát kiến rất lớn về phương diện lý luận và thực tiễn xây dựng và phát triển một chính Đảng Cộng sản nói chung và Đảng ta nói riêng, đó là cùng với xây dựng Đảng về mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức thì từ Đại hội XII của Đảng xác quyết xây dựng Đảng về mặt đạo đức.
Tới Đại hội XIII, cùng với xây dựng Đảng về các mặt: chính trị, tư tưởng, đạo đức, thì xây dựng Đảng về cán bộ là một bước tiến dài về mặt nhận thức lý luận và tổ chức thực tiễn xây dựng, chỉnh đốn Đảng ta. Không có cán bộ xứng tầm thì mọi kế hoạch tốt đẹp nhất cũng chỉ dừng lại ở mơ ước
PV: Thưa ông, xây dựng Đảng về đạo đức và xây dựng Đảng về cán bộ có thể hiểu như thế nào?
Nhà báo Nhị Lê: Nhân nói về xây dựng Đảng về mặt đạo đức, tôi nhớ một nhà sử học danh tiếng của nước Nga nói rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam đặt vấn đề đạo đức là một phương diện quan trọng của công tác xây dựng Đảng - điều này Đảng Cộng sản Liên Xô trước kia không có được. Nhưng kỳ thực, ta biết, đó chính là một trong những phát kiến sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vào năm 1927. Nghĩa là 3 năm trước lúc Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời.
Ngày 5/1/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục khẳng định vấn đề này về mặt thực tiễn lãnh đạo của Đảng. Người nói: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. Kế thừa và phát triển tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đại hội thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác quyết đạo đức là một lĩnh vực xây dựng Đảng rất quan trọng.
Đó là một trong những thành tựu rất căn bản trên phương diện lý luận và thực tiễn về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng của chúng ta trong 15 năm qua, kể từ Đại hội XI đến nay.
Thứ hai, về phương diện cán bộ. Đây là việc then chốt của then chốt. Lịch sử 94 năm của Đảng ta càng chứng minh rõ điều này. Sau khi có đường lối đúng thì nhân tố quyết định thành công của việc thực hiện quyết sách chính trị đó là cán bộ. Không có cán bộ xứng tầm thì mọi kế hoạch tốt đẹp nhất cũng chỉ dừng lại ở mơ ước.
Thực tiễn 3 nhiệm kỳ gần đây, trên lộ trình đổi mới, tái cấu trúc đội ngũ cán bộ các cấp, trước hết là cấp chiến lược, đã thanh lọc xử lý rất nhiều cán bộ ở tất cả các cấp, trong đó nhiều cán bộ là Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị. Cũng là vì điều căn bản đó. Điều đó càng cho thấy, nếu không chỉnh đốn công tác cán bộ nói chung và đội ngũ cán bộ nói riêng thì sức mạnh của Đảng sẽ khó có thể được giữ vững và phát triển.
Về đạo đức, thực tiễn cảnh báo nghiêm khắc, khi cán bộ hủ bại về đạo đức, hủ bại về lối sống thì tất yếu sẽ dẫn đến hủ bại về chính trị, thậm chí phản bội về chính trị. Cho nên, điều mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng Ban Chấp hành Trung ương qua 3 nhiệm kỳ và Đảng ta đã đặt ra yêu cầu, mỗi đảng viên phải xứng đáng là một tấm gương đạo đức, một nhân cách văn hóa, khi “danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất”. Đây cũng chính là yêu cầu của Nhân dân đối cán bộ là đảng viên và với Đảng - “đứa con nòi” của mình.
Không như thế thì không thể xây dựng Đảng ta thực sự là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của Nhân dân, thực sự là đứa con nòi của Nhân dân.
Nhân đây, xin nói thêm, để thực hiện tư tưởng đó. Ngoài những công việc về đạo đức, Đảng ta đã tổ chức lại hệ thống của mình về bộ máy, tức là cấu trúc lại từ bên trong đội ngũ bằng một tổ chức tương dung và tương hợp. Trong đó, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực và hệ thống 63 tỉnh, thành phố là một ví dụ, được bổ sung phát triển không chỉ về quy mô mà quyết định là tính chất và trọng trách, góp phần thực hiện toàn bộ công việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trước hết trên phương diện cán bộ.
Không chỉnh đốn, không xây dựng một cách ngang tầm nhiệm vụ thì Đảng không thể dẫn dắt được dân tộc.
PV: Vì sao trong 3 nhiệm kỳ gần đây, Đảng thường chọn hội nghị Trung ương 4 để bàn về việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thưa ông?
Nhà báo Nhị Lê: Ta biết, Hội nghị Trung ương 4 của Đảng thường vào năm thứ 2 của nhiệm kỳ. Đây là tổng thể và lộ trình phù hợp bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống chính trị, rường cột là Quốc hội và Chính phủ. Như thế để thấy được tính hệ thống, tính liên tục, tính khả thi các quyết sách về chính trị, về tổ chức và về cán bộ của Đảng. Đó là tính hệ thống tự nhiên và tất yếu trong đời sống hoạt động của Đảng với tư cách là Người lãnh đạo, cầm quyền đất nước.
PV: Như vậy, xây dựng, chỉnh đốn Đảng cũng như một lời cam kết của Đảng đối với Nhân dân?
Nhà báo Nhị Lê: Xin được nhấn mạnh và khắc sâu, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là công việc thường xuyên, chỉnh thể và không thể đứt đoạn. Vì thế, tất cả các Hội nghị Trung ương đều xem xét vấn đề này ở nhiều góc độ khác nhau, ngoài những Hội nghị chuyên đề về xây dựng dựng, chỉnh đốn Đảng, như đã thấy.
Đó cũng là yêu cầu của Nhân dân để Đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện. Không chỉnh đốn, không xây dựng mình một cách ngang tầm nhiệm vụ thì Đảng rất khó dẫn dắt dân tộc phát triển, như đã xác quyết.
Đó không chỉ là sự cam kết chính trị đơn thuần mà đó là sự cam kết về lòng tin của Đảng đối với dân tộc; đồng thời, là sự cam kết của Đảng đối với bạn bè quốc tế với tư cách là người lãnh đạo, người cầm quyền cách mạng Việt Nam.
Rộng hơn và sâu hơn, đó là lời thề danh dự trước dân tộc, lời thề thiêng liêng trước các bậc tiên hiền về trọng trách lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam.
PV: Trong cuộc đấu tranh làm trong sạch Đảng, khó khăn nhất là gì thưa ông?
Nhà báo Nhị Lê: Đó là vấn đề mấu chốt: quyền lực và kiểm soát quyền lực.
Tất cả các căn bệnh của Đảng cầm quyền đều bắt nguồn từ sự lệch lạc về tầm nhìn chính trị và xử lý quyền lực. Khi những chứng bệnh trên phương diện này lâm trọng, như: tha hóa quyền lực, thoái hoá quyền lực, sỉ nhục quyền lực, chiếm đoạt và sở hữu quyền lực (biến quyền lực công thành quyền lực tư), hủ bại quyền lực (mua bán quyền lực)… thì công việc này càng mệnh hệ tới vị thế lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.
Có thể hình dung, quyền lực như con ngựa bất kham vậy. Không khắc chế và dẫn dụ được nó thì sẽ thất bại. Vì, nếu quyền lực được giao cho con người có đạo đức họ có thể kinh bang tế thế nhưng nếu không kiểm soát, nhất là những kẻ vô đạo đức nắm quyền lực, thì không những những người này hóa thành những con thú dữ hoành hành ngoài xã hội, mà đáng thương thay, quyền lực nhớp nhúa vô đạo đức, không nghi gờ gì, nhất định biến thành sợi dây để họ tự thắt cổ mình.
Mọi sự phát triển đúng hướng đều nằm ở việc sử dụng và kiểm soát quyền lực. Đối với Đảng, đó là quyền lực chính trị và quyền lực về công tác cán bộ… Tức là quyền hoạch định đường lối và kiến tạo bộ máy. Nếu đường lối chính trị của Đảng bị thao túng bởi lợi ích nhóm chẳng hạn, thì dứt khoát quyền lực sẽ lâm vào hủ bại và lệch lạc. Do đó, kiểm soát quyền lực đối với những cơ quan tổ chức cán bộ là sự kiểm soát của kiểm soát, rất quan trọng, thậm chí quyết định thành bại trong công tác cán bộ.
Nhân dân trao và ủy thác quyền lực của mình cho Nhà nước, ở từng tổ chức và mỗi cá nhân. Nếu ảo tưởng về quyền lực hoặc quyền lực không được kiểm soát bằng pháp luật và đạo đức, rốt cuộc sẽ chẳng có dân chủ và pháp quyền nào. Khi đó, lợi ích quốc gia bị băm nhỏ hoặc không thống nhất và quyền lực cá nhân và phường hội lên ngôi và ngự trị. Lợi ích của quốc gia và hạnh phúc của Nhân dân có cơ bị lâm nguy!
Nói gọn lại, quyền lực và cán bộ là hai phương diện căn bản, Đảng cần phải nắm lấy, quyết không buông!
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Tác giả: Thanh Hà - Kim Anh
Nguồn tin: vov.vn