Triển khai Kế hoạch phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2024
- 16:08 25-01-2024
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Kế hoạch được ban hành nhằm triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng (PCTN), đặc biệt là Kết luận số 10-KL/TW ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí; Kết luận số 12-KL/TW ngày 06/4/2022 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN; Luật PCTN và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành… Qua đó, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội; nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh yêu cầu phải cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước với những giải pháp cụ thể phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, cơ quan, đơn vị. Từng nhiệm vụ, giải pháp có phân công trách nhiệm các cơ quan tham mưu, thời gian thực hiện nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả công tác PCTN trên địa bàn tỉnh. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Các cấp, các ngành theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình thực hiện việc rà soát, hệ thống hóa các văn bản pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội và PCTN; sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành các văn bản để chỉ đạo về công tác PCTN; trong đó, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực như: Tổ chức cán bộ, quản lý tài chính, ngân sách, tài sản công, quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, đầu tư, xây dựng, đấu thầu, đấu giá; đất đai, tài nguyên, khoáng sản; tín dụng, ngân hàng; thuế, hải quan và các lĩnh vực khác liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp...
Các địa phương, đơn vị tiếp tục xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về PCTN; chủ động phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đoàn thể (như công đoàn, phụ nữ, các hiệp hội,...) trong công tác giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các văn bản về PCTN của Đảng, Nhà nước và của Ban Chỉ đạo các cấp về PCTN; gắn công tác PCTN với việc thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn triển khai thực hiện kiểm soát tài sản thu nhập theo Luật PCTN, Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Thanh tra tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành tiến hành thanh tra, kiểm tra theo đúng kế hoạch đã được phê duyệt. Hoạt động thanh tra, kiểm tra hướng vào việc phát hiện, chấn chỉnh và xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật (nếu có). Qua thanh tra chủ động phát hiện hành vi tham nhũng, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng và chuyển điều tra các vụ việc có dấu hiệu tội phạm ngay trong quá trình thanh tra, không chờ đến khi kết thúc mới chuyển; kiến nghị sửa đổi những sơ hở, bất cập trong quản lý và cơ chế, chính sách...
Các đơn vị, địa phương chú trọng việc tiếp nhận và xử lý kịp thời các thông tin về tham nhũng qua đơn tố cáo, tố giác tội phạm của quần chúng nhân dân và của các cơ quan ngôn luận. Tập trung xem xét, xử lý, giải quyết kịp thời theo thẩm quyền các đơn thư phản ánh, tố cáo, báo cáo về hành vi tham nhũng; nếu phát hiện dấu hiệu tội phạm phải kịp thời chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra xem xét xử lý theo quy định pháp luật.
Cơ quan Công an, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân các cấp trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố và xét xử các vụ án tham nhũng; tập trung xử lý dứt điểm các vụ việc, vụ án tham nhũng không để kéo dài, truy xét thu hồi tài sản cho Nhà nước, đảm bảo không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm...
Tác giả: PQ (tổng hợp)
Nguồn tin: nghean.gov.vn