Nghệ An: Hơn 1 thập kỷ loay hoay với dự án “di dân khẩn cấp”
- 06:07 25-01-2024
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Hơn 1 thập kỷ trôi qua kể từ ngày được phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư để di dân khẩn cấp ra khỏi vùng thiên tai xã Hưng Hòa, TP Vinh, tỉnh Nghệ An vẫn chưa thể nghiệm thu |
Trước đó, Diễn đàn Doanh nghiệp đã đăng tải bài viết “Nghệ An: Dự án di dân khẩn cấp…“không còn khẩn cấp”?” vào ngày 23/8/2023, thông tin về việc hàng chục hộ dân sinh sống ven đê sông Lam thuộc xóm Hòa Lam, xã Hưng Hòa, TP Vinh chưa thể chuyển sang nơi ở mới dù cơ sở hạ tầng khu tái định cư đã được hoàn thiện cơ bản đầy đủ.
Mới đây, theo thông tin PV nắm được, ngoài vấn đề UBND TP Vinh chưa được nhận bàn giao quỹ đất thì dự án này còn thêm vướng mắc phát sinh khác liên quan đến việc hỗ trợ, đền bù, giải phóng mặt bằng đối với những hộ dân đi vào khu tái định cư…
Chưa thể bàn giao quỹ đất
Sơ lược lại thông tin về dự án nêu trên, vào năm 2013, UBND tỉnh Nghệ An đã có quyết định phê duyệt đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư để di dân khẩn cấp ra khỏi vùng thiên tai xã Hưng Hòa, TP Vinh và giao cho Chi cục Phát triển nông thôn Nghệ An làm đơn vị chủ đầu tư.
Mục tiêu của dự án là nhằm bố trí, sắp xếp cho 58 hộ dân xóm Hòa Lam, nay sáp nhập thành xóm Thuận Hòa thì gọi khu vực này là cụm dân cư Hòa Lam nằm trong diện chịu ảnh hưởng bởi thiên tai đến khu tái định cư tập trung mới ở xóm Thuận Hòa, xã Hưng Hòa, ngay phía đối diện trong đê sông Lam.
Trước đó, mặc dù tên gọi và mục tiêu của dự án là di dời dân cư khẩn cấp, thế nhưng, trên thực tế thì hoàn toàn trái ngược bởi đến tận 7 năm sau khi phê duyệt quyết định đầu tư, tức là vào năm 2020, dự án mới bắt đầu được triển khai thực hiện và đến năm 2022 thì đã cơ bản hoàn thành các hạng mục, công trình.
Tuy nhiên, do một số vướng mắc liên quan đến nút giao từ đường khu tái định cư ra Quốc lộ 46C chưa được mở và có phát sinh thêm 24 hộ dân khác cũng bị ảnh hưởng bởi thiên tai nên đến nay dự án vẫn loay hoay, chưa thể tiến hành nghiệm thu cũng như bàn giao quỹ đất lại cho UBND TP Vinh quản lý…
Tuyến đường D1 đấu nối với Quốc lộ 46C chưa được mở khiến cho hàng chục hộ dân ven đê sông Lam không thể vào ở được do ảnh hưởng đến việc đi lại |
Liên quan đến vấn đề này, dựa theo báo cáo của Chi cục PTNT tỉnh Nghệ An cho thấy, đến nay dự án đã triển khai xây dựng hoàn thành các hạng mục, bao gồm: San lấp mặt bằng, đường giao thông nội vùng, hệ thống thoát nước, nhà văn hóa, hệ thống điện sinh hoạt, nước sinh hoạt, mương thủy lợi.
Tuy nhiên, một số công trình, hạng mục có sự thay đổi, chưa được thực hiện, chưa được bố trí vốn để tiếp tục triển khai (hạng mục được phê duyệt tại Quyết định điều chỉnh số 571/QĐ-UBND ngày 09/3/2022), bao gồm: Mương thủy lợi đoạn từ cống bản cuối tuyến đường D2 đến cống bản cuối tuyến đường D3, khu vệ sinh, giàn mái tôn, cây xanh khu vực nhà văn hóa, sân thể thao, tuyến đường D1 đấu nối với Quốc lộ 46C.
Do vậy, công trình hạ tầng khu tái định cư cho 58 hộ dân bị ảnh hưởng thiên tai chưa được nghiệm thu; dẫn đến việc chưa bàn giao dự án theo kế hoạch.
Mặt khác, do dự án kéo dài nên có phát sinh thêm tới 24 hộ dân nữa, nâng tổng số hộ dân phải di dời lên 82 hộ. Điều này cũng đòi hỏi chủ đầu tư phải lên phương án khác để di dời toàn bộ các hộ dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
“Về phát sinh thêm 24 hộ dân cần di dời, chúng tôi đang tiến hành lập dự án hoàn toàn mới, xử lý luôn cả vấn đề mở nút giao để người dân xóm Hòa Lam sớm được vào nơi ở mới”, đại diện chủ đầu tư khẳng định.
Loay hoay vấn đề hỗ trợ, di dân
Cuối tháng 12/2023 vừa qua, trao đổi với báo chí, ông Dương Xuân Thám - Phó chủ tịch UBND xã Hưng Hòa cho biết: Đến thời điểm hiện tại các hộ dân vẫn chưa được di dời vào khu tái định cư vì còn nhiều vướng mắc.
Theo đó, ngoài những vướng mắc liên quan đến công tác đấu nối vào đường Quốc lộ 46C thì dự án có vướng mắc phát sinh như một số hạng mục chưa hoàn thiện thì hiện chủ đầu tư đang chỉ đạo nhà thầu hoàn thiện.
Bên cạnh đó, dự án còn thêm vướng mắc nữa là công tác hỗ trợ như thế nào đối với người dân đi vào khu tái định cư như chênh lệch diện tích đất nơi đi với nơi đến. Ví dụ như: Nơi đi hộ ông này có 1.000m2 đất ở nhưng khi vào khu tái định cư chỉ có 1 lô với diện tích 200m2 thì mức chênh lệch 800m2 đất còn lại sẽ tính như thế nào? Có hỗ trợ tiền di dời hoặc tài sản trên đất hay không cũng sẽ phải tổ chức một cuộc họp nữa để thống nhất cụ thể.
Cũng theo ông Thám thông tin, đối với 24 hộ dân phát sinh thêm thì hiện đã chọn địa điểm là nơi liền kề khu giành cho 58 hộ trước đó và cho đến nay công tác giải phóng mặt bằng cũng như các thủ tục đang được triển khai tiến hành nhưng chưa xong
Trước đó, qua tìm hiểu PV được biết, đối với khu vực bố trí tái định cư cho 24 hộ dân, là các hộ phát sinh sau này thì công trình dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư và được UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch sử dụng đất TP Vinh năm 2023. Hiện, Chi cục PTNT tỉnh Nghệ An đang phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan để thực hiện thủ tục thu hồi đất, giải phóng mặt bằng theo đúng quy định của pháp luật.
Hàng chục hộ dân sinh sống ngoài đê sông Lam, xóm Hòa Lam, xã Hưng Hòa, TP Vinh, tỉnh Nghệ An vẫn phải gồng mình gánh chịu cảnh sống tạm bợ, nơm nớp lo sợ mỗi khi đến mùa mưa bão, ngập lụt |
Riêng đối với công tác di dân, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành các công văn số 7786/UBND-NN ngày 06/10/2022, số 8530/UBND-NN ngày 28/10/2022 chỉ đạo Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan và UBND TP Vinh để xem xét, giải quyết các vướng mắc, khó khăn.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở TN&MT đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan tham mưu và đã có Công văn số 6224/STNMT-QLĐĐ ngày 11/9/2023 xin ý kiến Cục Quy hoạch và phát triển tài nguyên đất về xử lý vướng mắc liên quan đến việc thực hiện di dân khẩn cấp ra khỏi vùng thiên tai xã Hưng Hòa.
Đến nay, UBND TP Vinh đang chờ ý kiến chỉ đạo và hướng dẫn của UBND tỉnh, Sở TN&MT. Do UBND TP Vinh chưa được bàn giao quỹ đất tái định cư và chưa được hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục, chế độ chính sách để thực hiện di dân, bố trí dân cư vào khu tái định cư nên công tác di dân chưa triển khai thực hiện được.
Có thể thấy răng, một dự án “khẩn cấp” nhằm giúp hàng chục hộ dân ven đê thoát khỏi cảnh ngập lụt hàng năm; thế nhưng lại kéo dài đến hơn 1 thập kỷ vẫn chưa thể hoàn thành thì không hiểu có còn sự “khẩn cấp” nữa không? Bởi vậy, hy vọng rằng, các cơ quan có thẩm quyền liên quan cần vào cuộc quyết liệt, xử lý sớm các vướng mắc để giải quyết nhu cầu, quyền lợi chính đáng cho các hộ dân nằm trong diện bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
Tác giả: HỒNG QUANG
Nguồn tin: diendandoanhnghiep.vn