Về Châu Nhân “săn” lộc trời
- 16:08 24-01-2024
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Mỗi đêm, một người dân có thể vớt được từ 3-10kg rươi. Ảnh: Điền Bắc. |
Xuống đồng săn rươi
Từ lâu, rươi Châu Nhân thuộc huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) đã nổi tiếng là một món ăn thuộc hàng đặc sản, sau này do thấy được giá trị dinh dưỡng cao, rươi Châu Nhân trở nên đắt đỏ. Và cũng từ đây, vùng đất này được biết đến như “thủ phủ” về rươi xứ Nghệ. Bởi lẽ, hầu hết các hộ gia đình nơi đây đều khoanh vùng đất để làm rươi. Mỗi năm cứ vào dịp cuối tháng 9 đến hết tháng 12 âm lịch, người dân xã Châu Nhân lại mang lưới, cọc tre ra ruộng giăng kín khắp các cánh đồng ven sông Lam để chờ rươi. Những dải lưới được kéo trên ruộng tạo thành những vệt bùn dài nên người dân địa phương thường gọi kéo lưới.
Ông Võ Văn Quế (56 tuổi) (xóm Phú Xuân, xã Châu Nhân) - một thợ săn rươi nhiều năm cho biết: Rươi là một loại sản vật trời ban, không cần bỏ quá nhiều công sức nhưng vẫn có thể thu hoạch được. Bởi lẽ, hàng năm cứ chờ tới mùa rươi, người dân nơi đây chỉ cần đóng cọc, giăng lưới, đắp bờ quanh các thửa ruộng, để khoanh vùng, sẵn sàng chờ… rươi nổi. Rươi thường nổi nhiều vào các ngày cuối, đầu và giữa tháng nhưng nhiều nhất vẫn là các ngày 25, mùng 1, rằm. Các ngày khác chỉ nổi rải rác, ít và khi có, khi không. Việc thu hoạch rươi cũng phụ thuộc vào chiều nước lên xuống, thông thường rươi sẽ nổi vào khoảng từ 2 - 3 giờ sáng.
“Hàng năm vào mùa, bà con thường tranh thủ dùng rổ, lưới đi vớt rươi về chế biến những món ăn hoặc bán ở các chợ quê. Trước đây, khi cuộc sống còn khó khăn, giá rươi rẻ bán ít người mua. Nên cứ đến mùa rươi người dân lại cùng nhau ra vớt rươi, ai vớt được bao nhiêu thì vớt, rồi đem về bỏ vào một nồi to để kho lên ăn, chứ không chia ruộng và giăng lưới như bây giờ” - ông Quế thông tin. Cũng theo ông Quế, ở Châu Nhân hầu hết những người làm nông đều có ruộng rươi của nhà mình. Như gia đình ông Quế có 7 sào ruộng và 4 sào ruộng thầu. Mỗi năm gia đình ông thu từ rươi khoảng 50-100kg. Phần ít để ăn, còn lại dùng để bán và làm mắm. Rươi sống bán với giá khoảng 380.000 - 400.000 đồng/kg.
Ngoài các món như chả rươi, xào, kho, nấu canh... người dân nơi đây lại tạo ra một loại mắm rươi đặc trưng với hương vị thơm ngon, khiến ai đã thưởng thức phải nhớ mãi. Chị Nguyễn Thị Linh (49 tuổi, ở xóm Phú Xuân, xã Châu Nhân) là người có thâm niên trong nghề làm mắm rươi cho biết: Làm mắm rươi không khó nhưng đòi hỏi phải tỉ mỉ, khéo léo trong từng công đoạn. Chị Linh chia sẻ: “Việc lựa chọn rươi cũng rất quan trọng, sẽ quyết định đến chất lượng của mắm. Muốn làm mắm ngon phải chọn rươi giữa tháng 10 âm lịch, rươi tháng 9 thì non, còn rươi sau đó nữa già quá”. Chính bởi hương vị đậm đà, cay cay và thơm nồng của mắm rươi đã giúp loại thực phẩm này trở nên không thể thiếu trong mỗi mâm cơm của nhiều gia đình khi Tết đến, xuân về.
|
Không dùng thuốc bảo vệ thực vật
Nhiều năm nay, người dân ở xã Châu Nhân luôn bảo vệ những thửa ruộng ở hạ nguồn sông Lam. Bởi các thửa ruộng đó không những đem lại kinh tế về lúa mà còn là nơi để người dân làm giàu từ rươi. Cho nên, họ ra sức bảo vệ loài nhuyễn thể này bằng cách sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Ông Phạm Văn Thắng - một trong những hộ dân có ruộng rươi cho biết: Để khai thác rươi, cáy trong suốt mấy chục năm qua vùng đất này luôn được dân làng giữ sạch, không sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ và cả phân bón hóa học. Bởi rươi là loài sinh vật đặc biệt, vô cùng nhạy cảm với hóa chất. Chúng chỉ có thể sinh trưởng và phát triển tại những vùng tự nhiên, sạch, không có hóa chất.
“Trước đây, cả vùng bãi này là cánh đồng rộng lớn, nay đất đã được người dân đấu thầu để làm lúa và nuôi rươi. Vùng canh tác đặc biệt này cũng cách ly hoàn toàn với vùng canh tác thông thường. Cùng với đó, nước của sông Lam thường xuyên lên - xuống, khiến cho đất khá “sạch” mầm sâu bệnh” - ông Thắng cho biết thêm.
Những năm gần đây, với hiểu biết và nhận thức khoa học về chu trình sinh trưởng, phát triển của loài rươi, để tạo nguồn thức ăn cho những vi sinh vật phù du trong đất, làm nguồn thức ăn cho rươi, người dân đã sử dụng các loại phân hữu cơ như phân gà, phân trâu bò đã được ủ hoai mục để bón. Việc bón phân này đồng thời tăng cường độ phì nhiêu của đất và bổ sung các chất dinh dưỡng cho sự phát triển của cây lúa.
Để đảm bảo hộ dân nào cũng có thể “trồng” loại đặc sản này, chính quyền xã Châu Nhân đã phân chia ruộng, tránh tình trạng tranh chấp không đáng có. Rươi vào ruộng nhà nào, nhà ấy thu hoạch, không có việc tranh giành lẫn nhau.
Tác giả: Điền Bắc
Nguồn tin: Báo Đại đoàn kết