Dạy tích hợp đặt ra nhiều khó khăn cho công tác đào tạo giáo viên
- 09:02 22-01-2024
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Theo lộ trình của Bộ GD-ĐT, chỉ còn 1 năm học nữa sẽ hoàn tất quá trình chuyển sang chương trình GDPT 2018. Đến nay, giáo viên và học sinh đã dần quen với chương trình học mới, song vẫn còn nhiều khó khăn.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, một trong những khó khăn khi triển khai chương trình GDPT mới đó là các cách làm cũ vốn đã định hình và ăn sâu vào thói quen giảng dạy mà không phải tất cả giáo viên đều sẵn sàng đổi mới mình để thích nghi với công việc mới cần làm theo yêu cầu của sự đổi mới. Để khắc phục cần có sự nỗ lực, quyết tâm, chia sẻ rất lớn từ đội ngũ các nhà giáo.
Thiếu đội ngũ giáo viên vẫn đang là thách thức lớn với ngành giáo dục trong công cuộc đổi mới (Ảnh minh họa) |
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, trong vòng 3 năm học, tính từ tháng 8/2020 đến tháng 8/2023, tổng số giáo viên mầm non, phổ thông nghỉ việc, bỏ việc lên đến trên 40.000. Bên cạnh đó, số lượng giáo viên nghỉ hưu, bình quân mỗi năm khoảng 10.000 người. Trong khi từ năm 2020 đến nay, số chỉ tiêu được giao gần 26.000 biên chế mới.
Đối chiếu số lượng giáo viên nghỉ việc và số lượng giáo viên được tuyển dụng đang có sự chênh lệch lớn. Chưa kể đến tình hình tuyển dụng ở các địa phương đang gặp nhiều khó khăn. Ở vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn, có biên chế, có chế độ ưu đãi lại không tuyển được giáo viên ngoại ngữ, tin học, mỹ thuật, nghệ thuật. Một số tỉnh đồng bằng Bắc Bộ dù có chỉ tiêu nhưng lại không tuyển được giáo viên mầm non.
Thiếu đội ngũ giáo viên vẫn đang là thách thức lớn với ngành giáo dục trong công cuộc đổi mới.
Khó khăn trong đào tạo giáo viên dạy tích hợp, liên môn
Bàn về vấn đề giáo viên và đào tạo giáo viên cho chương trình mới, PGS.TS Vũ Công Hảo, Trường ĐH Thủ đô Hà Nội cho biết, cả nước có khoảng gần 80 trường đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục có đào tạo đội ngũ giáo viên phổ thông các cấp. Tuy nhiên, đội ngũ giáo viên được đào tạo, đã ra trường hiện nay vẫn không thực sự đảm nhiệm được hoạt động giáo dục trong các nhà trường.
Tình trạng chỗ thừa chỗ thiếu xảy ra nhiều năm, hiện nay đang thiếu trầm trọng các giáo viên dạy các ngành chuyên biệt như nhạc, họa, thể chất. Mặt khác, yêu cầu tích hợp trong giảng dạy các môn học, nhất là tích hợp liên môn, đặt ra nhiều khó khăn cho công tác đào tạo giáo viên.
“Ngay cả việc xây dựng khối, ngành học đáp ứng yêu cầu về sản phẩm là các giáo viên ra trường có khả năng dạy được các môn tích hợp KHXH hay KHTN cũng là một mối đau đầu với các Trường Đại học Sư phạm”, PGS.TS Vũ Công Hảo băn khoăn.
Theo PGS.TS Vũ Công Hảo, trong sự thiếu hụt nguồn nhân lực có trình độ cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế nói chung, chúng ta còn đang thiếu đội ngũ giáo viên được đào tạo, trang bị các kiến thức, kĩ năng mới để phục vụ trực tiếp công cuộc đổi mới giáo dục các cấp.
Đối với ngành sư phạm, việc tuyển sinh những năm qua khá khó khăn, chất lượng “đầu vào” cũng giảm sút đáng kể, một phần vì tâm lí thích học các ngành mới, dễ xin việc, phần vì học sinh cũng e ngại khi học đã khó, ra trường lương thấp, thậm chí không có việc làm, nên cái tâm lí “nhất y nhì dược tạm được bách khoa, bỏ qua sư phạm” hay “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” đang có nguy cơ tái phát.
Hơn nữa, tuy số lượng các trường đại học, cao đẳng sư phạm có chức năng, nhiệm vụ chính đào tạo giáo viên đã nhiều, nhưng nhiều trường đại học, cao đẳng khác, để tồn tại, đều có xu hướng chuyển sang đào tạo đa ngành và trường nào cũng có khoa Sư phạm, bởi thế, chất lượng sản phẩm khó bảo đảm.
PGS.TS Vũ Công Hảo cho rằng, gần đây, Chính phủ đã quan tâm hơn tới các trường Đại học Sư phạm, chỉnh đốn các cơ sở giáo dục có đào tạo giáo viên, đã ban hành, thực hiện chính sách hỗ trợ sinh viên học các ngành sư phạm, nhưng đó không phải vấn đề cốt lõi cho việc đổi mới giáo dục.
“Đổi mới hệ thống giáo dục phổ thông là việc trọng đại, không đơn giản là thay chương trình, SGK cũ bằng chương trình và SGK mới, một quy phạm, nề nếp cũ bằng một quy phạm nề nếp mới… Song song với việc xây dựng chương trình, biên soạn SGK phổ thông các cấp, cần triển khai đào tạo mới, đào tạo lại, bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ giáo viên phổ thông hiện tại để họ nắm bắt được mục tiêu, nội dung cũng như các kiến thức, kĩ năng cần có để đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục mới.
Hơn nữa, để khắc phục tình trạng chỗ thừa chỗ thiếu, mất cân đối, thiếu hụt đội ngũ giáo viên dạy các môn chuyên biệt hay tích hợp, cần có sự nghiên cứu, đánh giá, dự đoán, dự báo, đề xuất cụ thể nhu cầu, số lượng của từng ngành học, môn học.
Bộ GD-ĐT, các Viện Nghiên cứu giáo dục phải có kế hoạch, phối hợp sát sao với các Sở, Ngành, các nhà trường phổ thông để triển khai việc này, phải góp phần tư vấn, hoạch định chiến lược, chính sách giáo dục trước mắt và lâu dài”, PGS.TS Vũ Công Hảo nhấn mạnh.
Chuyên gia này cũng cho rằng, về chương trình đào tạo và chuẩn đầu ra đối với sinh viên các ngành sư phạm ở các trường đại học và cả chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông các cấp cũng cần thay đổi. Hiện ở nhiều trường có đào tạo các ngành sư phạm chương trình đào tạo và chuẩn đầu ra đã, đang vênh lệch. Đó là chưa nói đến việc phải gắn kết, tương ứng với chuẩn nghề nghiệp của sinh viên sư phạm khi ra trường.
Nội dung, chương trình đào tạo trong các trường đại học, cao đẳng hiện nay, dù đã thực hiện theo học chế tín chỉ, đã được tái cấu trúc, nhưng vẫn khiến sinh viên nói chung, sinh viên sư phạm nói riêng bị áp lực phải đạt chuẩn kiến thức hơn là được dạy, được học cách để dạy được, dạy tốt, dù đây mới là yếu tố cơ bản, quyết định nghề nghiệp, công việc tương lai.
“Ở trong trường, họ được học và thiết kế bài giảng theo phương pháp mới, biết ứng dụng, sử dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ giảng dạy, nhưng tại sao khi ra dạy, nhiều giáo sinh, giáo viên vẫn không đáp ứng chất lượng, hiệu quả giờ dạy. Câu trả lời thật giản đơn, chương trình mới, phương pháp mới chỉ phù hợp với đối tượng mới, với chủ thể mới đã được làm quen và đã có sự chuẩn bị tiếp nhận, do vậy, thầy phát vấn mà học trò không giơ phát biểu, không trả lời được thì lúng túng, bị cháy giáo án là hiển nhiên.
Sử dụng các phương pháp dạy học truyền thống thì không đúng quy định, mà dạy theo các phương pháp mới thì đâu phải học sinh nào cũng có thể nghe. Các giáo sinh thường thiếu kinh nghiệm, không thể biết “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, và thực tế, ngay cả các giáo viên có thâm niên trong nghề đôi khi cũng phải bó tay trước các tình huống sư phạm cụ thể”, PGS.TS Vũ Công Hảo nói.
Xây dựng chuẩn nghề nghiệp với giáo viên cần tính đến tính thực tiễn
Trong việc đào tạo đội ngũ giáo viên đáp ứng chuẩn mới của chương trình, PGS.TS Vũ Công Hảo cho rằng, đáng ra các Trường Đại học Sư phạm, các cơ sở giáo dục có nhiệm vụ đào tạo giáo căn cứ vào mục tiêu, chương trình, nội dung đào tạo hiện tại, phải giữ vai trò chính trong việc xác định, xây dựng, cụ thể hóa hoặc được tư vấn xây dựng bộ chuẩn đánh giá giáo viên phổ thông theo từng cấp học, không phải khi có chuẩn này mới bám sát điều chỉnh chương trình, nội dung đào tạo cho phù hợp.
"Việc xây dựng chuẩn nghề nghiệp là trách nhiệm của các nhà quản lí, nhưng cần tính đến tính thực tiễn và thời điểm ban hành để nó thực sự có hiệu quả. Các nhà quản lí, hoạch định chính sách cũng nên tham khảo, phối hợp, trao đổi và thống nhất với các cơ sở đào tạo để mỗi tiêu chí hay tiêu chuẩn đưa ra phải cụ thể, xác thực.
Nên chăng, để từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, hướng tới sự đạt chuẩn và đáp ứng việc giảng dạy theo chương trình và SGK mới, bên cạnh những chính sách, chế độ ưu tiên với ngành Giáo dục, công tác tuyển sinh, tổ chức đào tạo ở các trường Đại học Sư phạm, các cơ sở đào tạo giáo viên cũng cần có cơ chế đặc thù, sát hạch, sàng lọc thường xuyên", PGS.TS Vũ Công Hảo kiến nghị.
Tác giả: Nguyễn Trang
Nguồn tin: vov.vn