Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Ai đang sở hữu mỏ Ruby 'vang danh' một thời ở Nghệ An?

Dự án đầu tư khai thác mỏ Ruby – Saphia khu vực Đồi Tỷ - Khe Mét, xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu (Nghệ An) có diện tích khai thác là 4,72 ha, trữ lượng khai thác 229,03 kg đá quý, với công suất khai thác 50 kg đá quý/năm.

 Một góc mỏ Ruby - Shaphia khu vực Đồi Tỷ - Khe Mét, huyện Quỳ Châu (Nghệ An). Ảnh: Văn Dũng


Khu vực Đồi Tỷ - Khe Mét, huyện Quỳ Châu (Nghệ An) được biết đến với trữ lượng đá quý (Ruby - Shaphia) lớn. Khoảng năm 1992, UBND tỉnh Nghệ An đã cấp phép cho doanh nghiệp vào quản lý và khai thác Ruby ở khu vực này. Sau đó, mỏ đá quý được chuyển giao cho Công ty Đá quý và Vàng Nghệ An. Năm 2003, doanh nghiệp này sáp nhập vào CTCP Đá quý và Vàng Hà Nội.

Ngày 27/9/2010, Bộ TN&MT đã có quyết định số 1812/GP-BTNMT cho phép CTCP Đá quý và Vàng Hà Nội khai thác đá bằng phương pháp lộ thiên tại một số khối trữ lượng thuộc Đồi Tỷ - Khe Met, xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An.

Theo đó, dự án Đầu tư khai thác mỏ Ruby – Saphia khu vực Đồi Tỷ - Khe Mét có diện tích khai thác là 4,72 ha, trữ lượng khai thác 229,03 kg đá quý, với công suất khai thác 50 kg đá quý/năm. Thời gian khai thác là 5 năm 7 tháng kể từ ngày ký giấy phép, trong đó thời gian xây dựng cơ bản mỏ là 1 năm.

Tổng vốn đầu tư của dự án lúc đó là 24,444 tỷ đồng, trong đó, vốn chủ sở hữu chiếm 56,45% tổng mức đầu tư của dự án.

 Một góc Đồi Tỷ đã được khai thác. Ảnh: Văn Dũng


Tuy nhiên, sau khi hết thời gian cấp phép, CTCP Đá quý và Vàng Hà Nội vẫn chưa triển khai khai thác. Khi hết hạn khai thác, doanh nghiệp này tiếp tục xin gia hạn thêm. Đến ngày 15/9/2020, Bộ TN&MT tiếp tục có quyết định số 167/GP-BTNMT cho phép CTCP Đá quý và Vàng Hà Nội khai thác bằng phương pháp lộ thiên mỏ Ruby – Saphia này.

Theo đó, diện tích, trữ lượng, công suất khai thác vẫn như quyết định 1812/GP-BTNMT ngày 27/9/2010. Thời gian khai thác vẫn là 5 năm 7 tháng.

Bộ TN&MT giao CTCP Đá quý và Vàng Hà Nội thực hiện nộp các khoản tiền theo quy định hiện hành, đồng thời tiến hành khai thác khoáng sản ruby – saphia theo đúng tiến độ, diện tích, mức sâu, trữ lượng, công suất theo quy định. CTCP Đá quý và Vàng Hà Nội chỉ được tiến hành hoạt động khai thác Ruby – Saphia sau khi đã thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật có liên quan và các quy định tạigiấy phép này…

Một lãnh đạo phòng TN&MT huyện Quỳ Châu (Nghệ An) cho biết, trong giai đoạn từ năm 2010 – 2020, doanh nghiệp không thực hiện khai thác như theo giấy phép. Sau khi được cấp phép lại từ năm 2020, lại vướng 2 năm dịch bệnh nên họ cũng chưa thực hiện được. Đến năm 2023, doanh nghiệp này mới đưa máy móc vào để khai thác trên diện tích đã được cấp phép.

 Một góc xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu (Nghệ An). Ảnh: Văn Dũng


Chủ mỏ là ai?

Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, CTCP Đá quý và Vàng Hà Nội được thành lập theo quyết định số 2720/QĐ-BCN ngày 25/8/2005 của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương). Doanh nghiệp này có trụ sở tại số 91 phố Đinh Tiên Hoàng, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Tiền thân của CTCP Đá quý và Vàng Hà Nội là Công ty Đá quý và Vàng Hà Nội, là doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Tổng Công ty Đá quý và Vàng Việt Nam (cũ), được thành lập theo quyết định số 1942/QĐ - TCCB ngày 15/7/1996 của Bộ Công nghiệp nặng. Đầu năm 2003 khi tổ chức sắp xếp lại Tổng Công ty Đá quý và Vàng Việt Nam, Bộ Công nghiệp đã có quyết định số 44/QĐ - BCN sáp nhập 4 đơn vị thuộc Tổng Công ty là: Công ty Đá quý và Vàng Nghệ An; Công ty Khảo sát – Thăm dò mỏ; Trung tâm nghiên cứu Kiểm định Đá quý và Vàng; Trung tâm HGJC vào Công ty Đá quý và Vàng Hà Nội.

Đây là những đơn vị của Tổng Công ty Đá quý và Vàng Việt Nam đã thực hiện công tác khảo sát địa chất, thăm dò và khai thác khoáng sản trên nhiều vùng lãnh thổ khác nhau của đất nước, thuộc các tỉnh: Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Tuyên Quang, Hà Giang, Bắc Cạn, Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Nam, Phú Yên, Lâm Đồng, Đắc Lắc…

Năm 2005, Công ty này chuyển cổ phần hoá theo quyết định số 2720/QĐ - BCN ngày 25/8/2005 của Bộ Công nghiệp và trở thành công ty Cổ phần Đá quý và Vàng Hà Nội.

Tại ngày 11/4/2023, doanh nghiệp này do bà Trần Thị Thanh Bình (SN 1985 - ở Hà Nội) làm người đại diện theo pháp luật kiêm Giám đốc Công ty. Bà Trần Thị Thanh Bình cũng là Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc của CTCP Hồng Hà Việt Nam (UPCoM: PHH).

CTCP Hồng Hà Việt Nam tiền thân là Công ty Xây dựng Hồng Hà được thành lập vào ngày 29/11/1993. Năm 2005, Công ty chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần với vốn điều lệ ban đầu là 6 tỷ đồng. Công ty hoạt động chính trong các lĩnh vực Xây dựng các công trình dân dụng công nghiệp, hạ tầng kỹ thuật, giao thông, thuỷ lợi…

Hồng Hà Việt Nam có công ty con là CTCP Hồng Hà Hà Nội và hai công ty liên doanh liên kết là CTCP Sông Đáy – Hồng Hà Dầu khí; CTCP Tứ Hiệp Hồng Hà Dầu khí.

Theo BCTC Hợp nhất quý IV/2023, trong 4 tháng cuối năm, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của Hồng Hà Việt Nam đạt hơn 2,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 2,1 tỷ đồng. Luỹ kế từ đầu năm đến hết quý IV/2023, doanh thu của Hồng Hà Việt Nam đạt mức hơn 5,04 tỷ đồng, lãi ròng hơn 49,7 triệu đồng.

Trong giai đoạn 2019 – 2022, doanh thu của Hồng Hà Việt Nam giảm mạnh, khi năm 2019 đạt 576 tỷ đồng, giảm xuống 507 tỷ đồng vào năm 2020 trước khi giảm mạnh xuống 173 tỷ đồng năm 2021 và 20 tỷ đồng năm 2022. Lợi nhuận sau thuế (công ty mẹ) cũng tỷ lệ thuận với doanh thu, khi đạt 17 tỷ đồng vào năm 2019, 31 tỷ đồng vào năm 2020, trước khi báo lỗ 2 tỷ đồng năm 2021 và lỗ 9 tỷ đồng năm 2022.

Tại ngày 31/12/2023, Hồng Hà Việt Nam có tổng tài sản hơn 454,4 tỷ đồng, trong đó, tài sản ngắn hạn hơn 240,6 tỷ đồng; tài sản dài hạn hơn 213,7 tỷ đồng. Bên kia bảng cân đối kế toán hợp nhất, nợ phải trả của Hồng Hà Việt Nam hơn 227,3 tỷ đồng và hầu hết là nợ ngắn hạn. Vốn chủ sở hữu ở mức 227,08 tỷ đồng, trong đó vốn góp chủ sở hữu 200 tỷ đồng.

Ngoài ra, bà Trần Thị Thanh Bình còn là người đại diện theo pháp luật kiêm Chủ tịch HĐQT CTCP Sông Đáy - Hồng Hà Dầu khí.

Tác giả: Văn Dũng

Nguồn tin: nhadautu.vn