Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Những điều đặc biệt tại Kỳ họp bất thường của Quốc hội

Lần đầu tiên Quốc hội thông qua tới 2 dự án luật, được đánh giá rất quan trọng và phức tạp, tại một kỳ họp bất thường. Cũng thật đặc biệt, khi ngay sau giám sát tối cao, Quốc hội quyết sách cơ chế đặc thù để gỡ khó cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia...

Kỳ họp bất thường đã trở thành hoạt động bình thường của Quốc hội, đúng như lời Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cách đây gần 2 năm, khi gặp mặt, giao nhiệm vụ cho các đại biểu Quốc hội chuyên trách, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Văn phòng Quốc hội.

Điều đó thấy rõ khi tính từ đầu khóa XV đến nay, Quốc hội đã tiến hành 5 kỳ bất thường bên cạnh 6 kỳ họp thường xuyên. Và giống như 4 lần trước, tính chất Kỳ họp bất thường lần thứ 5 (bế mạc sáng 18/1) tiếp tục có những điều đặc biệt, cả về quy trình thủ tục và nội dung quyết sách nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển đất nước.

 Kỳ họp bất thường lần thứ 5 của Quốc hội khóa XV

Lần đầu tiên Quốc hội thông qua tới 2 dự án luật tại một kỳ họp bất thường, bởi trước đó chỉ mới có Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2, diễn ra vào đầu tháng 1/2023. Hơn thế, đây là các dự án luật được đánh giá là rất quan trọng và phức tạp: Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Chính vì tầm ảnh hưởng lớn của hai dự án luật nên quá trình xây dựng, xem xét thông qua của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ cũng rất đặt biệt, trách nhiệm, cẩn trọng, kỹ lưỡng qua nhiều vòng, nhiều bước.

Luật Đất đai (sửa đổi) trở thành dự án luật đầu tiên được trình Quốc hội tới 4 kỳ họp, 2 Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách, 8 phiên họp chính thức của UBTVQH và được chỉnh lý, tiếp thu ý kiến của các cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng chịu sự tác động và trên 12 triệu lượt ý kiến của nhân dân, trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua với 87.63% tổng số đại biểu tán thành.

Như Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh, luật gồm 16 chương và 260 điều, là một trong những nhiệm vụ lập pháp quan trọng hàng đầu của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV theo đúng Hiến pháp năm 2013, đúng chủ trương, đường lối của Đảng, mà trực tiếp là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 18 của Trung ương.

Việc thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp bất thường, cùng với Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua và có hiệu lực đồng thời từ 1/1/2025 đã đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, để nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất; đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công bằng và ổn định xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Tương tự, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được xem xét thông qua theo quy trình tới 3 kỳ họp, thay vì 2 kỳ họp như dự kiến ban đầu. Các cơ quan đã nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo bảo đảm bám sát yêu cầu cơ cấu lại, nâng cao năng lực, hiệu quả của hệ thống tổ chức tín dụng theo đúng chủ trương của Đảng, nghị quyết của Quốc hội.

Đây là dự án luật có nhiều nội dung chuyên sâu, có tác động trực tiếp đến chính sách tài chính, tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô. Việc Quốc hội thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) với 91.28% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành, được kỳ vọng góp phần bảo đảm sự an toàn, lành mạnh, minh bạch, ổn định và bền vững của hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng, phát triển theo đúng nguyên tắc thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và thông lệ, chuẩn mực quốc tế phổ biến, nâng cao khả năng cạnh tranh, tiếp tục phát huy vai trò là kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế.

 Đại biểu Quốc hội ấn nút biểu quyết tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5

Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, theo thủ tục trình tự, rút gọn tại 1 kỳ họp. Cụ thể, Quốc hội cho phép áp dụng 8 cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là thí điểm phân cấp triệt để cho cấp huyện (mỗi tỉnh thành lựa chọn 2 huyện) thực hiện. Điều này được đại biểu Quốc hội đánh giá là cơ chế rất thoáng, rõ thẩm quyền và chắc chắn sẽ thúc đẩy giải ngân nhanh hơn, hiệu quả hơn thời gian tới.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đây là bước tiếp nối kết quả giám sát tối cao về chuyên đề này của Quốc hội tại kỳ họp trước, khẳng định tinh thần trách nhiệm, đi đến cùng vấn đề giám sát, qua đó, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm thực hiện hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia có ý nghĩa hết sức quan trọng về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Ngoài ra, tại kỳ họp, Quốc hội xem xét, quyết định các vấn đề về tài chính, ngân sách, cho phép phân bổ, sử dụng gần 64.000 tỷ đồng cho các nhiệm vụ, dự án thuộc 5 lĩnh vực: quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước, khoa học công nghệ và giao thông, trong đó dành gần 58.000 tỷ đồng cho 32 dự án giao thông trọng điểm.

Cùng với các dự án quan trọng quốc gia đã được Quốc hội quyết định đầu tư từ đầu nhiệm kỳ và Nghị quyết thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua, những vấn đề tài chính, ngân sách được Quốc hội quyết định tại Kỳ họp này là tiền đề quan trọng để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án, công trình trọng điểm, thúc đẩy phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là hệ thống đường cao tốc, đường ven biển, cảng hàng không, các dự án liên kết vùng, góp phần hoàn thành mục tiêu có hơn 3.000 km đường bộ cao tốc vào năm 2025.

 Đại biểu Quốc hội thảo luận hội trường tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5

Chỉ với 3,5 ngày làm việc trong thời điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn đã cận kề, song các quyết sách của Quốc hội không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm 2024 và cả nhiệm kỳ mà còn có ý nghĩa căn cơ, chiến lược, lâu dài.

Trên tinh thần “lập pháp chủ động, giám sát hiệu quả, quyết sách kịp thời, bứt phá phát triển”, Quốc hội khóa XV tiếp tục thể hiện thông điệp nỗ lực đổi mới, hành động quyết liệt vì lợi ích của nhân dân, góp phần đáp ứng mục tiêu vì sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước.

Tác giả: Nam Sơn

Nguồn tin: vov.vn