Lần đầu tiên Nhật Bản tuyên án tử hình người gây án ở thời còn là vị thành niên
- 05:34 19-01-2024
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Phiên tòa xét xử Yuki Endo diễn ra hôm 18/1. |
Theo Japan Times, tòa án thành phố Kofu, tỉnh Yamanashi hôm 18/1 tuyên án tử hình Yuki Endo, 21 tuổi vì tội giết người.
Tháng 10/2021, Endo khi đó 19 tuổi, mang mã tấu tới nhà bạn học mà mình thầm thương, đâm chết bố mẹ và đâm bị thương em gái của bạn. Trước khi rời đi, Endo còn phóng hỏa đốt nhà.
Riêng cô con gái lớn của gia đình là bạn học với Endo không bị thương. Endo sau đó đến đồn cảnh sát tự thú, viết một lá thư nói hận bạn học vì bị từ chối tình cảm.
Vấn đề được tranh luận trong phiên tòa là tình trạng tinh thần của Endo và liệu thanh niên này có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không.
Trong phiên tòa tại thành phố Kofu, các công tố viên đề nghị mức án tử hình, nói bị cáo phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về hành vi phạm tội được “tính toán kỹ lưỡng nhằm làm tổn thương bạn học”.
Các luật sư bào chữa cho rằng, Endo không phải chịu trách nhiệm hình sự vì gây án ở độ tuổi vị thành niên. Endo cũng được cho là bị thiểu năng trí tuệ vào thời điểm đó.
Chủ tọa phiên tòa Jun Mikami cho rằng, bị cáo có “đủ khả năng chịu trách nhiệm về hành vi tội ác” và “tuổi tác của bị cáo không phải là lý do để có thể tránh án tử hình”.
Endo gật đầu khi tòa án tuyên án. Bị cáo đặt tay lên mặt khi thẩm phán nói vào cuối phiên tòa rằng "đừng buông xuôi". Kết thúc phiên tòa, Endo vẫn ngồi yên tại chỗ và nhìn thẫn thờ về phía trước, theo Japan Times.
Đây là lần đầu tiên Nhật Bản tuyên án tử hình người gây án ở độ tuổi vị thành niên kể từ khi luật vị thành niên sửa đổi được áp dụng.
Năm 2022, Nhật Bản chính thức sửa luật, hạ độ tuổi của người trưởng thành từ 20 xuống 18. Việc sửa đổi được thực hiện nhằm làm áp đặt hình phạt nghiêm khắc hơn đối với người phạm tội nghiêm trọng ở độ tuổi 18 và 19.
Theo Japan Times, quy định về thủ tục xét xử đối với những cá nhân phạm tội ở độ tuổi 18 hoặc 19 trước thời điểm sửa luật cũng được quy định rõ. Cụ thể, những người này được xét xử như người trưởng thành, đặc biệt trong các vụ án nghiêm trọng như cưỡng hiếp và giết người.
Bộ luật sửa đổi cũng cho phép truyền thông công bố danh tính của bị cáo ở độ tuổi 18 và 19 sau khi bị truy tố. Trước đó, truyền thông Nhật bị cấm đưa tên tuổi, nghề nghiệp, nơi cư trú, đặc điểm ngoại hình hoặc đăng ảnh người phạm tội dưới 20 tuổi.
Tác giả: Đăng Nguyễn
Nguồn tin: nguoiduatin.vn