Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


'Lò xay' huấn luyện viên rực lửa ở V-League

Chỉ qua tuần đầu năm 2024, đã có đến 3 đội bóng V-League 'thay tướng'. Tính từ đầu giải đấu đến nay, số HLV mất việc đã lập kỷ lục.

 Huấn luyện viên Kiatisak. Ảnh: INT

Điều đó cho thấy sân chơi chuyên nghiệp Việt Nam vẫn cứ là “miền đất dữ”, kể cả với thầy ngoại.

3 tháng 8 người mất việc

Đến nay, V-League 2023 - 2024 chính thức khởi tranh được 3 tháng và cuộc đua ở 2 đầu bảng đã có sự định hình, phản ánh khá rõ năng lực cũng như tham vọng của từng đội bóng. Vậy nên, việc các thuyền trưởng phải rời tàu trong cơn bão dữ cũng là điều bình thường ở bất cứ giải đấu nào, đặc biệt trong môi trường đỉnh cao với sức ép thành tích luôn rất khủng khiếp.

Tuy nhiên, người ta lại chưa thể lý giải một cách thấu đáo hiện tượng bất thường, vì sao nhiều đội bóng “thay ngựa giữa dòng” đến thế? Thậm chí có thể coi là kỷ lục lịch sử của bóng đá Việt Nam, hi hữu với bóng đá thế giới.

Ngay khi những tờ lịch đầu tiên của tuần đầu năm mới rơi xuống, 3 câu lạc bộ chính thức thông báo thay đổi huấn luyện viên, gồm: Thể Công Viettel, Hoàng Anh Gia Lai và Công an Hà Nội.

Theo đó, cựu danh thủ Nguyễn Đức Thắng được trao trọng trách dẫn dắt “Cơn lốc đỏ” thay huấn luyện viên người Mỹ Thomas Dooley. Cựu danh thủ Thái Lan Kiatisak từ Hoàng Anh Gia Lai chuyển sang dẫn dắt đội bóng ngành Công an. Sự ra đi của “Zico” Thái buộc đội bóng phố Núi nhanh chóng tìm người thay thế. Nếu không có sự đột biến vào phút cuối, ông Vũ Tiến Thành - Giám đốc kỹ thuật Hoàng Anh Gia Lai sẽ kiêm nhiệm vị trí huấn luyện viên trưởng đội bóng này.

Trước đó, giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đã chứng kiến 5 lượt thay huấn luyện viên, không tính việc thay đổi diễn ra trước mùa giải này.

Khánh Hòa đã thay vị trí thuyền trưởng đến 2 lần. Huấn luyện viên Trần Thiện Hảo thay Võ Đình Tân, sau đó huấn luyện viên Trần Trọng Bình thay ông Trần Thiện Hảo. Thể Công Viettel cũng 2 lần thay đổi vị trí người cầm quân. Huấn luyện viên Thomas Dooley thay Thạch Bảo Khanh, rồi mới đây Nguyễn Đức Thắng thay ông Thomas Dooley.

Công an Hà Nội sau 3 vòng đấu đầu tiên đã “trảm” huấn luyện viên tạm quyền Trần Tiến Đại, đưa ông Gong Oh-kyun (người Hàn Quốc) ngồi ghế nóng. Và đến giờ, ghế của ông thầy người Hàn đã gãy, nhường chỗ cho ông thầy người Thái Kiatisak.

Với đội TPHCM, họ đã chia tay huấn luyện viên Vũ Tiến Thành sau 3 trận mùa này, và đưa Phùng Thanh Phương lên thay. Với một giải đấu có 14 câu lạc bộ tham dự như V-League, tỉ lệ này là rất cao theo kiểu không thể tin nổi!

 Huấn luyện viên Gong Oh-kyun (bên phải) tại lễ ký hợp đồng có thời hạn 2 năm với Công an Hà Nội. Ảnh: INT.

Ngược dòng thời gian, V-League không ít lần xảy ra hiện tượng biến động lớn ở băng ghế chỉ đạo nhưng không thể đạt được thông số như những gì đang diễn ra mùa này.

Đơn cử như mùa 2021 bị hủy giữa chừng sau 12 vòng đấu vì Covid-19, có 8 lượt huấn luyện viên rời vị trí ở 6 câu lạc bộ. Mùa 2022, với 24 vòng đấu, có 7 huấn luyện viên chia tay 5 câu lạc bộ (riêng đội TPHCM thay 3 lần - tính cả vị trí tạm quyền).

Và gần nhất, mùa giải 2023, với 2 giai đoạn, có 6 lượt và 5 câu lạc bộ thay huấn luyện viên khi mùa giải đang diễn ra.

Ngoài ra, một sự so sánh khác về mốc thời gian để thấy sự khốc liệt trên băng ghế chỉ đạo mùa này. Cùng mốc gần 3 tháng đầu mùa, mùa giải 2021 và 2023 chỉ có 1 lượt huấn luyện viên bị thay. Mùa giải 2022 thậm chí còn không có huấn luyện viên nào rời ghế trong 6 tháng đầu.

Lý do khiến các huấn luyện viên mất việc là rất nhiều. Có thể xuất phát từ thành tích. Đơn cử như huấn luyện viên Gong Oh-kyun được kỳ vọng sẽ giúp Công an Hà Nội đá đẹp, đua vô địch sau khi đội bóng này chia tay ông Trần Tiến Đại. Tuy nhiên, chiến lược gia người Hàn Quốc đã mất việc chỉ sau gần 2 tháng vào việc, cho dù trước đó ký hợp đồng có thời hạn 2 năm.

Nguồn cơn của sự đứt gãy này đến từ phong độ vô cùng tệ hại của đội bóng ngành Công an dưới thời ông thầy người Hàn, 2 hòa và 2 thua sau 4 trận. Trong đó, Công an Hà Nội thua trên sân đội bóng yếu như Khánh Hòa, hay không thể thắng nổi Quảng Nam trên sân nhà.

Cùng với đó, trước khi đến Công an Hà Nội, Kiatisak cùng Hoàng Anh Gia Lai chìm sâu ở vị trí bét bảng xếp hạng. Sau 7 trận, đội bóng phố Núi hòa 2 và thua 5 trận. Nguy cơ xuống hạng với đội quân của bầu Đức lớn hơn bao giờ hết. Chuỗi trận không thắng của thầy trò Kiatisak kéo dài từ mùa trước. Tính tất cả các đấu trường, đội bóng phố Núi 10 trận chưa thắng.

Đáng chú ý, khi ông Thành về nắm chức Giám đốc kỹ thuật Hoàng Anh Gia Lai và cùng Kiatisak chỉ đạo, đội bóng này đã bất ngờ giành chiến thắng ở vòng 8, trước ứng cử viên vô địch là Hà Nội FC. Kết quả này có thể là cái cớ đủ mạnh để lãnh đạo đội bóng phố Núi đi đến quyết định thay máu ban huấn luyện, “Zico” Thái buộc phải ra đi.

 Huấn luyện viên Nguyễn Đức Thắng. Ảnh: INT.

Chưa có dấu hiệu hạ nhiệt

Mặc dù vậy, thành tích chỉ là biểu hiện bên ngoài, bề nổi của tảng băng chìm thuộc về những câu chuyện chỉ có ở bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Số phận của các huấn luyện viên mong manh hơn bao giờ hết bởi sự cạnh tranh gắt gao giữa các đội bóng, đặc biệt là thái độ thiếu kiên nhẫn của các ông chủ, hoặc những quyết định về mặt con người ở vị trí chủ chốt thường được đưa ra một cách cảm tính.

Lãnh đạo một số đội bóng đôi khi thích người này, không ưa người kia, hoặc không tìm hiểu kỹ trước khi ký hợp đồng… dẫn đến tình trạng người đến không phù hợp, thiếu kỹ năng quản lý phòng thay đồ cũng như khả năng tác chiến.

Ngoài ra, với sự hiện diện của các ông chủ doanh nghiệp trong vai trò chủ tịch đội bóng, nhà tài trợ chính… với đòi hỏi rất lớn về thành tích cũng “góp phần” đẩy nhanh số phận các huấn luyện viên đi đến sụp đổ.

Va chạm quan điểm còn là nguyên nhân của những lá đơn từ chức, hoặc bằng cách nào đó các huấn luyện viên phải mất việc.

Chẳng hạn, vào tháng 11/2023, huấn luyện viên Vũ Tiến Thành được câu lạc bộ TPHCM cho nghỉ vì những bất đồng không thể tìm được tiếng nói chung, đặc biệt là vấn đề tài chính, cho dù ông được coi là “công thần” của đội bóng này.

Trước đó, ông Thành nhận lời dẫn dắt đội TPHCM ở giai đoạn cuối V-League 2022, khi đội có nguy cơ rớt hạng. Dưới sự chèo chống của ông, đội trụ hạng thành công và đến V-League 2023, dù gặp nhiều khó khăn, huấn luyện viên Vũ Tiến Thành vẫn đưa đội nhà cập bến an toàn. Mùa này, trước khi ra đi, ông Thành tự tin đặt mục tiêu đưa đội TPHCM vào top 5.

Sự khó lường trên băng ghế chỉ đạo của các đội bóng tham dự V-League năm nay chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Số phận của các ông thầy nhiều khi chịu sự phán xét không công bằng, hoặc mong muốn nào đó mang tính thời tiết từ những “ông chủ”.

Không có gì bảo đảm Kiatisak sẽ đáp ứng được kỳ vọng của lãnh đạo đội bóng ngành Công an, cũng như có thể trụ được đến cuối mùa. Bởi thực tế, gương mặt mà lãnh đạo Công an Hà Nội ưu tiên là huấn luyện viên cá tính Mano Polking, người đã cùng đội tuyển Thái Lan 2 lần đánh bại đội tuyển Việt Nam giai đoạn đỉnh cao dưới thời ông Park Hang Seo ở AFF Cup 2020 và 2022.

“Zico” Thái sau nhiều năm huấn luyện Hoàng Anh Gia Lai đã bộc lộ những hạn chế nhất định, và đó có thể là rào cản thành công tại đội bóng nhiều ngôi sao như Công an Hà Nội.

Ngay cả đội đang dẫn đầu bảng xếp hạng - Nam Định cũng có nhiều động thái cho thấy họ cần một huấn luyện viên trưởng đẳng cấp, đủ bản lĩnh đưa đội bóng vững vàng trong cuộc đua đường trường đến chức vô địch. Không chỉ là khát vọng, sự đầu tư mạnh mẽ của doanh nghiệp đứng sau còn mang đến sức ép khổng lồ bao trùm đội bóng thành Nam.

Đội chủ sân Thiên Trường được cho là đã thương thảo với không ít huấn luyện viên danh tiếng, nhưng đội bóng này vẫn chưa thỏa mãn mong muốn có một huấn luyện viên lớn. Khao khát đó sẽ trở thành động lực đi đến quyết định quyết liệt hơn nếu như thành tích của Nam Định không tốt trong những vòng đấu tới, hoặc kém cỏi ở những vòng đua quyết định.

Nên nhớ vị thế của đội bóng thành Nam là ứng cử viên vô địch, chứ không phải đội bóng hạng trung. Vậy nên, vị trí của huấn luyện viên Vũ Hồng Việt được nhận định sẽ rất nóng cùng nguy cơ mất việc.

Thay tướng đổi vận được coi là cách làm “ăn xổi”, hoặc là quyết định dễ nhất với lãnh đạo nhiều đội bóng. Một số huấn luyện viên phải ra đi, bởi họ có thể trở thành “vật tế thần” cho rất nhiều sai lầm của thượng tầng, sự yếu kém về nhiều mặt của đội nhà hoặc không được trao thực quyền điều hành chuyên môn đội bóng.

Trở lại trường hợp của Kiatisak, rõ ràng Hoàng Anh Gia Lai hiện nay sa sút trầm trọng. Lực lượng đội bóng này mỗi năm mất đi vài ngôi sao và giờ chỉ là tập hợp của những cầu thủ hạng trung, trẻ, hoặc quá thời đỉnh cao. Đó là hệ quả của chiến lược từ lãnh đạo đội bóng phố Núi, chứ không đổ cả lên đầu cựu danh thủ Thái Lan. Nhưng khi cần thì lãnh đạo câu lạc bộ không thể sa thải cả đội bóng, hay nhận trách nhiệm về mình. Thay huấn luyện viên là dễ nhất.

Mùa này, sau sự ra đi của Gong Oh-kyun hay Kiatisak ở Hoàng Anh Gia Lai, cựu danh thủ Vũ Mạnh Hải bình luận, đó là hệ quả của các đội bóng không có chiến lược, kế hoạch trong việc sử dụng thầy ngoại, chứ không đơn thuần nằm ở cầu thủ hay năng lực huấn luyện viên.

Thực tế, vẫn có nhiều huấn luyện viên ngoại thành công. Đơn cử như Thanh Hóa với ông Popov, vô địch Siêu cúp quốc gia 2023. Đó là thành quả của sự thống nhất, tôn trọng công việc ở đội bóng xứ Thanh. Huấn luyện viên được trao quyền, không có tình trạng lãnh đạo o bế, nuông chiều cầu thủ. Còn ông Gong tới Hà Nội với rất nhiều khó khăn, cần có sự ủng hộ và thời gian. Nhưng ông ta không có cả hai thứ ấy.

Hay như ở Khánh Hòa, lãnh đạo đội bóng này không ít lần muốn đưa huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn trở lại quê nhà, giúp đội nhà thoát qua cảnh khó khăn hiện nay.

Ở đội bóng thành phố biển Nha Trang, huấn luyện viên Trần Trọng Bình còn thiếu kinh nghiệm và chỉ là giải pháp tình thế. Ngay cả khi ban huấn luyện đội bóng này được “gia cố” thêm cựu tuyển thủ Lê Tấn Tài thì vẫn không có gì bảo đảm đội bóng này sẽ không thay tướng.

Nếu kết quả những vòng đấu tới không được như mong đợi, Khánh Hòa rơi xuống khu vực nguy hiểm, cái tên Hoàng Anh Tuấn chắc chắn được đặt ra như giải pháp cứu cánh của đội bóng này. Và theo diễn biến xấu, chiếc ghế huấn luyện viên của Trần Trọng Bình từ chỗ lung lay đến gãy không còn bao xa.

Ở nhóm cuối bảng, lãnh đạo đội Hà Tĩnh cũng đang tìm phương án dự phòng cho vị trí huấn luyện viên trưởng Nguyễn Thành Công. Mùa trước, câu lạc bộ Hà Tĩnh thi đấu ấn tượng, lọt vào nhóm đua tranh chức vô địch. Nhưng mùa này, ông Công và các học trò đang mấp mé miệng vực khủng hoảng, đá 8 trận chỉ được 6 điểm, hơn vị trí xuống hạng vỏn vẹn 1 điểm.

Nếu không nhanh chóng tìm ra lối thoát, bứt nhanh khỏi khu vực nguy hiểm, huấn luyện viên Nguyễn Thành Công có thể bị sa thải, nhường chỗ cho người mới. Vị trí thuyền trưởng ở Quảng Nam (Văn Sỹ Sơn), Sông Lam Nghệ An (Phan Như Thuật) cũng đang rất bấp bênh và sức nóng của “lò xay” huấn luyện viên V-League đang đến gần hơn bao giờ hết.

Thể Công Viettel mới có 8 điểm, kém đội đầu bảng 11 điểm. Sức ép nặng nề đặt lên vai tân huấn luyện viên Nguyễn Đức Thắng. Công an Hà Nội luôn kém duyên với thầy ngoại.

Từ khi thăng hạng mùa 2023 cho đến nay, đội bóng này có 5 lượt thay huấn luyện viên, trong đó là 3 huấn luyện viên ngoại, gồm ông Paulo Foiani, Flavio Cruz và Gong Oh-kyun. Một thông số không vui với Kiatisak.

Và cũng nhấn mạnh, vị trí của ông Đinh Thế Nam tại Hà Nội FC chỉ là tạm thời. Chưa bao giờ, nhiều ứng viên vô địch quay cuồng trong vũ điệu thay tướng nhanh, nhiều như hiện nay. Huấn luyện viên V-League hiện là nghề nguy hiểm, khó lường!

Tác giả: Khánh Vy

Nguồn tin: giaoducthoidai.vn