'Ngậm trái đắng' vì gửi tiết kiệm ở tiệm vàng
- 13:05 10-01-2024
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Người dân giữ sổ tiết kiệm chờ tiệm vàng Tám Nhâm trả lại tiền. Ảnh: Phạm Tâm |
Lãi suất tiệm vàng cao hơn ngân hàng
Nhiều ngày qua, hàng chục người dân ở huyện Yên Thành (Nghệ An) mang theo băng rôn tới trước cửa hàng của Doanh nghiệp tư nhân vàng bạc Tám Nhâm (gọi tắt là tiệm vàng Tám Nhâm, đóng tại xã Công Thành, huyện Yên Thành) để đòi tiền gửi tiết kiệm.
Trong đơn kêu cứu gửi cơ quan chức năng, người dân ở nhiều xã thuộc huyện Yên Thành cho biết, từ năm 2017 trở về trước, do tin tưởng vợ chồng ông Nguyễn Vĩnh Tám và bà Đậu Thị Nhàn (chủ tiệm vàng) nên nhiều người đến đây gửi tiền tiết kiệm.
Khi đến thời hạn rút tiền ghi trong “Quỹ tiết kiệm” thì vợ chồng ông Nguyễn Vĩnh Tám tuyên bố vỡ nợ (cuối năm 2016). Thời điểm đó, một số người dân may mắn được chủ tiệm vàng trả lại tiền. Tuy nhiên, từ năm 2017 đến nay, vẫn còn nhiều người không đòi được tiền gốc và lãi, với tổng số tiền gần 10 tỉ đồng.
Cầm trên tay cuốn sổ tiết kiệm, bà Hồ Thị T. (SN 1950, trú tại xã Mỹ Thành, huyện Yên Thành) cho biết, tháng 7/2016, vợ chồng bà gửi 140 triệu đồng vào tiệm vàng Tám Nhâm, kỳ hạn 3 tháng với lãi suất 9,6% năm. Đây là số tiền được vợ chồng bà gom góp từ nhiều năm qua.
“Lúc đó, vợ chồng tôi thấy nhiều người dân trong làng, trong xã đều gửi vào tiệm vàng vì họ in sổ tiết kiệm giống như ngân hàng, lãi suất chênh lệch cao hơn ngân hàng nên rất tin tưởng”, người phụ nữ chia sẻ.
Tháng 10/2016, khi tiệm vàng Tám Nhâm tuyên bố vỡ nợ, bà T. may mắn được trả lại 70 triệu đồng tiền gốc. Cách đây 3 năm, chồng bà T. qua đời, dù đã tuổi cao, nhưng ngày nào bà cũng phải lặn lội cả chục cây số, cầm theo giấy chứng tử của chồng đến tiệm vàng đòi 70 triệu đồng còn lại, nhưng đều không được.
Gặp phải hoàn cảnh tương tự, ông Võ Duy L. (SN 1952, trú tại xã Mỹ Thành) cho biết, vợ chồng ông có 2 người con đi làm ăn ở nước ngoài, gửi tiền về để bố mẹ giữ hộ. Năm 2016, chủ tiệm vàng Tám Nhâm gợi ý ông L. mang tiền đến gửi tiết kiệm với những “lời có cánh” như lãi suất cao, thủ tục đơn giản, rút tiền nhanh chóng.
Vì tin tưởng người họ hàng nên ông L. mang 1 tỉ đồng của con đến gửi rồi nhận về 2 tờ giấy ghi “Quỹ tiết kiệm”. Năm 2017, sau khi tiệm vàng vỡ nợ, ông L. mới nhận lại được một phần tiền, đến nay vẫn còn 690 triệu đồng chưa lấy lại được.
Theo danh sách người gửi tiền tiết kiệm tại tiệm vàng Tám Nhâm, người ít cũng vài chục triệu đồng, người nhiều lên đến gần 700 triệu đồng. Các tờ “Quỹ tiết kiệm” do tiệm vàng phát hành đều được đóng dấu đỏ của doanh nghiệp, kèm theo các thông tin của khách hàng, số tiền gửi, lãi suất, kỳ hạn kèm theo lịch sử giao dịch.
Sổ tiết kiệm của doanh nghiệp Tám Nhâm trao cho người dân sau khi họ gửi tiền. Ảnh: Phạm Tâm |
Doanh nghiệp huy động tiền gửi trái phép?
Liên quan đến những tố cáo của người dân, ông Nguyễn Vĩnh Tám - Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Tám Nhâm cho rằng, bản thân cũng là “nạn nhân” trong vụ việc này.
Theo ông Tám, trước khi bị “vỡ nợ” vợ chồng ông kinh doanh trong nhiều lĩnh vực, tích góp được hàng chục tỉ đồng, năm 2016 mở tiệm vàng. Nhận thấy một số tiệm vàng khác trong vùng cũng in sổ tiết kiệm để huy động vốn từ người dân nên vợ chồng ông Tám cũng làm theo.
Vì lãi suất của tiệm vàng Tám Nhân cao hơn lãi suất của ngân hàng, chênh lệch khoảng 3%/năm nên thu hút được người dân trong vùng đến gửi tiền. Doanh nghiệp cấp cho khách hàng “Quỹ tiết kiệm” với mục đích tăng sự uy tín, chứ không lừa đảo.
“Tháng 10/2016, doanh nghiệp mất khả năng thanh khoản, do nhiều cá nhân và công ty vay tiền của gia đình tôi đầu tư, nhưng bị vỡ nợ hàng chục tỉ đồng. 8 năm qua vợ chồng tôi đã bán tài sản, đất đai lấy tiền hoàn trả gần 23 tỉ đồng cho 196 người từng gửi tiết kiệm”, chủ tiệm vàng nói và cho biết hiện ông vẫn còn nợ hơn 9 tỉ đồng.
Theo ông Tám nhiều năm qua chủ nợ tạo điều kiện để gia đình làm ăn trả dần. Tuy nhiên, gần đây có dự án làm đường, gia đình được đền bù hơn 100 triệu đồng, nhưng nhiều người tung tin là ông nhận được tiền tỉ nên tập trung đòi tiền.
“Nếu người dân thông cảm và hợp tác để tôi đấu tranh đòi nợ thì khoản tiết kiệm hơn 9 tỉ đồng chưa thanh toán, chỉ nửa năm là tôi trả xong”, ông Tám cho hay.
Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An, đối chiếu với giấy phép hoạt động của Doanh nghiệp Tám Nhâm vào năm 2005 cho thấy, doanh nghiệp này không được cấp phép trong hoạt động ngân hàng. Do vậy, việc phát hành sổ tiết kiệm, huy động tiền gửi trong dân là trái phép.
Khoản 2, Điều 8, Luật Các tổ chức tín dụng quy định: Nghiêm cấm cá nhân, tổ chức không phải là tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động ngân hàng, trừ giao dịch ký quỹ, giao dịch mua, bán lại chứng khoán của công ty chứng khoán.
Lãnh đạo xã Công Thành cho biết, việc nợ nần giữa ông Tám và khách hàng kéo dài nhiều năm qua, gần đây nhiều người dân tập trung đông tại tiệm vàng để đòi tiền. Chính quyền địa phương đã cử các lực lượng giám sát, tránh gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự.
Liên quan đến sự việc, Công an huyện Yên Thành đã tiếp nhận đơn tố cáo của nhiều người dân và đang xác minh, phân loại xử lý theo thẩm quyền.
Năm 2018, hàng trăm người dân 2 huyện Yên Thành và Nghi Lộc cũng phải “ngậm trái đắng” khi gửi tiền tiết kiệm tại Doanh nghiệp vàng bạc Phúc Nhiên (xã Bảo Thành, huyện Yên Thành). Sau khi huy động được hàng chục tỉ đồng, doanh nghiệp này tự tuyên bố phá sản và không trả lại tiền cho người dân. Tháng 8/2018, trong thông báo trả lời đơn thư của công dân, Công an huyện Yên Thành cho biết không khởi tố vụ án hình sự. Lý do, chủ tiệm vàng Phúc Nhiên dùng nguồn vốn huy động được cho người khác vay với lãi suất cao hơn. Nhưng vì chưa thu hồi được vốn để trả tiền gốc và lãi cho những người gửi tiền nên không cấu thành tội phạm. |
Tác giả: Phạm Tâm
Nguồn tin: giaoducthoidai.vn