Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Bi kịch bóng đá của Đông Triều

Quyết định giải nghệ vừa được công bố đã khép lại sự nghiệp bóng đá của Trần Hữu Đông Triều, một sự nghiệp từng được kỳ vọng cực đại nhưng có đoạn kết khiêm tốn.

Ngày 1/1 vừa qua là một cột mốc mới với Đông Triều. Nhưng đó cũng là một cột mốc buồn với HAGL nói chung và lò đào tạo lừng danh của bầu Đức nói riêng.

12 năm sau chuyến tập huấn lịch sử tới Arsenal, “trưởng nhóm” của chuyến đi năm ấy, một trong 4 viên ngọc của lò HAGL Arsenal JMG, Trần Hữu Đông Triều đã nói lời tạm biệt sự nghiệp bóng đá.

 Đông Triều (thứ hai, từ phải sang) và 3 người đồng đội trong chuyến tập huấn để đời ở Arsenal hồi năm 2013. Ảnh: HAGL.

Không có hào quang

“Tôi quyết định giải nghệ vì nhận thấy cơ hội thi đấu chuyên nghiệp không còn” là chia sẻ của Đông Triều với báo chí trong ngày công khai quyết định chia tay bóng đá. Đông Triều mới 29 tuổi nhưng từ mùa vừa qua, anh đã không còn được chơi ở V.League. 13 trận cho Quảng Nam là thống kê không quá tệ, vẫn đủ để Đông Triều tiếp tục chơi bóng chuyên nghiệp. Nhưng so với tiềm năng ngày xưa, so với kỳ vọng cực đại trong quá khứ, từng ấy là quá ít.

Cầu thủ quê Quảng Nam lần đầu bước ra ánh sáng hồi năm 2012 sau chuyến tập huấn tới Arsenal. Cùng đi với Triều là ba đồng đội Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, những người sau này đều sẽ trở thành ngôi sao của tuyển quốc gia.

Cộng thêm ấn tượng tạo được nhờ U19 Việt Nam, Triều (và ba người đồng đội) lập tức trở thành niềm hy vọng mới của bóng đá Việt Nam. Các thất bại liên tiếp của U19 Việt Nam không làm dịu đi sức hút của họ và chẳng thể ngăn người hâm mộ ngồi chật kín các khán đài mà họ có mặt.

Nhưng thực tại khắc nghiệt sớm đến với họ ngay khi cả lứa được đôn lên ở V.League 2015.

Với riêng Đông Triều, môi trường chuyên nghiệp thậm chí còn là trải nghiệm khốc liệt hơn. Ở một đội bóng đã có Xuân Trường, Tuấn Anh, Đông Triều được chuyển về vai trò trung vệ. Anh phải chơi ở vị trí này từ U19 Việt Nam tới HAGL. Với chiều cao 1,7 m, ngoại hình vừa phải, Đông Triều không tranh chấp nổi với các tiền đạo Nhật Bản, Hàn Quốc hay các ngoại binh cao to tại V.League.

Anh đánh mất vị trí ở U19 và HAGL rất nhanh. Mùa V.League đầu tiên, Triều chỉ đá chính 7 trận và ngồi dự bị trong phần lớn giai đoạn sau của mùa giải.

Những năm sau đó, tình hình không khá hơn với Đông Triều. Trong khi Công Phượng và đồng đội cùng lứa tiến bộ không ngừng, xuất ngoại, lên U23, lên tuyển, thậm chí tỏa sáng với “Thế hệ vàng Thường Châu” thì Đông Triều vẫn mắc kẹt tại HAGL, gần như không có tiến bộ gì trong những năm kế tiếp.

Hết mùa 2018, GĐĐH Nguyễn Tấn Anh hỏi Đông Triều có muốn tới Bình Dương cho mượn. Đắn đo một hồi, tiền vệ này đồng ý. Anh đá chính ở những vòng đầu V.League 2019 nhưng sau đó mất vị trí. Thời điểm Đông Triều tiến bộ trùng với giai đoạn đẹp của bóng đá Việt Nam. Nhiều ngôi sao bước vào độ chin, hàng loạt tài năng trẻ lứa sau tỏa sáng, bước tiến nhỏ của Đông Triều vì thế chìm nghỉm giữa một V.League đang thời đỉnh cao.

2019 cũng là mùa giải cuối cùng Đông Triều còn thực sự được chơi. Ba năm tiếp theo, Triều dành phần lớn thời gian cho băng ghế dự bị trước khi chia tay HAGL vì hết hạn hợp đồng cuối mùa 2022.

Ngày chia tay bóng đá, Đông Triều chỉ đem theo một hành trang thật khiêm tốn với chưa đầy 90 trận cả V.League lẫn Hạng Nhất.

Ở cấp tuyển từ U19 tới đội lớn, cũng không có nhiều điều để nhớ về Đông Triều. Anh chỉ có hai trận đá chính tại các giải lớn, dự bị khi U19 Việt Nam chơi giải đấu quan trọng nhất là U19 châu Á 2014, vắng mặt khi U23 Việt Nam làm nên kỳ tích Thường Châu và đương nhiên không có tên trong các chiến công sau này của tuyển quốc gia.

 Dấu ấn của Đông Triều gần như chỉ gói gọn ở cấp đội U19 hồi năm 2013 và 2014. Ảnh: Minh Chiến.

Vì sao Đông Triều không thể tỏa sáng?

Triết lý đào tạo, cuộc chuyển giao vội vã lên V.League và việc phải thi đấu trái sở trường trong một thời gian dài là ba nguyên nhân quan trọng dẫn tới thất bại của Đông Triều và nhiều cầu thủ HAGL trên con đường bóng đá chuyên nghiệp.

Đây là điều được chính HLV Guillaume Graechen thừa nhận sau này. Hạn chế về thể hình và việc không chú trọng thể lực từ giai đoạn đào tạo khiến cầu thủ HAGL hụt hơi khi lên V.League. Họ cũng không được hỗ trợ từ các đàn anh giàu kinh nghiệm mà phải tự vật lộn sau cuộc thanh lọc đội hình của bầu Đức. Với cá nhân Đông Triều, khó khăn càng lớn hơn vì anh phải đá trung vệ, trực tiếp đối đầu với các ngoại binh.

Chính sách này đã ngay lập tức mang tới hậu quả, buộc HAGL phải mượn Bùi Tiến Dũng ngay từ V.League 2015 và liên tục mua ngoại binh đá trung vệ trong các năm sau này. Chính sách này cũng làm thui chột tài năng và sự tự tin từ những cầu thủ sáng tạo như Đông Triều. Thử thách quá lớn trong giai đoạn đầu sự nghiệp đã làm nhiều cầu thủ HAGL không thể bứt lên. Đông Triều chỉ là trường hợp tiêu biểu.

Quyết định chia tay bóng đá và gia nhập một trường đại học với tư cách HLV bóng đá sẽ mở ra một trang mới cho Đông Triều. Cựu cầu thủ quê Quảng Nam thực ra đã có một cuộc sống ngoài sân cỏ sôi động từ nhiều năm trước. Triều mê tốc độ, thích và đang chơi xe. Anh có một quán đồ Quảng có tiếng, được khách hàng yêu mến. Triều cũng hợp tác kinh doanh với Công Phượng và còn những hoạt động khác.

Ở tuổi 29, Triều cũng đã lập gia đình và làm cha. “Dẫu biết rằng khởi đầu nào cũng gian nan, khó khăn nhưng tôi mong rằng tôi sẽ làm tốt công việc của mình” là chia sẻ giản dị của Đông Triều gửi tới những người yêu mến anh.

Tạm biệt cầu thủ Đông Triều.

Tác giả: Quỳnh Phương

Nguồn tin: znews.vn