Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp phiên thường kỳ tháng 12/2023

Sáng 2/1, Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp phiên thường kỳ tháng 12/2023. Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì phiên họp.

Tham dự phiên họp có các đồng chí: Nguyễn Văn Thông – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí lãnh đạo các Ban Đảng Trung ương; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo các Sở, ban, ngành.

 Quang cảnh phiên họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy tháng 12/2023

Hoàn thành việc sáp nhập các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh trong nhiệm kỳ 2020 -2025

Mở đầu phiên họp sáng nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nghe và cho ý kiến dự thảo Đề án sáp nhập Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An, Trường Cao đẳng Văn hóa – Nghệ thuật Nghệ An và Trường Đại học Kinh tế Nghệ An thành Trường Đại học Nghệ An.

 Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Văn Thành báo cáo dự thảo Đề án

Với tầm nhìn chiến lược về nguồn nhân lực và không gian phát triển đa dạng, cùng với những lợi thế vốn có của tỉnh, Nghệ An có nhiều cơ hội để trở thành trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học của khu vực và cả nước. Việc phát triển một trường đại học đa ngành lớn mạnh là một chỉ số rất quan trọng trong phát triển toàn diện và bền vững, góp phần tạo sức hút về các nguồn lực cho phát triển tỉnh Nghệ An. Vì vậy, việc sáp nhập Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An, Trường Cao đẳng Văn hóa – Nghệ thuật Nghệ An và Trường Đại học Kinh tế Nghệ An thành Trường Đại học Nghệ An là rất cần thiết.

 Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thông, việc thực hiện sáp nhập hệ thống giáo dục trên địa bàn tỉnh cần quan tâm đến mô hình, cung cách hoạt động của nhà trường sau khi sáp nhập; xác định, làm rõ hơn những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện việc sáp nhập

Sau khi sáp nhập các trường sẽ tăng cường tự chủ và trách nhiệm của đơn vị về tổ chức bộ máy, đầu tư, đào tạo theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, phù hợp với quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp. Củng cố và tập trung nguồn lực phát triển các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh theo hướng đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực; cải thiện chất lượng đào tạo và nghiên cứu đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập.

 Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh lưu ý có cần nâng cấp 2 trường cao đẳng hiện tại thành trường Đại học rồi mới sáp nhập hay không vì liên quan đến đội ngũ cán bộ giảng dạy

Đồng thời, tinh giản bộ máy quản lý và nhân sự, tận dụng thế mạnh của các đơn vị tham gia sáp nhập để khai thác tối đa hiệu quả các nguồn lực; góp phần tăng năng lực cạnh tranh, nâng cao hiệu lực hoạt động của cơ sở giáo dục sau sáp nhập, cải thiện vị thế trong bảng xếp hạng các trường đại học trong nước và khu vực. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của toàn hệ thống giáo dục quốc gia. Phát triển cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đạt chuẩn quốc gia theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; phát huy được nội lực để xây dựng trở thành trường đại học trọng điểm, uy tín của Bắc Trung Bộ, Việt Nam và khu vực. Phấn đấu đưa các chuyên ngành đào tạo đạt chất lượng kiểm định của ASEAN.

 Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý phát biểu kết luận nội dung

Phát biểu kết luận nội dung, đồng chí Thái Thanh Quý – Bí thư Tỉnh ủy thống nhất chủ trương sáp nhập Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An, Trường Cao đẳng Văn hóa – Nghệ thuật Nghệ An và Trường Đại học Kinh tế Nghệ An thành Trường Đại học Nghệ An. Việc sáp nhập để các trường mạnh hơn, giải quyết những khó khăn, bất cập đối với những mô hình đang triển khai. Sau khi thực hiện sáp nhập lại Trường Đại học Nghệ An là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh; có chức năng, nhiệm vụ là đào tạo đa ngành, đa nghề, đa lĩnh vực, đa cấp học.

Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu sau khi thực hiện sáp nhập phải cụ thể hóa lộ trình giải quyết về đội ngũ cán bộ quản lý và giảng viên, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để đáp ứng nhu cầu phát triển của nhà trường. Xây dựng lộ trình sắp xếp cơ sở vật chất để sử dụng đất có hiệu quả. Đào tạo bồi dưỡng đội ngũ giảng viên; xây dựng lộ trình hợp nhất chính thức của các trường, cố gắng thực hiện trong nhiệm kỳ 2020 -2025. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện sắp xếp phải đánh giá kỹ những khó khăn để thực hiện, giải quyết.

Chỉ thị số 17 đã được thực hiện nghiêm túc, thường xuyên, liên tục và trở thành nề nếp trong các cơ quan, đơn vị

Tiếp đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nghe và cho ý kiến Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TU ngày 3/12/2013 về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.

Thời gian qua, cấp uỷ, chính quyền các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền, quán triệt sâu rộng Chỉ thị 17-CT/TU, ngày 03/12/2013 về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính gắn với các Chỉ thị, Đề án của Trung ương, của tỉnh về học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; quy định về trách nhiệm nêu gương, thực hành tiết kiệm...; chú trọng công tác giáo dục tư tưởng, chính trị, tinh thần nêu gương cho cán bộ, đảng viên.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên gắn với các quy định nêu gương của Trung ương, của Tỉnh ủy; nhất là trách nhiệm của người đứng đầu với nguyên tắc “trên trước, dưới sau”, “trong trước, ngoài sau” dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ngày càng chuẩn mực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay. Công tác tuyển dụng, sử dụng, quy hoạch gắn với đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức được quan tâm. Kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ cơ bản được chấp hành nghiêm túc.

Các đơn vị, địa phương phát động và xây dựng nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo để nâng cao chất lượng thực thi công vụ như tổ chức diễn đàn đối thoại trực tiếp với người dân, hòm thư góp ý, đường dây nóng, hộp thư thoại trả lời tự động, phiếu thăm dò, đánh giá mức độ hài lòng của người dân trên hệ thống thông tin, quản lý, giao dịch hồ sơ qua hộp thư điện tử, tiếp nhận hồ sơ qua bưu điện... Nhiều cơ quan, đơn vị có nhiều sáng kiến trong duy trì, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, cải cách thủ tục hành chính tại cơ quan, đơn vị, tạo được hiệu ứng và lan tỏa trong rộng rãi cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

Sau 10 năm thực hiện, các nội dung cơ bản của Chỉ thị đã được thực hiện nghiêm túc, thường xuyên, liên tục và trở thành nề nếp trong các cơ quan, đơn vị. Việc thực hiện văn hóa công sở ngày càng được quan tâm; ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức ngày càng được nâng cao... Việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính các cấp được thực hiện qua bộ phận một cửa đảm bảo minh bạch, được người dân, doanh nghiệp đánh giá cao; khắc phục tình trạng quan liêu, sách nhiễu, gây phiền hà trong thực thi công vụ... góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuẩn mực về đạo đức công vụ; từng bước xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra; đưa kinh tế, xã hội của tỉnh phát triển; quốc phòng, an ninh được đảm bảo; xây dựng Đảng bộ ngày càng trong sạch vững mạnh…

Tuy nhiên, công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị 17 ở một số cơ quan, đơn vị có lúc chưa quyết liệt. Một số cơ chế, chính sách còn bất cập, chưa đồng bộ. Thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực chưa tinh gọn, gây phiền hà, sách nhiễu... Công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính tại một số cơ quan, đơn vị chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao. Việc đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin còn hạn chế; vận hành, sử dụng hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính chưa hiệu quả, tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận, giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến còn thấp. Việc ứng dụng công nghệ thông tin chưa triệt để, nhất là việc ứng dụng chữ ký số trong chỉ đạo, điều hành ở cấp xã tỷ lệ chưa cao…

Về nội dung này, Ban thường vụ Tỉnh ủy thống nhất tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 17 trong thời gian tới.

Cũng trong sáng nay, Ban Thường vụ đã nghe và cho ý kiến dự thảo Đề án bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; cho ý kiến về chủ trương tiếp nhận khoản viện trợ Dự án bảo tồn đa dạng sinh học tại Vườn Quốc gia Pù Mát. Nghe kết quả 02 năm thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 19/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, giai đoạn 2021 -2025 và những năm tiếp theo. Nghe và cho ý kiến Tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định số 217- QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội.

Tác giả: PT

Nguồn tin: nghean.gov.vn