Vì sao sinh viên sư phạm chưa nhận được tiền hỗ trợ theo Nghị định 116?
- 08:48 29-12-2023
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Sinh viên “ngóng” phí hỗ trợ
Trong một vài mùa tuyển sinh trở lại đây, sư phạm là một trong những nhóm ngành thu hút lượng lớn thí sinh đăng ký xét tuyển. Nguyên nhân là do tác động của Nghị định 116/2020/NĐ-Cp của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.
Theo Nghị định 116, từ năm 2021, sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ 100% tiền học phí cùng 3,63 triệu đồng/tháng chi phí sinh hoạt.
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 thực hiện tư vấn tuyển sinh. |
Kinh phí này trích từ ngân sách của các địa phương, bộ, ngành, thông qua hình thức đặt hàng với các trường. Số chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm hằng năm do Bộ GDĐT quy định.
Từ quy định của chính sách này, nhiều sinh viên quyết định đăng ký học ngành sư phạm để giảm chi phí cho gia đình. Tuy nhiên trên thực tế, hiện tại, hàng nghìn sinh viên sư phạm vẫn đang bị nợ khoản tiền hỗ trợ này.
Ngô Ngọc Anh – sinh viên năm thứ hai, Khoa Tiếng Anh, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho hay, học kỳ I năm thứ nhất, em được nhận số tiền hỗ trợ là hơn 10,8 triệu đồng/3 tháng. Từ đó cho tới nay, em chưa nhận thêm bất kỳ khoản hỗ trợ nào khác.
“Hàng tháng bố mẹ em vẫn phải gửi cho em tiền sinh hoạt. Em rất mong nhận được khoản tiền hỗ trợ theo đúng quy định để đỡ gánh nặng kinh tế cho gia đình”, Ngọc Anh nói.
Không riêng Ngọc Anh, nhiều sinh viên các trường sư phạm khác như: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Trường Đại học Sư phạm TPHCM cũng rơi vào cảnh tương tự.
Đại diện Trường Đại học Sư phạm 2 cho biết, trường mới nhận được Quyết định bổ sung dự toán và đang làm thủ tục để cố gắng trong tuần tới, sinh viên của trường sẽ nhận được khoản hỗ trợ sinh hoạt phí.
Vướng mắc từ chính sách
Trao đổi với phóng viên, TS Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT), Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhìn nhận, Nghị định 116 là chủ trương đúng đắn nhưng khi triển khai không thực tế, quy trình đặt hàng đào tạo phức tạp nên gây khó khăn cho các cơ sở đào tạo.
Nhiều trường sư phạm cũng cho biết, việc nợ tiền sinh hoạt phí sinh viên xuất phát từ việc đặt hàng đào tạo theo Nghị định 116 từ các địa phương và công tác phân bổ kinh phí còn nhiều vướng mắc. Các địa phương không mặn mà đặt hàng do chính sách này quy định sinh viên sau khi tốt nghiệp phải công tác trong ngành giáo dục, nếu không phải bồi hoàn kinh phí. Trong khi đó, lại không có cơ chế ràng buộc nào giữa sinh viên với địa phương.
Ngoài ra, ngay cả khi sinh viên tốt nghiệp và quay về, các em vẫn phải thi tuyển viên chức theo các quy định của Bộ Nội vụ và chưa chắc trúng tuyển.
Báo cáo mới đây gửi Chính phủ, Bộ GDĐT cho biết, tỉ lệ sinh viên được địa phương đặt hàng, giao nhiệm vụ chỉ chiếm 17,4% so với số sinh viên nhập học và chiếm 24,3% so với tổng số sinh viên đăng ký hưởng chính sách.
Số sinh viên đăng ký hưởng chính sách là 30.807 người, trong khi số lượng các địa phương đặt hàng là 1.928 và giao nhiệm vụ là 5.563. Số địa phương thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng là 23/63 tỉnh, thành.
Như vậy, số sinh viên thuộc diện “đào tạo theo nhu cầu xã hội” và được ngân sách Nhà nước cấp (thông qua Bộ GDĐT) chiếm tỉ lệ 75,7% so với số sinh viên đăng ký hưởng chính sách và 82,6% so với số sinh viên nhập học. Phương thức đặt hàng/giao nhiệm vụ/đấu thầu đào tạo giáo viên không được triển khai theo mức độ, hiệu quả như quan điểm chủ đạo của Nghị định 116.
Hàng năm, Bộ Tài chính chỉ giao khoảng 54% nhu cầu kinh phí cấp cho sinh viên sư phạm của các cơ sở đào tạo giáo viên thuộc Bộ GDĐT. Vì vậy, kinh phí cấp cho sinh viên sư phạm luôn chậm so với kế hoạch đào tạo dẫn đến khó khăn cho cơ sở đào tạo giáo viên và sinh viên sư phạm.
Ngoài ra, Bộ GDĐT cũng cho biết, do sự phát triển không đồng đều, chênh lệch điều kiện nguồn lực, chính sách tài chính giáo dục giữa các địa phương dẫn đến nhiều địa phương khó khăn không đủ kinh phí để triển khai thực hiện đặt hàng/giao nhiệm vụ/đấu thầu đào tạo giáo viên...
Trước khó khăn của sinh viên khi chưa được nhận hỗ trợ sinh hoạt phí, theo GS Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội, trường phải làm công tác tư tưởng, động viên sinh viên để các em chia sẻ với khó khăn chung.
Với sinh viên diện chính sách, đặc biệt khó khăn, trường hỗ trợ trước một phần từ nguồn lực của trường. Dự kiến, trong tuần tới, Bộ GDĐT có thể rót kinh phí hỗ trợ về và trường sẽ sớm chi trả cho sinh viên.
Tác giả: Nguyễn Hoài
Nguồn tin: daidoanket.vn