Thủ tướng: Bộ GTVT hoàn thành tốt nhiệm vụ nhưng không nên lơ là, chủ quan
- 13:24 28-12-2023
- In ra
- Đóng cửa sổ này
"Bên cạnh thành tựu vẫn còn những hạn chế, cần giải quyết nhanh, đồng bộ. Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và các đơn vị liên quan không nên say sưa với thắng lợi, không lơ là chủ quan, luôn nỗ lực cố gắng hơn nữa để khắc phục những tồn tại", Thủ tướng chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 sáng nay của Bộ GTVT.
Trước đó, Thủ tướng ghi nhận việc Bộ GTVT đã hoàn thành khối lượng công việc rất lớn, tiến hành khởi công các tuyến đường vành đai vùng thủ đô Hà Nội, TP.HCM, các tuyến đường bộ cao tốc kết nối khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm của Bộ GTVT. (Ảnh: Báo Giao thông) |
"Năm nay, Bộ GTVT đã khởi công 26 dự án, cuối năm kết thúc 4 dự án góp phần hoàn thành 20 dự án đưa vào khai thác, sử dụng. Nhớ lại hồi tháng 4/2023, khi đi kiểm tra cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, lúc đầu kế hoạch chỉ có 2 làn, sau quyết tâm nâng lên 4 làn nhưng vẫn phải giữ đúng tiến độ", Thủ tướng nói.
Thủ tướng đánh giá cao tinh thần bám sát thực tiễn, xử lý ngay và luôn những vướng mắc, kịp thời đúng lúc đúng thời điểm của Bộ GTVT khi đã hoàn thành và đưa vào khánh thành tuyến cao tốc này vào cuối năm 2023.
Hướng đến năm 2024, Thủ tướng lưu ý cần lấy đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ là động lực, nguồn lực dẫn dắt trong xây dựng khảo sát thiết kế, giám sát, tổ chức thi công các công trình trọng điểm. Từ đó, góp phần đảm bảo tiến độ, chất lượng và chống tiêu cực tham nhũng để phát triển nhanh và bền vững các công trình, dư án giao thông.
"Vướng cấp nào, cấp đó phải tháo gỡ, khó khăn ở đâu ở đó phải giải quyết", Thủ tướng nhấn mạnh.
Cùng với đó phải xây dựng cơ chế chính sách phù hợp, phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh của từng vùng miền, lĩnh vực.
Giữ vững kỷ cương, phân cấp phân quyền, phân bổ nguồn lực, tăng cường giám sát thường xuyên, giảm tất cả thủ tục hành chính phiền hà, sách nhiễu gây tốn kém chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Phải hài hoà lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp nhà nước và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người dân, doanh nghiệp.
Nhấn mạnh quan điểm này, Thủ tướng chỉ đạo sau khi di dời người dân để thực hiện các công trình, cần phải quan tâm đảm bảo quyền lợi việc làm, nơi ăn ở cho người dân sao cho hài hoà nhất.
Ngoài ra, cần chú ý một số dự án như ưu tiên nguồn lực cho dự án trọng điểm cảng hàng không quốc tế Long Thành, tập trung kiểm soát tiến độ, nâng cao chất lượng, chống tiêu cực lãng phí.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho biết, ngay khi bước sang ngày đầu tiên năm 2024 sẽ khởi công dự án PPP Đồng Đăng - Trà Lĩnh, tiếp đó là 2 dự án trọng điểm Gia Nghĩa - Chơn Thành và dự án Ninh Bình - Thái Bình - Nam Định - Hải Phòng.
"Đây là ba dự án rất quan trọng, ba vùng kinh tế khác nhau trong đó có một vùng kinh tế khó khăn, hai vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng Sông Hồng khu vực Hà Nội và Đông Nam Bộ nối với Tây Nguyên", Thủ tướng chỉ rõ.
Trước đó, báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, năm 2023, ngành GTVT đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đã tập trung rà soát, hoàn thiện, nâng cao chất lượng xây dựng thể chế, cơ chế chính sách.
Đặc biệt về đột phá hạ tầng, công tác lập, triển khai quy hoạch thực hiện bài bản, khoa học. Bộ GTVT là một trong các bộ trình sớm nhất và được Thủ tướng phê duyệt 5/5 quy hoạch ngành quốc gia.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại Hội nghị sáng 28/12. (Ảnh: Báo Giao thông) |
Bộ đã khởi công 26 dự án, trong đó rút ngắn thời gian khởi công 6 dự án quan trọng quốc gia 1 năm so với quy trình thủ tục thông thường và lần đầu tiên thực hiện khởi công đồng loạt theo hình thức trực tuyến Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 tại 12 điểm cầu của 12 dự án thành phần; khởi công các dự án đường bộ cao tốc trục Đông - Tây, các tuyến Vành đai đô thị tại Hà Nội, TP.HCM, Khởi công công trình nhà ga Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành, Nhà ga T3 Cảng Hàng không Tân Sơn Nhất....
Đã hoàn thành, đưa vào khai thác 20 dự án, trong đó riêng đường bộ cao tốc với 09 Dự án dài 475km, nâng tổng số chiều dài đường bộ cao tốc đưa vào khai thác trên cả nước lên gần 1.900 km.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại hạn chế như công tác quản lý hoạt động vận tải vẫn còn bất cập; tình trạng xe dù, bến cóc, xe hợp đồng “trá hình” còn diễn ra ở nhiều địa phương. Việc thu hút nguồn vốn xã hội trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông còn hạn chế, chưa đáp ứng được kỳ vọng.
Tác giả: THÀNH LÂM
Nguồn tin: Báo VTC News