Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Học sinh hết bị ám ảnh bài tập về nhà

Làm bài tập về nhà sẽ khiến học sinh không còn nhiều thời gian vui chơi, giải trí theo nhu cầu cá nhân và tiếp nhận thế giới xung quanh

Bà Lâm Hồng Lãm Thúy, Trưởng Phòng Giáo dục tiểu học - Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM, cho rằng bài tập về nhà có thể làm "tổn hại" mối quan hệ giữa con cái với cha mẹ trong quá trình ở nhà. Trong khi đó, đối với học sinh (HS) bậc tiểu học, việc đánh giá thường xuyên của giáo viên (GV) là cực kỳ quan trọng.

Học ở trường đã đủ

Phóng viên: Vì sao TP HCM có chủ trương không giao bài tập về nhà cho HS tiểu học học 2 buổi/ngày? Việc giám sát và chế tài ra sao nếu cơ sở giáo dục thực hiện không đúng?

- Bà LÂM HỒNG LÃM THÚY: Chương trình giáo dục phổ thông 2006 và Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đều chủ trương không giao thêm bài tập về nhà cho HS tiểu học. HS tiểu học đã học ở trường 2 buổi/ngày; GV tổ chức cho HS học, hoàn tất bài tập, thực hành trên lớp, không giao thêm về nhà.

 Bà Lâm Hồng Lãm Thúy, Trưởng Phòng Giáo dục tiểu học - Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM

Thời gian ở nhà, khuyến khích HS tự giác ôn tập bài cũ hoặc chuẩn bị trước bài mới nếu thấy cần. Việc học tập trong ngày đã được GV thực hiện theo kế hoạch dạy học về nội dung và thời lượng, bảo đảm yêu cầu cần đạt của từng môn và hoạt động giáo dục.

Việc giám sát sẽ do cán bộ quản lý nhà trường triển khai và chỉ đạo trong các phiên họp đầu năm, khi bắt đầu thực hiện chương trình, bằng cách kiểm tra, đánh giá các môn học và hoạt động giáo dục của từng khối lớp. GV chủ nhiệm sẽ thông tin với cha mẹ HS để cùng đồng hành với nhà trường và thầy cô.

Nhiều phụ huynh HS tiểu học cho rằng nếu không giao bài tập về nhà, các em sẽ không nhớ bài, không tập trung, khó theo kịp chương trình?

- GV sẽ xây dựng kế hoạch dạy học cá thể hóa đối với HS cần quan tâm, chưa theo kịp chương trình… để giúp các em tiếp thu và lĩnh hội kiến thức, đạt yêu cầu cần có của môn học/hoạt động giáo dục.

Sở GD-ĐT TP HCM khuyến khích GV chủ động đổi mới phương pháp giảng dạy, sử dụng đa dạng các phương pháp, hình thức, kỹ thuật tổ chức hoạt động dạy học. GV tránh bám sát sách giáo khoa và sách GV một cách máy móc, rập khuôn; bảo đảm yêu cầu cần đạt theo quy định khi soạn giảng theo hướng sáng tạo và tích hợp, cập nhật các nội dung giáo dục hiện đại và yếu tố thời sự.

 Học sinh tiểu học được thầy cô hoàn thiện chương trình học tập ở trường, không giao bài tập về nhà. Ảnh: ĐẶNG TRINH

GV cần trang bị kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức được lĩnh hội cho HS; thực hiện dạy học gắn kết giữa lý thuyết với thực hành. GV cũng cần tăng cường hoạt động trải nghiệm, vận dụng kiến thức vào thực tế cuộc sống của HS trong giờ dạy nhằm tạo điều kiện phát triển năng lực, phẩm chất toàn diện, phù hợp năng lực của từng em.

Việc học tập ở nhà và kỹ năng tự học của HS vẫn cần được khuyến khích. HS sẽ tự giác ôn tập lại bài cũ và chuẩn bị bài mới. Các em cũng có thể chuẩn bị phần việc được thầy cô, bạn bè giao nếu có dự án của nhóm hoặc chuẩn bị nhiệm vụ học tập trước khi lên lớp của "lớp học đảo ngược".

Xóa sổ văn mẫu, đề cương

Trước đợt kiểm tra định kỳ hằng năm, Sở GD-ĐT TP HCM yêu cầu các trường không soạn đề cương, bài mẫu cho HS làm; không được buộc HS học thuộc lòng bài mẫu. Những quy định này nhằm mục đích gì?

- Trong các văn bản hướng dẫn nhiệm vụ năm học, hướng dẫn chuyên môn cũng như hướng dẫn kiểm tra định kỳ, Sở GD-ĐT TP HCM đều yêu cầu, nhấn mạnh việc GV phải cho HS hoàn tất bài tập trên lớp, không giao bài về nhà.

Các trường không soạn đề cương, bài mẫu bắt HS học thuộc lòng. Bởi lẽ, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 định hướng dạy học phát triển năng lực, phẩm chất của HS dựa trên việc huy động kiến thức, kinh nghiệm của các em liên quan nội dung bài học.

Bậc tiểu học không còn kỳ thi mà mỗi năm sẽ có 2 đợt kiểm tra vào cuối học kỳ I và cuối học kỳ II. Riêng lớp 4 và lớp 5 thì kiểm tra 4 kỳ/năm đối với môn toán và tiếng Việt.

Việc kiểm tra là để đánh giá mức độ đạt được của HS về phẩm chất, năng lực so với các yêu cầu của mỗi lớp học; ghi nhận và coi trọng sự tiến bộ của mỗi em tại thời điểm nhất định. Kết quả đánh giá sau mỗi học kỳ và cả năm học đối với mỗi HS là kết quả tổng hợp đánh giá quá trình học tập.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 hướng đến việc dạy học nhằm phát huy năng lực và phẩm chất của HS. Vì vậy, thiết kế đề kiểm tra định kỳ phải theo định hướng tiếp cận năng lực của HS. Câu hỏi, bài tập phải yêu cầu HS vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học, đặc biệt chú trọng kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức được lĩnh hội. Hình thức câu hỏi đa dạng, được thiết kế khoa học, tích hợp các nội dung nhằm huy động kiến thức nền và kiến thức mà HS được lĩnh hội trong các môn học, hoạt động giáo dục để giải quyết từng nội dung/vấn đề thực tiễn mà đề kiểm tra nêu ra. Vì vậy, việc học thuộc lòng văn mẫu hay đề cương là không phù hợp, không phát huy năng lực của HS tiểu học.

Hiện nay, việc đánh giá HS tiểu học phụ thuộc khá nhiều vào GV. Theo bà, như vậy liệu có yếu tố cảm tính?

- Hiện nay, để đánh giá HS tiểu học, GV thực hiện theo Thông tư 22/2016 của Bộ GD-ĐT (dành cho lớp 5) và Thông tư 27/2020 (từ lớp 1-4). Đối với bậc tiểu học, việc đánh giá thường xuyên (lời nói, nhận xét ở vở, sản phẩm của HS; thông tin trao đổi với cha mẹ HS bằng các hình thức phù hợp...) được xác định là cực kỳ quan trọng trong vấn đề hình thành phẩm chất, năng lực của các em. Từ đó, GV sẽ kịp thời có biện pháp giúp đỡ, động viên HS trong quá trình học tập, rèn luyện và phát triển năng lực, phẩm chất; có sự hỗ trợ, điều chỉnh kịp thời nhằm thúc đẩy sự tiến bộ của các em theo mục tiêu giáo dục tiểu học.

Ngoài ra, kết quả đánh giá thường xuyên còn được kết hợp từ đánh giá của GV các môn học khác, từ bản thân HS và từ các HS khác trong tổ, trong lớp hoặc từ cha mẹ các em.

Việc đánh giá kết quả học tập của HS được kết hợp cả đánh giá định kỳ và đánh giá thường xuyên. GV căn cứ vào quá trình đánh giá thường xuyên để đánh giá định kỳ về học tập của HS một cách chính xác, công bằng, khách quan đối với từng môn học, hoạt động giáo dục.

Thông tư 22 là cơ sở pháp lý để GV thực hiện việc đánh giá HS, ghi nhận và coi trọng sự tiến bộ/giảm sút của từng em nhưng không so sánh giữa các HS với nhau. GV thực hiện nghiêm túc việc bàn giao kết quả giáo dục cuối năm học, phù hợp với từng nhóm đối tượng, kiên quyết không để HS "ngồi nhầm lớp". Việc khen thưởng HS phải thực chất, đúng quy định; tránh khen thưởng tràn lan, gây bức xúc cho cha mẹ HS và cả dư luận xã hội.

Không để học sinh chán ghét việc học

Theo bà Lâm Hồng Lãm Thúy, HS tiểu học vẫn chưa thể tự giác làm bài tập về nhà mà cần sự nhắc nhở của cha mẹ, người thân. Nếu học cả ngày ở trường rồi về nhà lại tiếp tục học thì có thể khiến các em chán học và mệt mỏi.

"Làm bài tập về nhà sẽ khiến các em không còn nhiều thời gian vui chơi, giải trí theo nhu cầu cá nhân và tiếp nhận thế giới xung quanh qua các kênh truyền thông, tivi; không có thời gian tham gia các hoạt động thể thao, phụ giúp công việc gia đình và sinh hoạt, giao tiếp cùng người thân để thêm gắn kết. Vì vậy, nên để HS chủ động sắp xếp quỹ thời gian ở nhà và có sự giám sát của cha mẹ, người thân. Khi đó, các em sẽ không cảm thấy áp lực và chán ghét việc đến trường đi học" - bà Thúy nhìn nhận.

Tác giả: ĐẶNG TRINH thực hiện

Nguồn tin: Báo Người Lao Động