Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Mòn mỏi chờ tái định cư sau lũ ống

Nhắc tới việc hơn một năm phải đi ở nhờ do nhà cũ bị lũ ống tàn phá song chưa được tái định cư, bà Lô Thị Nhân ở xã Tạ Cà, huyện Kỳ Sơn bật khóc.

Giữa tháng 12, trời rét, mưa rả rích, bà Nhân, 50 tuổi, trú bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ, dùng tấm nylon và bạt cỡ lớn che xung quanh khoảng sân trước căn nhà cấp bốn để bán đồ ăn sáng. Căn nhà rộng hơn 50 m2 thuộc sở hữu của em trai bà Nhân, song đã trở thành nơi cư trú và mưu sinh của bà hơn một năm qua.

Hồi tháng 10/2022, lũ ống đổ về bản Hòa Sơn, kéo sập ngôi nhà gỗ gần 80 m2 của gia đình bà Nhân. Tủ lạnh, tivi, quạt điện, bàn ghế... bị cuốn theo dòng lũ. Nước lũ rút, bà lần mò trong đống đổ nát chỉ còn vài bộ đồ cùng xoong nồi méo mó. Con cái làm ăn xa, bà được em trai út cho mượn nhà cách nơi cũ hơn 300 m để ở, bán đồ ăn sáng mưu sinh qua ngày.

 Bà Nhân khóc khi kể về cảnh phải đi ở nhờ do nhà bị lũ ống tàn phá. Ảnh: Đức Hùng

Trận lũ quét đổ về bản Hòa Sơn, Sơn Hà (xã Tà Cạ) và thị trấn Mường Xén tháng 10/2022 khiến hơn 50 gia đình mất nhà. Chính quyền đã lên kế hoạch chuyển hơn 100 hộ dân trong diện sạt lở đến khu tái định cư, nhưng đến nay mặt bằng và hạ tầng khu này chưa hoàn thành.

Trong lúc mòn mỏi chờ tái định cư, một số gia đình có điều kiện đã chuyển đi nơi khác mua đất làm nhà. "Tôi không có tiền, đành ở nhờ, chờ nhà nước sớm ra quyết sách", bà Nhân nói và cho biết mỗi lúc trời mưa lớn, nước từ suối Huồi Giảng dâng cao, tràn vào nhà, bà rất sợ lũ xuất hiện thì không biết tá túc ở đâu.

[presscloud]https://media.nghean24h.vn/video/2023/12/24/L______ng_t___i_huy___n_K____S__n__th__ng_10_2022.mp4[/presscloud]

Lũ ống tại huyện Kỳ Sơn, tháng 10/2022. Video: Văn Hải

Tương tự, vợ chồng cô giáo Ngũ Thị Bích Ngọc, trú bản Sơn Hà, xã Tà Cạ cũng phải đi thuê nhà trọ tại thị trấn Mường Xén hơn một năm nay. Gia đình cô Ngọc có hai miếng đất cùng căn nhà cấp bốn nằm ven đường, bên cạnh là trại gà khoảng 500 con. Trận lũ quét năm ngoái khiến ngôi nhà chỉ còn trơ móng, đàn gà bị cuốn trôi, thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

Sau thiên tai khoảng một tháng, cán bộ thôn bản đến gặp, bảo cô làm đơn đề xuất đi tái định cư. Tuy nhiên, đến nay gia đình vẫn chưa biết được bố trí đất xây nhà ở đâu và khi nào thì được dời đi. "Sống trong nhà trọ ẩm thấp, con cái ốm đau triền miên. Tôi rất mong được cấp đất tái định cư để dựng nhà ở", cô Ngọc nói.

 Một góc bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ, nơi nhiều người dân đang ở tạm bợ sau lũ ống. Ảnh: Đức Hùng

Ngoài hơn 50 gia đình mất nhà do lũ ống, 6 hộ dân khác ở xã Tà Cạ và thị trấn Mường Xén cũng luôn thấp thỏm lo âu do các vết nứt kéo dài hàng chục mét sau đợt mưa lũ năm ngoái lan đến tận sân, đẩy một số căn nhà trượt về phía chân đồi khoảng 2-4 m, đất bùn nhão tràn vào nhà.

"Nhiều tháng qua, những lúc trời đổ mưa lớn cả gia đình không ngủ được, phải dọn sang nhà kiên cố của hàng xóm ở dưới chân núi, đợi sáng ra tạnh mưa mới dám trở về", ông Moong Văn Oanh, trú xã Tà Cạ, kể. Một số gia đình đã bỏ không các căn nhà nứt toác bên đường lớn để phòng sự cố.

Theo ông Thò Bá Rê, Phó chủ tịch huyện Kỳ Sơn, trong lúc chờ đợi các dự án tái định cư, người dân và chính quyền địa phương chỉ còn cách "vừa ở, vừa canh sạt lở", sẵn sàng di dời khi mưa lớn. Địa bàn hiện có khoảng 600 hộ gặp khó về chỗ ở do sống trong vùng sạt lở, song rất khó tìm quỹ đất tái định cư.

 Nhà dân ở xã Tà Cạ nứt nẻ sau lũ ống hơn một năm trước, người dân đã rời đi nơi khác sống để đảm bảo an toàn. Ảnh: Đức Hùng

Nói về giải pháp, ông Nguyễn Văn Long, Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng cơ bản huyện Kỳ Sơn, cho biết trước mắt chính quyền sẽ triển khai 2 điểm tái định cư cho hơn 100 hộ bị mất nhà bởi lũ ống và sống trong vùng sạt lở nguy hiểm tại bản Cầu Tám (xã Tà Cạ) và phía sau Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện ở thị trấn Mường Xén, trên diện tích 8,6 ha và 3,9 ha.

"Điểm tái định cư tại bản Cầu Tám đến nay chưa thể triển khai do vướng đất rừng tự nhiên, huyện đang trình cấp trên tìm cách tháo gỡ. Với khu đất còn lại, đơn vị đang cho làm hạ tầng, dự kiến sang năm sẽ xong", ông Long nói.

Tác giả: Đức Hùng

Nguồn tin: vnexpress.net