Sau lứa Công Phượng, lò HAGL trứ danh của bầu Đức còn lại gì?
- 16:07 23-12-2023
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nghi ngờ đã xuất hiện ngay từ bài đăng thông báo vị trí mới của ông Vũ Tiến Thành. Trong bài viết có gần 4.000 lượt thích và hơn 300 bình luận, giám đốc mới của HAGL tươi cười rạng rỡ với chiếc áo mang logo... CLB TP.HCM. Hình ảnh tạm bợ ấy đã ngay lập tức trở thành đề tài đàm tiếu trong giới bóng đá Việt.
Ê kíp truyền thông của HAGL liệu có vội vã tới mức không tổ chức nổi một buổi chụp hình cho vị trí giám đốc mới? Nếu không thể chuyên nghiệp từ những điều nhỏ nhất như thế, làm sao có thể không nghi ngờ tương lai của học viện và vị trí giám đốc mới?
Bài đăng cẩu thả thông báo ông Vũ Tiến Thành làm Giám đốc Học viện LPBank HAGL. (Ảnh: HAGL) |
Mất tên gọi, mất kiến trúc sư trưởng
Nghi ngờ thậm chí còn đến từ tên gọi của học viện: LPBank HAGL. Từ năm 2021, bầu Đức đã kết thúc hợp tác với Học viện JMG toàn cầu và buộc phải đổi tên học viện thành HAGL. Cùng với đó, lò đào tạo phố núi cũng phải chia tay HLV Guillaume Graechen, kiến trúc sư trưởng của dự án, người đã trực tiếp phát hiện và đào tạo lứa thần đồng Công Phượng năm xưa.
So với “Thầy Giôm”, năng lực đào tạo trẻ của ông Vũ Tiến Thành thực sự là dấu hỏi.
Cựu thuyền trưởng CLB TP.HCM không thiếu năng lực, có bằng HLV hạng A và đã tốt nghiệp thạc sỹ thể thao tại Mỹ. Ông luôn tỏ ra mát tay khi dẫn dắt các CLB chuyên nghiệp nhưng chưa từng được biết tới là một chuyên gia về đào tạo trẻ.
Hai thời kỳ ở CLB Sài Gòn và TP.HCM, các đội bóng của ông Thành đều bị VFF phàn nàn vì thiếu tuyến trẻ. Suốt giai đoạn này, hai CLB mượn người của Trung tâm Thể dục Thể thao Thống Nhất, gắn tên để dự các giải quốc gia. Họ không đầu tư cho đào tạo trẻ và không hề có tuyến trẻ riêng.
Tới khi về PVF làm giám đốc, có đủ trong tay mọi điều kiện, ông Thành cũng chẳng tạo nên khác biệt. Tính riêng ba giải trẻ lớn gồm U17, U19 và U21, PVF chỉ vô địch một giải U17 Quốc gia 2022 (danh hiệu U19 Quốc gia 2021 không có dấu ấn của ông Thành bởi nó tới khi ông vừa nhận chức). Đây là thống kê đáng buồn với PVF bởi họ đã giành hàng loạt chức vô địch trẻ suốt giai đoạn trước. Ngay trước khi ông Thành về, PVF vô địch 3 trong 6 giải trẻ quốc gia hồi năm 2020.
Một học viện mất tên gọi, không còn phương pháp tân tiến, phải chia tay kiến trúc sư trưởng và giờ được giao cho một chuyên gia không có kinh nghiệm làm bóng đá trẻ. Đấy là thực tế của học viện LPBank HAGL.
Sau lứa Công Phượng, Văn Toàn, HAGL không giới thiệu được tên tuổi chất lượng nào. (Ảnh: Minh Chiến) |
Không còn những sản phẩm ưu tú
Thực ra chẳng cần có những sự kiện gần đây, hạn chế của lò HAGL đã được giới chuyên môn chỉ ra từ lâu.
Sau khóa I và khóa II của những Nguyễn Công Phượng, Nguyễn Tuấn Anh, Lương Xuân Trường... HAGL không hề giới thiệu thêm được những cái tên ưu tú. Ngoài nhóm ngôi sao được lên V.League hồi 2015, HAGL chỉ có thêm một số cầu thủ hạng khá như Lê Phạm Thành Long, Triệu Việt Hưng, Châu Ngọc Quang... Không ai trong số này tạo được chỗ đứng chắc chân ở đội tuyển quốc gia, chứ chưa nói trở thành ngôi sao.
Chuyển sang khóa III và IV, chất lượng đào tạo của HAGL càng đi xuống. Trần Bảo Toàn, Đinh Thanh Bình hay Lê Minh Bình đều chỉ đủ sức ngồi dự bị ở V.League. Vài người khác như “siêu nhân" Trần Gia Huy thậm chí còn không đủ sức lên đội một.
Việc quá chú trọng kỹ thuật, không đầu tư thể lực trong thời gian dài là rào cản làm khó cả những ngôi sao hàng đầu như Công Phượng, Xuân Trường. Số ít người (hoặc người cũ) của HAGL trụ lại đội tuyển nếu không khỏe như Vũ Văn Thanh thì phải có tốc độ tốt như Nguyễn Văn Toàn, hoặc xử lý bóng nhanh như Nguyễn Tuấn Anh.
Nguyễn Tuấn Anh - đại diện hiếm hoi của khóa I HAGL-Arsenal-JMG còn trụ lại - phải "gồng gánh" đội hình vừa thiếu vừa yếu của đội bóng phố núi. (Ảnh: VPF) |
Bức tranh đào tạo trẻ trên toàn quốc cũng đã thay đổi rất nhiều so với thời điểm Học viện HAGL Arsenal JMG ra đời hồi năm 2007. Ảnh hưởng từ truyền thông và chất lượng ưu việt trong buổi đầu giúp bầu Đức gần như tạo ra thế độc quyền trong tuyển chọn. Sự thu hút ấy suy giảm ở giai đoạn sau với sự ra đời sau của hàng loạt lò đào tạo mới như CLB Hà Nội, Viettel, PVF hay Nutifood sau này.
Những trường hợp như Nguyễn Quang Hải, Đoàn Văn Hậu là ví dụ khi họ đều từng được HAGL tiếp cận nhưng sau đấy đã chọn CLB Hà Nội. Cơ sở vật chất mơ ước của năm 2007 dần trở thành điều bình thường nhất là so với những tổ chức mới như Viettel hay PVF. Tình hình tài chính khó khăn của tập đoàn mẹ HAGL cũng khiến đầu tư cho bầu Đức xuống đội một và đương nhiên cả đội trẻ bị giảm mạnh.
Kỳ vọng HAGL tạo ra những Công Phượng, Tuấn Anh mới vì thế rất mịt mờ ở thời điểm này kể cả khi đội bóng phố núi có nhà tài trợ mới và bổ nhiệm giám đốc mới.
Tác giả: THANH HÀ
Nguồn tin: Báo VTC News