Người dân miền núi Nghệ An chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại
- 20:24 22-12-2023
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Theo dự báo, đợt rét đậm, rét hại này có khả năng kéo dài đến ngày 25/12/2023. Để chủ động ứng phó với tình hình diễn biến cực đoan của thời tiết, người dân nơi đây đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp linh hoạt, thích ứng nhằm đảm bảo sức khỏe.
Người dân xã Nga My (Tương Dương, Nghệ An) đã nhốt gia súc ở chuồng, không thả rông ở mé rừng để chủ động việc chăn nuôi, chăm sóc. |
Na Ngân là một trong 9 bản của xã miền núi Nga My (huyện Tương Dương), là một trong 4 bản nằm trong vùng đệm của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống. Ba ngày qua, từ sáng sớm đến lúc gần trưa, thung lũng Na Ngân luôn chìm trong sương mù và hơi nước, nền nhiệt giảm sâu, giá buốt, xuống thấp từ 7-9 độ. Vào mỗi sáng, cháu Kha Khánh Yên (học sinh lớp 5, điểm Trường Tiểu học Na Ngân, thuộc Trường Tiểu học Nga My, xã Nga My, huyện Tương Dương) phải mặc thêm áo ấm, đi tất, giày, đội mũ, quàng khăn để đảm bảo sức khỏe khi đến trường. Anh Kha Văn Luận, bố của cháu Yên cho biết, vào mùa này, ở thung lũng bản Na Ngân rất lạnh. Trước lúc các cháu đến trường, bố mẹ phải dậy sớm để chuẩn bị trang phục mùa đông, đảm bảo giữ ấm cho cơ thể.
Điểm Trường Tiểu học Na Ngân (nằm giữa đại ngàn Pù Huống, cách trung tâm xã Nga My hơn 22 km) hiện có 45 học sinh thuộc các lớp 1, 2 và 5, đều là con em dân tộc Thái trong bản. Đều đặn từ nhiều ngày qua khi xảy ra rét đậm, rét hại, thầy giáo Vi Anh Tuấn đều dậy sớm hơn mọi ngày để kiểm tra, gia cố lại hệ thống cửa sổ lớp và khóa kín để tránh gió lùa, đảm bảo sức khỏe cho học sinh và giáo viên. Số lượng học sinh trong lớp ít nên thầy Tuấn đã kê lại bàn ghế để các em ngồi gần nhau hơn giúp giữ nhiệt độ trong lớp được ấm áp hơn.
Thầy giáo Vi Anh Tuấn cho biết, thầy cô ở trường luôn nhắc nhở học sinh mặc ấm để bảo vệ sức khỏe. Trong giờ ra chơi, giáo viên chủ nhiệm các lớp cũng quản lý, theo dõi, để các em không ra khỏi khuôn viên trường, đi đến khu vực gần suối Nậm Ngân. Ngoài ra, phụ huynh đã hỗ trợ nguồn củi đốt cho nhà trường để khi nền nhiệt giảm sâu sẽ nhóm lửa sưởi ấm cho học sinh trong giờ ra chơi.
Để chủ động ứng phó với thời tiết rét đậm, rét hại, thầy giáo Kha Văn Thông, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nga My (huyện Tương Dương) cho biết, trường chỉ đạo giáo viên các điểm trường đẩy mạnh tuyên truyền đến phụ huynh chuẩn bị đầy đủ quần áo ấm, giày dép, tất, khăn quàng, mũ cho học sinh trong những ngày giá rét. Đối với các em có hoàn cảnh khó khăn, nhà trường sẽ vận động các nhà hảo tâm, các đoàn thiện nguyện hỗ trợ cho trang phục để giữ ấm cơ thể.
Theo thầy giáo Kha Văn Thông, năm học 2023 - 2024, Trường Tiểu học Nga My có hơn 440 học sinh là con em các dân tộc Thái, Khơ Mú, Kinh, Ơ Đu; trong đó, có hơn 110 em thuộc diện bán trú, ăn ở, học tập sinh hoạt tại trường từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần. Đặc thù xa gia đình, xa bố mẹ nên để đảm bảo sức khỏe cho các học sinh bán trú, nhà trường đã tăng cường công tác quản lý; chú trọng về dinh dưỡng, chất lượng bữa ăn; đồng thời kiểm tra, che chắn lại cửa sổ hệ thống phòng học, phòng ở đảm bảo không để gió lùa. Nhà trường phối hợp với phụ huynh chuẩn bị sẵn củi khô để khi thời tiết quá lạnh sẽ tổ chức đốt lửa sưởi ấm cho các em trước khi đi ngủ.
Thời tiết rét đậm, rét hại đã khiến nhiệt độ ở nhiều địa phương miền núi phía Tây Nghệ An như: Con Cuông, Tân Kỳ, Đô Tương, Tương Dương, Kỳ Sơn… xuống rất thấp. Ngành Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã đề nghị các trường thuộc các cấp học chủ động nắm bắt dự báo tình hình thời tiết, khí tượng từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương và Đài Khí tượng thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ để có phương án chống rét kịp thời; trong đó, chú trọng việc che chắn các cửa sổ và các ô cửa để không ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh, giáo viên, đảm bảo cho công tác chuyên môn.
Để chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại, trước đó, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An đã có công văn đề nghị, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố, thị xã, các đơn vị liên quan chỉ đạo triển khai các biện pháp ứng phó. Cụ thể, các địa phương, đơn vị cần theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo để thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền cơ sở, người dân chủ động phòng, tránh rét đậm, rét hại; đồng thời khuyến cáo người dân tuyệt đối không dùng bếp than để sưởi ấm trong phòng kín, tránh xảy ra những sự cố đáng tiếc, gây thiệt hại về người. Các địa phương có phương án đảm bảo an toàn cho học sinh.
Các địa phương, đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi vệ sinh, củng cố chuồng trại, che chắn giữ ấm; tăng cường cảnh báo trên các tuyến đường thường xảy ra sương mù, trơn trượt để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông; tổ chức các đoàn công tác chuyên môn xuống cơ sở để kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, tránh phù hợp, hiệu quả. Các cơ thông tấn báo chí trên địa bàn thường xuyên cập nhật thông tin, diễn biến của rét đậm, rét hại để người dân biết, chủ động phòng tránh.
Tác giả: Xuân Tiến
Nguồn tin: baotintuc.vn