Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Phó Thủ tướng: Báo chí cần phải nâng cao tính cạnh tranh để thu hút công chúng

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhận định báo chí đang phải cạnh tranh với các phương tiện truyền thông khác như mạng xã hội...Do đó, cơ quan báo chí phải nâng cao tính cạnh tranh để thu hút công chúng.

Sáng nay (21/12), tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa dự và chỉ đạo hội nghị; cùng dự có Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và hơn 700 đại biểu là các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, cơ quan chủ quản báo chí hội nhà báo các tỉnh, thành phố; lãnh đạo các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.

 Các đồng chí chủ trì Hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2023. (Ảnh: Trọng Phú)

Báo cáo tại hội nghị cho thấy, năm 2023 công tác thông tin, tuyên truyền trên báo chí về việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị, các vấn đề kinh tế, xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh… được quan tâm, chú trọng, có chiều sâu, tạo sức lan tỏa tích cực.

Thông tin về hoạt động đối ngoại của lãnh đạo cấp cao Đảng và Nhà nước; thông tin về các sự kiện đối ngoại trở thành điểm nổi bật trong bức tranh tuyên truyền tổng thể. Công tác tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch có chuyển biến rõ nét từ tư duy đến nội dung, hình thức, cách thức tuyên truyền. Tuyên truyền về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, đấu tranh với các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, mang lại hiệu quả cao. Tuyên truyền về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam ngang tầm với tuyên truyền phát triển kinh tế theo đúng định hướng, chỉ đạo của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021.

Công tác chỉ đạo, định hướng thông tin, tuyên truyền trên báo chí ngày càng phát huy kết quả tích cực, có nhiều chuyển biến rõ nét trong năm 2023, trong đó, chú trọng lấy tính thuyết phục làm thước đo hiệu quả chỉ đạo, định hướng thông tin. Việc chấn chỉnh, xử lý các hành vi sai phạm trong hoạt động báo chí được triển khai quyết liệt, đồng thời với đó là chú trọng xây dựng cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để hỗ trợ báo chí phát triển lành mạnh, đúng định hướng...

Bà Phạm Thu Hằng, Vụ trưởng Vụ thông tin báo chí, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho rằng, trong bối cảnh phát triển công nghệ 4.0 hiện nay, yêu cầu đặt ra cho các cơ quan báo chí là phải chuyển đổi số mạnh mẽ để bắt nhịp được yêu cầu của công chúng.

"Trong bối cảnh hiện nay chúng ta khó có thể tiếp cận với công chúng nếu đi theo lối mòn. Công chúng thích thông tin, thông điệp ngắn gọn, súc tích đi thẳng vào lòng người; thích hình ảnh clip hơn là các dạng văn bản. Do đó cần hướng hướng tới việc truyền tải thông điệp súc tích, ngắn gọn, kể chuyện về đất nước, con người Việt Nam, bắt xu hướng mạng xã hội để gần hơn với công chúng trong và ngoài nước".

 Bà Phạm Thu Hằng, Vụ trưởng Vụ thông tin báo chí, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Trọng Phú)


Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang biểu dương và đánh giá cao những kết quả, thành tích mà các cơ quan báo chí, người làm báo cả nước đạt được trong năm 2023 trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị nhanh hơn, kịp thời, chia sẻ, sâu sắc hơn. Đối với công tác quản lý báo chí ngày càng chuẩn mực, quyết liệt, mạnh mẽ hơn.

Phó Thủ tướng cho rằng năm 2024 sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ về ChatGPT, công nghệ AI… đã và đang có những ảnh hưởng rất lớn đến người làm báo. Do đó yêu cầu đặt ra cho các cơ quan báo chí phải tiếp tục sắp xếp hoạt động, công tác để đạt được mục tiêu trong năm 2024.

Trong từng đơn vị, công tác tổ chức cần theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hấp dẫn hơn. Trong các hoạt động chuyển đổi số báo chí, người đứng đầu các cơ quan báo chí cần quyết tâm thực hiện mục tiêu này.

Theo Phó Thủ tướng, trong bối cảnh hiện nay báo chí phải cạnh tranh với phương tiện truyền thông khác như mạng xã hội… Các cơ quan báo chí cần phải nâng cao tính cạnh tranh để thu hút công chúng.

 Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Trọng Phú)


"Đội ngũ người làm báo luôn luôn học hỏi để tác phẩm của mình ngày càng hay hơn, hấp dẫn, gần gũi hơn. Điều này sẽ làm cho các nhà báo bản lĩnh hơn, trách nhiệm, tích cực hơn. Đối với cơ quan chủ quản phải sâu sắc, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh về các nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2024. Đó là các cơ quan chỉ đạo, định hướng, quản lý báo chí, các cấp hội nhà báo, đặc biệt là các cơ quan báo chí, người làm báo cần nỗ lực hơn nữa phát huy kết quả, thành tích đã đạt được, quyết tâm khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, giải quyết, xử lý tốt những thách thức trong hoạt động báo chí để đạt được yêu cầu “chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”.

Tập trung đẩy mạnh hoàn thiện thể chế pháp luật về báo chí, trong đó, mục tiêu quan trọng nhất là sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí năm 2016 và hoàn thành Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, phải tạo điều kiện để báo chí phát triển lành mạnh, đúng định hướng.

Tác giả: Thúy Hằng - Trọng Phú

Nguồn tin: Báo VOV