Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Thẩm định Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Chiều 12/12, Hội đồng thẩm định Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã tổ chức hội nghị trực tuyến để góp ý Quy hoạch. Đồng chí Trần Hồng Hà – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng thẩm định chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Chí Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung và các chuyên gia phản biện.

Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có lãnh đạo các Sở, ban, ngành.

 Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Nghệ An

Phát triển vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung phù hợp với quan điểm phát triển của quốc gia đã được xác định trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cả nước giai đoạn 2021-2030, Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09/01/2023 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia; phù hợp với các quy hoạch cấp quốc gia.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là bước cụ thể hóa Quy hoạch tổng thể quốc gia, thể hiện những định hướng lớn và cơ bản của các quy hoạch ngành, quốc gia về tổ chức không gian phát triển; giúp “mở đường” tạo ra các động lực phát triển, tiềm năng phát triển, không gian phát triển mới của quốc gia, của vùng và thể hiện cụ thể trên phạm vi không gian của từng địa phương. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đề nghị các chuyên gia tiếp tục góp ý quy hoạch; cơ quan soạn thảo tiếp thu, hoàn thiện dự thảo quy hoạch để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tại hội nghị, đơn vị tư vấn đã trình bày dự thảo Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Quy hoạch đã phân chia vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung thành 3 tiểu vùng. Trong đó, Tiểu vùng Bắc Trung bộ: Phát triển các ngành công nghiệp lọc hóa dầu, luyện thép, hóa chất, năng lượng tái tạo, vật liệu xây dựng, du lịch, dịch vụ hậu cần biển, hướng tới hình thành các cụm ngành sản phẩm. Xây dựng khu vực ven biển ba tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh trở thành Trung tâm công nghiệp của cả nước và vùng động lực phát triển của Bắc Trung Bộ. Xây dựng thành phố Vinh trở thành Trung tâm kinh tế, văn hóa của tiểu vùng. Tỉnh Thanh Hoá trở thành một cực tăng trưởng ở phía Bắc. Hình thành các chuỗi liên kết phát triển du lịch, phát triển các loại hình du lịch nghỉ dưỡng biển: Đô thị biển Sầm Sơn và khu vực Hải Tiến, Hải Hòa, Cửa Lò, khu du lịch nghỉ dưỡng biển Thiên Cầm,…; phát triển du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm trọng điểm tại Quảng Bình (Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, hang Sơn Đoòng, động Thiên Đường, suối Moọc…). Phát triển du lịch văn hóa - lịch sử với điểm nhấn là Quảng Trị cũng như đường Trường Sơn và hành lang du lịch Đông – Tây.

 Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung chủ trì tại điểm cầu Nghệ An

Tiểu vùng Trung Trung bộ: Phát triển Trung tâm công nghiệp lọc hóa dầu quốc gia, công nghiệp ô tô - phụ trợ ngành cơ khí; phát triển các cảng hàng không, cảng biển và dịch vụ cảng biển, hạ tầng và các trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá. Phát triển cụm liên kết ngành ở khu vực trọng điểm Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế gắn với xây dựng thành trung tâm kinh tế biển tầm quốc tế. Du lịch biển, du lịch sinh thái mang tầm khu vực và quốc tế; Du lịch nghỉ dưỡng, giải trí kết hợp với du lịch di sản, di tích văn hóa, lịch sử biển, đảo ở TP. Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế.

Phát triển du lịch di sản văn hóa thế giới Khu phố cổ Hội An, Khu di tích đền tháp Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam); gắn kết với hệ thống tháp Chăm tại Bình Định, giá trị văn hóa Chăm Pa, Sa Huỳnh, văn hóa của cư dân vùng biển, văn hóa các dân tộc phía Đông dãy Trường Sơn. Phát triển huyện đảo Lý Sơn là trung tâm du lịch biển đảo, trở thành đô thị biển xanh, đảm bảo vững chắc về quốc phòng, an ninh.

Tiểu vùng Nam Bộ: Phát triển công nghiệp cơ khí, lọc hóa dầu, năng lượng tái tạo, năng lượng mới (hydrogen xanh), du lịch biển, dịch vụ cảng biển, hậu cần nghề cá, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. Khánh Hoà là đô thị thông minh, bền vững, bản sắc và kết nối quốc tế; là trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; là một cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế biển của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ. Hình thành khu khoa học công nghệ biển, trung tâm nghiên cứu biển quốc gia. Phát triển Ninh Thuận, Bình Thuận là trung tâm năng lượng tái tạo, năng lượng mới của vùng và cả nước. Phát triển khu căn cứ dịch vụ hậu cần trên biển ở huyện đảo Trường Sa là trung tâm kinh tế biển lưỡng dụng, trung tâm dịch vụ biển trên tuyến đảo xa bờ.

Về hành lang kinh tế gồm có: Hành lang kinh tế Bắc Nam: Lạng Sơn – Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh – Cà Mau, hành lang hỗ trợ là dải ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau. Hành lang kinh tế theo đường Hồ Chí Minh và cao tốc Bắc Nam phía Tây qua địa bàn Tây Nguyên, Đông Nam Bộ. Hành lang kinh tế Đông Tây gồm: Hành lang kinh tế Viên Chăn - Cầu Treo – Vũng Áng; Hành lang Xavanakhet - Lao Bảo – Đông Hà – Đà Nẵng; Hành lang Bờ Y – Pleiku – Quy Nhơn.

Các cực tăng trưởng được xác định là các đô thị trung tâm mang tính chất động lực, bao gồm các thành phố: Đà Nẵng, Thanh Hóa, Vinh, Quy Nhơn, Nha Trang.

Tại hội nghị, các chuyên gia đã đồng tình với nội dung dự thảo Quy hoạch, đồng thời đã góp ý cụ thể các nội dung của Quy hoạch. Các thành viên Hội đồng thẩm định đã biểu quyết thông qua Quy hoạch vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn 2030 trên cơ sở chỉnh sửa một số nội dung của các chuyên gia.

Tác giả: PT

Nguồn tin: nghean.gov.vn