Vụ cô giáo bị học sinh nhốt, ném dép: Cái uy của giáo viên với học sinh đang mất dần?
- 13:07 11-12-2023
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa - Ảnh: GIA HÂN |
Tuổi Trẻ Online đã có cuộc trao đổi với đại biểu NGUYỄN THỊ MAI HOA, phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, xung quanh vụ việc cô giáo ở Tuyên Quang bị học sinh nhốt, ném dép gây xôn xao dư luận vừa qua.
Bà Hoa nói: Bạo lực học đường không mới, nạn nhân là người thầy cũng không phải chưa từng xảy ra. Nhưng vụ việc lần này thực sự nghiêm trọng, cả vì đối tượng, mức độ và cả tính chất.
Dường như nhiệm vụ xây dựng văn hóa học đường vẫn chưa thực sự đi vào cuộc sống nhà trường theo đúng nghĩa, và truyền thống “tôn sư trọng đạo” có nguy cơ đứt gãy.
Trách nhiệm của hiệu trưởng ra sao?
* Qua vụ việc ở Tuyên Quang, dường như cái uy của giáo viên với học sinh đang mất dần đi?
- Sẽ khó chính xác khi căn cứ một vụ việc để dự báo về cái uy của giáo viên đối với học sinh, nhất là khi chúng ta đặt câu chuyện xảy ra tại một trường THCS trong mối tương quan với trên 40.000 cơ sở giáo dục, 23 triệu học sinh, sinh viên và 1,6 triệu giáo viên trên phạm vi cả nước.
Tuy nhiên đây là vụ việc cá biệt, có tính điển hình, buộc chúng ta phải suy nghĩ nhiều về cái uy của nhà giáo trước học sinh. Nếu thực sự ý thức được sự cần thiết phải bảo vệ được cái uy ấy thì cách hành xử của cô giáo đối với học sinh sẽ khác.
Và nếu đã có được, giữ được cái uy ấy, cách kiểm soát tình huống của cô giáo sẽ khác, đồng thời sự quá khích của học trò cũng không bị đẩy lên đỉnh điểm để phá vỡ các chuẩn mực về đạo lý, về văn hóa ứng xử như thế.
Bên cạnh vấn đề cái uy của người thầy, cũng cần đề cập thêm về kỹ năng xử lý tình huống sư phạm, đặc biệt với học trò ở tuổi thích thể hiện, dễ bị kích động, a dua và sẵn sàng “nổi loạn”.
Nếu có được sự bình tĩnh, kỹ năng xử lý tình huống sư phạm linh hoạt, hợp lý, có lẽ mâu thuẫn không bị đẩy lên và để lại hậu quả nặng nề như thế.
Đây là vấn đề đặt ra với các nhà quản lý giáo dục, trường sư phạm và cần được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng để có chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ cho giáo viên đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay.
* Nhiều ý kiến cho rằng trong vụ việc này, dư luận đang nhắc nhiều, đổ lỗi cho học sinh, cho cô giáo, mà quên mất vai trò của ban giám hiệu, lãnh đạo nhà trường?
- Có thể nhìn nhận đây không phải hành vi bột phát, mà là một vụ việc mâu thuẫn giữa cô - trò kéo dài, đã và đang xử lý nên không thể nói là bất ngờ.
Do vậy trong vụ việc này trách nhiệm trước hết thuộc về nhà quản lý cơ sở giáo dục, bao gồm ban giám hiệu nhà trường, và trực tiếp là vai trò người đứng đầu nhà trường.
Bên cạnh thái độ kiên quyết, sự nghiêm minh, cũng rất cần bình tĩnh, thận trọng, xem xét thấu đáo và xử lý một cách nhân văn, vì suy cho cùng, mục tiêu giáo dục mới chính là mục tiêu chúng ta cần hướng tới Bà Nguyễn Thị Mai Hoa |
Đó là trách nhiệm trong công tác quản lý, xây dựng quy chế ứng xử, xây dựng văn hóa học đường; là công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện nội quy, quy chế, bảo đảm thực hiện nghiêm minh kỷ cương kỷ luật, để “thầy ra thầy, trò ra trò, trường ra trường, lớp ra lớp”.
Nếu làm tốt vai trò quản lý, phát hiện và xử lý sớm những sự việc nhỏ có dấu hiệu mâu thuẫn, bất bình, sẽ không để tích tụ thành mâu thuẫn lớn.
Rất đáng tiếc, ban giám hiệu Trường THCS Văn Phú đã không làm được điều đó, để sự việc bị đẩy đi quá xa.
Vì vậy dù rất chia sẻ với hiệu trưởng nhà trường, nhưng việc xác định trách nhiệm đối với người đứng đầu là cần thiết. Đây cũng là bài học lớn cho những nhà quản lý các cơ sở giáo dục.
Vì sao chưa nhắc nhiều đến bạo lực của học sinh với giáo viên?
* Chúng ta nói đến nhiều bạo lực học đường, nhưng dường như mới tập trung bạo lực giữa học sinh với học sinh, mà chưa nhắc nhiều đến bạo lực của học sinh với giáo viên?
- Đúng như vậy. Thực tế những trường hợp bạo lực giữa học sinh với giáo viên chỉ là cá biệt.
Vì đó là hành vi trái với đạo lý, truyền thống, đạo đức xã hội. Thêm vào đó, nếu có hành vi đó cũng chỉ của cá nhân học sinh, mang tính chất bột phát, dừng ở mức thiếu tôn trọng giáo viên như thờ ơ, nói xấu, không hợp tác…
Còn với hành vi bạo lực thể chất, trực diện đối với cô giáo của số đông học sinh như sự việc vừa qua thì quá cá biệt và nghiêm trọng.
Có nhiều vấn đề mà dư luận cũng băn khoăn từ câu chuyện này như sự lúng túng về kỹ năng xử lý tình huống, sự đơn độc và bất lực của giáo viên trong ứng phó với đám đông học sinh đang quá khích…
Tôi nghĩ từ sự việc này, chúng ta phải nhìn nhận, xem xét một cách nghiêm túc mối quan hệ thầy trò trong nhà trường, vấn đề kỹ năng xử lý tình huống sư phạm của nhà giáo.
Phân tích, lý giải những bất cập, nguyên nhân để có giải pháp ngăn chặn bạo lực học đường, nhất là bạo lực đối với người thầy.
* Điều cần làm nhất là gì để chấn chỉnh những câu chuyện buồn trong ngành giáo dục này?
- Hơn hết cần có quan điểm tiếp cận theo hướng kết hợp giữa xây và chống. Phải có thái độ, biện pháp nghiêm minh để răn đe kịp thời, nhưng quan trọng hơn là cần kiên trì xây dựng môi trường lành mạnh, nền tảng đạo đức vững chắc mới giảm thiểu, đẩy lùi được những vụ việc, hành vi như vậy.
Sắp tới dự kiến sẽ xây dựng Luật Nhà giáo, tôi nghĩ cùng với vấn đề đặt ra là cần định danh rõ về nhà giáo, xác định chức trách, nhiệm vụ, tiêu chuẩn rõ ràng.
Rất cần quy định cơ chế bảo vệ nhà giáo, chính là để bảo vệ sự tôn nghiêm trong môi trường giáo dục và đạo lý tôn sư trọng đạo.
Tác giả: THÀNH CHUNG
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ