Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Thanh Hoá và loạt địa phương để hoang công sở sau sáp nhập

Đa số tài sản công sau khi sắp xếp các đơn vị cấp huyện, cấp tỉnh thuộc phạm vi quản lý của UBND tỉnh, hiện đã xử lý được khoảng 90% tài sản công.

Thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị, nhiều địa phương đã thực hiện chủ trương sáp nhập xã, huyện để giảm số lượng đơn vị hành chính. Tuy nhiên, sau sáp nhập, hàng loạt trụ sở cơ quan bị bỏ hoang, gây lãng phí lớn, trong đó có nhiều khu nhà vốn là trụ sở làm việc.

Theo thống kê của UBND tỉnh Thanh Hóa, tính đến ngày 12/10, trên địa bàn tỉnh này còn tổng cộng 923 công sở bỏ hoang, nhà đất công dôi dư. Trong đó, có 47 trụ sở làm việc, 43 trạm y tế, 13 trường học (bao gồm có 9 điểm lẻ), 820 nhà văn hóa thôn, tổ dân phố dôi dư, chưa được bố trí, sử dụng hoặc chuyển đổi mục đích, công năng sử dụng.

 Công sở cũ phường An Hoạch, TP Thanh Hóa đang còn mới, khang trang nhưng đã bỏ không khi phường này sáp nhập với xã Đông Hưng thành phường An Hưng.

Tại Hà Tĩnh, giai đoạn 2019-2020, địa phương này tiến hành sáp nhập và giảm từ 262 xã xuống còn 216 xã. Từ đó có 46 trụ sở xã dôi dư, chưa có phương án sử dụng, nhiều trụ sở vừa được xây, sửa chữa với số tiền hàng tỷ đồng.

Hay tại tỉnh Quảng Ngãi, sau khi thực hiện Nghị quyết số 867của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã thuộc tỉnh Quảng Ngãi, toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của huyện Tây Trà nhập vào huyện Trà Bồng từ ngày 1/4/2020.

Sau sáp nhập, tất cả tài sản của huyện Tây Trà được bàn giao cho huyện Trà Bồng quản lý, gồm hàng chục khu nhà công vụ, với tổng diện tích đất sử dụng hơn 589 nghìn m2, tổng giá trị hơn 516 tỉ đồng; cùng với 12 ô tô, máy móc, trang thiết bị hơn 72 tỷ đồng.

Gần 4 năm sáp nhập các đơn vị hành chính của huyện Tây Trà (cũ) về huyện Trà Bồng, đến nay chỉ có một số trụ sở như: Huyện ủy Tây Trà (cũ), trụ sở của Mặt trận và các hội đoàn thể… được bàn giao cho một đơn vị sử dụng. Số còn lại chỉ chuyển giao trên "giấy tờ", không sử dụng, quản lý nên đã xuống cấp trầm trọng.

Tại tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2019-2021, địa phương này cũng đã tiến hành sáp nhập huyện Hoành Bồ với TP Hạ Long và 9 đơn vị hành chính cấp xã. Số lượng trụ sở các đơn vị cấp xã sau sáp nhập trên địa bàn dôi dư là 9. Trong đó, có một trụ sở mới được xây với kinh phí 2,1 tỷ đồng, 4 trụ sở mới cải tạo với tổng đầu tư 5,1 tỷ đồng.

Mới đây, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc xử lý nhà đất khi sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, xã chậm.

Theo đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên, nhiều trụ sở hành chính bỏ trống, lãng phí, trong khi còn nhiều cơ quan đang sử dụng chung nơi làm việc. Vì vậy, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết thực trạng, nguyên nhân xảy ra tình trạng này và giải pháp căn cơ giải quyết tình trạng trên.

Ở phần trả lời về công tác quản lý tài sản công, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, tài sản công thuộc cấp trung ương do Chính phủ quản lý, cơ quan tham mưu Chính phủ là Bộ Tài chính và các cơ quan trực tiếp quản lý tài sản công là các bộ, ngành. Còn tài sản công của các cơ quan huyện, xã do UBND tỉnh quản lý.

"Đa số tài sản công sau khi sắp xếp các đơn vị cấp huyện, cấp tỉnh thuộc phạm vi quản lý của UBND tỉnh, hiện đã xử lý được khoảng 90% tài sản công, còn 10% với gần 1.000 tài sản công chưa được xử lý; trong đó, có khoảng 500 tài sản công đang bị bỏ không, gây lãng phí", ông Hồ Đức Phớc nói.

Về nguyên nhân gây ra lãng phí tài sản công, Bộ trưởng nêu rõ khi chuyển tài sản công cho các cơ quan, đơn vị ở nhiều địa bàn khác nhau không có nhu cầu. Hơn nữa, khi muốn định giá để bán tài sản công cũng khó khi muốn tìm cơ quan định giá.

Ngoài ra, để chuyển tài sản công sang mục đích khác, những trụ sở này cần phải được phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất và phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất cùng một loạt các thủ tục khác; khi đó, mới chuyển sang đất sản xuất kinh doanh, hay bán cho hộ gia đình cá nhân để ở.

Giữa tháng 9 vừa qua, Bộ Tài chính ban hành hướng dẫn và có văn bản đôn đốc, tới đây sẽ làm việc với các đơn vị liên quan để hướng dẫn thêm, xử lý các tài sản công này, đảm bảo đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả.

Sáp nhập hơn 1.300 xã, huyện trong 3 năm

Giai đoạn 2019-2021, toàn quốc đã sắp xếp 21 đơn vị hành chính cấp huyện, số lượng đơn vị hành chính cấp huyện trong cả nước từ 713 đơn vị giảm xuống còn 705 đơn vị (giảm 8 đơn vị).

Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã góp phần tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị (giảm 3.437 cơ quan ở cấp xã và 429 cơ quan ở cấp huyện), tinh giản biên chế (tính đến 31/12/2022 đã giảm 648/706 (91,8%) cán bộ, công chức cấp huyện; 7.741/9.705 (79,8%) cán bộ, công chức cấp xã), giảm chi ngân sách nhà nước hơn 2.008 tỷ đồng.

Theo Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị, từ năm 2022-2030, trên cơ sở tổng kết việc thực hiện giai đoạn 2019-2021, xác định lộ trình thực hiện để đến năm 2030 cơ bản hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Giai đoạn 2023-2030 được chia thành hai lộ trình thực hiện là 2023-2025 và 2026-2030.

Trong đó, giai đoạn 2023-2025, dự kiến cả nước sẽ sắp xếp khoảng 33 đơn vị hành chính cấp huyện, 1.327 đơn vị hành chính cấp xã. Con số này chưa kể các huyện, xã thuộc diện khuyến khích sắp xếp do địa phương có nhu cầu.



Tác giả: Thiên Tuấn

Nguồn tin: kienthuc.net.vn