Lời xin lỗi muộn màng của cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson
- 15:03 10-12-2023
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 6-12-2023 bắt đầu lấy lời khai trong phiên điều trần công khai về cách ứng phó của chính quyền trong đại dịch Covid-19 |
“Người chết không thể nghe thấy lời xin lỗi”
Ngay khi bắt đầu lên tiếng, cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson đã bị một nhóm gia đình đã mất người thân trong đại dịch Covid-19 chỉ trích.
Hãng tin PA Media của Anh đưa tin, 4 người đã đứng dậy khi vị cựu lãnh đạo bắt đầu nói lời xin lỗi, họ giơ tấm biển ghi: “Người chết không thể nghe thấy lời xin lỗi của ông đâu”. Những người biểu tình sau đó đã bị Chủ tịch phiên điều trần Heather Hallet mời ra ngoài. Một trong số họ, bà Kathryn Butcher (59 tuổi, sống ở Thủ đô London, có em dâu Myrna Saunders 56 tuổi đã chết vì Covid-19 vào tháng 3-2020) giải thích: “Chúng tôi không muốn gây mất trật tự. Chỉ là không muốn nghe lời xin lỗi của ông ấy nên khi ông ấy mở lời, chúng tôi đứng dậy”.
Đáng chú ý, đây là cuộc điều tra mà chính ông Boris Johnson thành lập vào tháng 5-2021. Hơn 200.000 người đã thiệt mạng vì virus SARS-CoV-2 trong đại dịch Covid-19 ở Anh. Đây là một trong những quốc gia có số người chết cao nhất châu Âu và Chính phủ của ông Boris Johnson đã bị chỉ trích rộng rãi vì phản ứng với đại dịch.
“Tôi hiểu cảm xúc của những nạn nhân và gia đình họ, đồng thời tôi vô cùng xin lỗi vì nỗi đau, sự mất mát và đau khổ của những nạn nhân đó” - ông Johnson nói tại phiên điều trần - “Tôi thực sự hy vọng rằng cuộc điều tra này sẽ giúp tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi rất khó mà những nạn nhân trong những gia đình đó đang chờ đợi”.
Mặc dù mở đầu bằng lời xin lỗi, cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson không chỉ ra những sai sót cụ thể mà ông cho rằng bản thân hoặc Chính phủ dưới quyền ông đã mắc phải. “Tôi nghĩ chúng tôi đã cố gắng hết sức vào thời điểm đó, dựa trên những gì đã biết và dựa trên thông tin có sẵn vào thời điểm đó” - ông Johnson nhấn mạnh.
Cơ quan điều tra đã thu thập được chứng cứ cho thấy Chính phủ của cựu Thủ tướng Boris Johnson đã đưa ra những quyết định không đúng đắn trong giai đoạn cam go của một đại dịch Covid-19 mà thế giới chưa từng biết đến. Cuộc điều tra hiện đang xem xét cụ thể về những quyết định của ông Johnson và nhóm cấp cao của ông, tại sao họ lại lựa chọn từng quyết định vào một thời điểm cụ thể. Một trong những bằng chứng phục vụ điều tra là tin nhắn WhatsApp từ điện thoại cá nhân của ông Johnson, nhưng đáng tiếc là chúng không được cung cấp cho cơ quan điều tra vì ông cho biết có vấn đề về kỹ thuật.
Cần nói thêm, thời điểm nước Anh bùng phát dịch, một số cựu Trợ lý cấp cao nhất của ông Johnson và ngay cả cựu Cố vấn trưởng Dominic Cummings đã lớn tiếng chỉ trích phong cách quản lý của ông Johnson, so sánh ông với một “kẻ lạc lõng”. Khi được hỏi liệu ông có nghĩ rằng việc các cố vấn và quan chức chỉ trích Thủ tướng đồng thời hoài nghi về năng lực của nhà lãnh đạo trong thời kỳ đại dịch là bất thường hay không, cựu Thủ tướng trả lời: “Không, tôi nghĩ điều này hoàn toàn nằm trong dự trù”.
Hậu quả chuyển sang… người kế nhiệm
Khi còn đương chức, ông Boris Johnson đã trở thành một trong những Thủ tướng đương nhiệm đầu tiên trên thế giới bị cảnh sát phạt vì vi phạm các quy định về phong tỏa để phòng chống Covid-19 do chính ông đề ra. Vụ bê bối “Partygate”, trong đó các thành viên cấp cao và cả Thủ tướng lúc bấy giờ tham dự các sự kiện vi phạm lệnh phong tỏa, là nguyên nhân chính khiến ông Johnson mất đi sự ủng hộ của Đảng Bảo thủ cầm quyền và chấm dứt thời gian tại vị.
Suốt 2 ngày liên tục phải đối mặt với những lập luận và bằng chứng bất lợi đối với mình, cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson trông có vẻ kiệt sức. Dù cuộc điều tra về đại dịch cuối cùng có kết luận thế nào đi chăng nữa thì ông Johnson cũng “bình an vô sự”. Ông đã “mất ghế” ở Nghị viện Anh, còn các hợp đồng cá nhân, bao gồm cuốn hồi ký với khoản tạm ứng 500.000 bảng Anh và một chuyên mục ông viết cho một tờ báo, không hề ảnh hưởng bởi việc này.
Một bài viết trên tờ Guardian của Anh chỉ ra rằng, thời điểm này, những cảm xúc đau đớn sống lại trong dư luận cũng đồng nghĩa với việc những cảm xúc tiêu cực sẽ dồn nén lên một Chính phủ của Đảng Bảo thủ đang cầm quyền. Ở đó, nhà lãnh đạo cao nhất sẽ trở thành “cột thu lôi” cho sự tức giận và thất vọng của dân chúng đối với di sản của người tiền nhiệm.
Tác giả: Yến Chi
Nguồn tin: anninhthudo.vn