Đi thẳng vào vấn đề, trả lời đúng nội dung chất vấn
- 12:59 07-12-2023
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Các đồng chí Thường trực HĐND tỉnh điều hành phiên chất vấn |
Quang cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường |
Trong phiên họp sáng nay, kỳ họp tiến hành chất vấn 2 nội dung, gồm: "Công tác quản lý, hiệu quả sử dụng đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh và các Tổng đội thanh niên xung phong; thực trạng, nguyên nhân và giải pháp tăng cường hiệu quả quản lý, hiệu quả sử dụng đất trong thời gian tới" đối với Giám đốc các Sở: Tài nguyên và Môi trường, NN&PTNT. “Giải pháp để phát triển du lịch Nghệ An thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đối với Giám đốc Sở Du lịch.
Đặt vấn đề tại phiên chất vấn, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Thanh Quý yêu cầu các đại biểu đặt câu hỏi ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề không mang tính kể lể; nội dung trả lời chất vấn phải đi thẳng vào vấn đề, rõ vào nội dung đại biểu hỏi, không quanh co, lan man.
Chuyển đổi mô hình các nông lâm trường và các Tổng đội TNXP thực chất mới thực hiện việc đổi tên, chưa có sự thay đổi căn bản về cơ chế quản lý
Đại biểu Nguyên Công Văn (đơn vị Nghi Lộc) đặt câu hỏi |
Đại biểu Nguyễn Công Văn (đơn vị Nghi Lộc) nêu vấn đề: Chuyển đổi mô hình các Nông, Lâm trường Quốc doanh và các Tổng đội TNXP thực chất mới thực hiện việc đổi tên, chưa có sự thay đổi căn bản về cơ chế quản lý và quản trị doanh nghiệp; phần lớn đất đai và rừng chưa được rà soát, đo đạc trên thực địa, chưa lập được bản đồ địa chính. Số liệu giữa hồ sơ kỹ thuật và thực địa còn sai lệch, tạo kẽ hở cho việc vi phạm pháp luật và gây khó khăn, phức tạp cho việc quản lý đất đai. Việc giao khoán theo kiểu “Phát canh, thu tô”; cho thuê, cho mượn, lấn chiếm, chồng lấn, tranh chấp, khiếu kiện. Đại biểu đề nghị ông Giám đốc Sở TN&MT cho biết, cần có giải pháp gì để quản lý, sử dụng đất đai, rừng của các Nông, Lâm trường, các Tổng đội TNXP hiện nay, sớm khắc phục những tồn tại như đã nêu trên?
Ông Hoàng Quốc Việt – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đăng đàn trả lời nội dung chất vấn(ảnh Thương Huyền) |
Thừa nhận phản ánh của đại biểu đúng với thực trạng đang diễn ra trên địa bàn tỉnh, theo Giám đốc Sở TN&MT Hoàng Quốc Việt cho biết, đây là vấn đề có tính lịch sử và tồn tại nhiều bất cập. Với những hạn chế, tồn tại đã được chỉ ra, trong thời gian tới, Sở TN&MT sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh thực hiện một số giải pháp để công tác quản lý, sử dụng đất đai, rừng của các Nông, Lâm trường, các Tổng đội TNXP hoạt động hiệu quả hơn. Trong đó, chỉ đạo các Công ty nông lâm nghiệp trực tiếp quản lý và sử dụng đất đai hiệu quả hơn, hạn chế tối đa tình trạng “phát canh thu tô”, khoán trắng; tham mưu UBND tỉnh giao thuê đất đối với các Công ty nông lâm nghiệp và các công ty phải sử dụng hiệu quả để trả tiền thuê đất cho nhà nước.
Sở TN&MT cũng sẽ phối hợp với Cục Thuế tỉnh trên cơ sở phương án đã được phê duyệt sẽ tiến hành thu tiền thuê đất đối với các công ty nông lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đúng quy định; đồng thời phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị liên quan để thanh tra, kiểm tra hoạt động của các Công ty nông lâm nghiệp để nâng cao hiệu quả hoạt động, tránh các trường hợp vi phạm pháp luật như thời gian qua của một số công ty trên địa bàn.
Giám đốc Sở NN&PTNT Phùng Thành Vinh làm rõ nội dung liên quan(ảnh Thương Huyền) |
Liên quan đến nội dung này, Giám đốc Sở NN&PTNT Phùng Thành Vinh cho hay, trước năm 2004 có 37 nông lâm trường, sau sắp xếp hiện còn 11 nông lâm trường, trong đó có 4 công ty nông lâm nghiệp và 7 công ty nông nghiệp. Hiện tại, các công ty đang sử dụng hơn 78.000 ha đất; trong Đề án của Chính phủ phê duyệt còn 2.000 ha đất phải giao. Quá trình chuyển đổi các công ty nông lâm nghiệp cũng đã giải quyết được nợ đọng và chế độ chính sách cho người lao động; công tác quản trị được tốt hơn. Tuy nhiên, vì các công ty hoạt động theo luật doanh nghiệp nên Sở NN&PTNT chỉ quản lý về chuyên môn, các biện pháp lâm sinh và hướng dẫn thực hiện quy hoạch.
Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết thêm: Trên cơ sở phản ánh của báo chí, năm 2019, Sở đã vào cuộc thanh tra, kiểm tra để có hay không tình trạng khoán trắng “phát canh thu tô”. Qua kiểm tra và phát hiện trong nội bộ Công ty thực hiện khoán 5%, khoán bên ngoài công ty 6% và việc khoán này được thực hiện theo quy định của Nghị định 135 và Nghị định 168 của Chính phủ. Nguồn thu từ giao khoán này không phải thu về tự sử dụng mà Công ty dành kinh phí để làm dịch vụ đầu vào đầu ra và hướng dẫn kỹ thuật...
Bí thư Tỉnh đoàn Lê Văn Lương trao đổi nội dung liên quan (ảnh Thương Huyền) |
Về phía trách nhiệm của Tỉnh đoàn, Bí thư Tỉnh đoàn Lê Văn Lương cho biết, từ năm 2006 đến nay, trên địa bàn tỉnh hình thành 12 Tổng đội thanh niên xung phong thuộc Tỉnh đoàn quản lý. Các Tổng đội đang thực hiện quy trình tiến hành giải thể, bàn giao theo phương án của UBND tỉnh. Trong đó, Tổng đội 2 (Thanh Đức, Hạnh Lâm- Thanh Chương) đã hoàn thành phương án; Tổng đội 3 (Châu Đình, Châu Thái, Văn Lợi – Quỳ Hợp) hiện đang thực hiện chuyển giao toàn bộ đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất, đất rừng giao khoán cho các đội viên về cho địa phương quản lý. UBND tỉnh cũng đã có công văn về việc tiến hành trích lục, trích đo để bàn giao đất cho địa phương dự kiến theo lộ trình sẽ hoàn thành trong năm 2024. Tuy nhiên, Bí thư Tỉnh đoàn cho rằng, Tổng đội khi thành lập chỉ dựa vào bản đồ lâm nghiệp để thực hiện cần phải có thời gian, kinh phí và phải có sự phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành liên quan: Tài nguyên và Môi trường, NN&PTNT, Tài chính và nếu các đơn vị không phối hợp thì sẽ rất khó thực hiện.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Thị Hồng Hạnh (đơn vị Đô Lương) về trách nhiệm để xảy ra những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra trong báo cáo, Giám đốc TN&MT Hoàng Quốc Việt cho hay, quản lý sử dụng đất có nguồn gốc nông lâm trường từ trước đến nay có yếu tố lịch sử nên các vướng mắc, khó khăn rất nhiều. Công tác quản lý bộc lộ nhiều hạn chế, như: Tranh chấp, lấn chiếm đất đai; giao khoán sản xuất; tiến độ giao quyền sử dụng đất; một số diện tích đất chưa được tiến hành đo đạc để bàn giao lại cho địa phương.
Đất nông lâm trường quản lý với diện tích rất lớn; trong đó có 11 Ban quản lý rừng phòng hộ và 3 Khu bảo tồn thiên nhiên quản lý hơn 7.000 nghìn ha; 11 công ty nông lâm nghiệp quản lý hơn 76 nghìn ha....
Để xảy ra những tồn tại, hạn chế trên, theo Giám đốc Sở TN&MT thì trách nhiệm thuộc về các công ty nông lâm nghiệp, các Tổng đội, Khu bảo tồn, Ban quản lý rừng được nhà nước giao đất nhưng chưa thực hiện đúng trách nhiệm của chủ sử dụng đất. Trách nhiệm của đơn vị chủ quản chưa thường xuyên thanh tra, kiểm tra hoạt động quản lý sử dụng đất của mình, như: Sở NN&PTNT, Tỉnh đoàn, các địa phương cấp huyện có Tổng đội TNXP.
Ông Hoàng Quốc Việt cũng thẳng thắn thừa nhận: Sở TN&MT với chức trách tham mưu, quản lý giúp UBND tỉnh ở lĩnh vực này nhưng chưa thường xuyên thanh tra, kiểm tra tình hình sử dụng đất của các công ty nông lâm nghiệp, các Tổng đội, các Ban quản lý rừng phòng hộ trên địa bàn.
Và theo ông Việt, trách nhiệm này còn thuộc về các địa phương cấp huyện, cấp xã – nơi có các công ty nông lâm đứng chân trên địa bàn. Theo quy định của Luật đất đai, khi xảy ra sai phạm trên địa bàn, địa phương phải lập biên bản xử lý, trường hợp vượt thẩm quyền thì tham mưu UBND tỉnh để quyết định theo pháp luật.
Giám đốc Sở Tài chính Trịnh Thanh Hải trao đổi nội dung liên quan(ảnh Thương Huyền) |
Trong phiên chất vấn sáng nay, Giám đốc Sở TN&MT cũng đã làm rõ giải pháp đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử đất ở cho các hộ gia đình, cá nhân; Giám đốc Sở Tài chính Trịnh Thanh Hải cũng đã cho biết khả năng cân đối nguồn lực, giải pháp, lộ trình tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí để giải quyết các tồn tại trong việc đo đạc, cắm mốc, giao đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử đất có nguồn gốc từ các nông lâm trường...
Giải pháp phát triển du lịch Nghệ An
Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Mạnh Cường đăng đàn trả lời nội dung chất vấn(ảnh Thương Huyền) |
Cùng với việc chỉ rõ thực trạng, hạn chế, tồn tại, trong phần đăng đàn trả lời chất vấn của mình, Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Mạnh Cường đã đưa ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới để phát triển lĩnh vực du lịch Nghệ An. Trong đó, tập trung tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 hiệu quả với nhiều giải pháp đồng bộ, thống nhất.
Tiếp tục xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng, bốn mùa, sản phẩm du lịch, dịch vụ đẳng cấp quốc tế trên cơ sở thế mạnh của tỉnh và tính bổ trợ kết nối trong sản phẩm du lịch liên tỉnh, liên vùng. Quy hoạch, phát triển một số khu du lịch quốc gia. Cùng với đó, phối hợp với các Sở, ngành tham mưu đầu tư nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng du lịch; đôn đốc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án về du lịch. Thu hút các nhà đầu tư chuyên nghiệp, đầu tư nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh với các dự án tầm cỡ, dịch vụ cao cấp thu hút khách có mức chi tiêu cao, đem lại nguồn thu lớn, tiến tới xây dựng, định vị thương hiệu du lịch Nghệ An là điểm đến của Việt Nam, khu vực Đông Nam Á, Châu Á và thế giới.
Đại biểu Lê Thị Kim Chung (đơn vị Quỳnh Lưu) đề nghị cho biết giải pháp để phát huy vai trò liên kết giữa các ngành trong phát triển du lịch (ảnh Thương Huyền) |
Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch trong và ngoài nước; tiếp tục duy trì sự phát triển ổn định khách du lịch nội tỉnh, nội địa; thúc đẩy tăng trưởng khách quốc tế; hình thành và tổ chức thường niên hay định kỳ một số sự kiện du lịch mới, có quy mô vùng. Thúc đẩy chuyển đổi số toàn ngành du lịch. Nâng cao hiệu quả hoạt động liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh/thành phố trong nước, nhất là những địa phương có nguồn khách lớn; đồng thời mở rộng hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh/thành phố của các nước trong khu vực và các nước mà Nghệ An có ký kết.
Một trong những nội dung được đại biểu quan tâm đặt câu hỏi là làm sao phát triển mô hình du lịch cộng đồng thật sự hiệu quả; giải pháp phát huy mối liên kết giữa ngành Du lịch với các ngành, các doanh nghiệp, đơn vị, địa phương để thúc đẩy phát triển du lịch cũng đã được Giám đốc Sở Du lịch giải đáp.
Giám đốc Sở KH&ĐT Phạm Hồng Quang cũng đã trao đổi về tình hình xử lý những dự án đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn thị xã Cửa Lò chậm tiến độ hoặc không triển khai; Lãnh đạo Sở LĐTB&XH cũng đã trả lời về công tác đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch.
Lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao Trần Thị Mỹ Hạnh trao đổi về việc phát huy giá trị hệ thống di tích trên địa bàn trong phát triển du lịch tâm linh, du lịch văn hóa trên địa bàn tỉnh; phát huy giá trị của Xá lỵ phật – bảo vật quốc gia được lưu giữ và bảo quản ở Bảo tàng Nghệ An... Giám đốc Sở Công thương Phạm Văn Hóa cho biết việc xây dựng và quảng bá sản phẩm lưu niệm thu hút du khách khi đến với Nghệ An.
Để du lịch Nghệ An phát triển bền vững và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn sẽ cần nhiều giải pháp đồng bộ. Với nội hàm, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng. Ngoài sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, sự nỗ lực, cố gắng của toàn ngành du lịch, Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Mạnh Cường bày tỏ rất cần sự chung tay, vào cuộc của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân...
Trong chương trình làm việc sáng nay, Kỳ họp đã nhận được 15 lượt ý kiến của cử tri gửi qua đường dây nóng, trong đó có 12 ý kiến liên quan đến lĩnh vực đất đai, khoáng sản; 03 ý kiến ở lĩnh vực xây dựng, giao thông vận tải. |
Chiều nay, Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh khóa XVIII tiến hành xem xét, thông qua các dự thảo Nghị quyết trình kỳ họp và bế mạc kỳ họp.
Tác giả: Phan Quỳnh
Nguồn tin: nghean.gov.vn