V-League và điểm sáng từ những CLB chiếu dưới
- 09:20 04-12-2023
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Những CLB quật khởi
Quảng Nam vừa thăng hạng và được xem là một trong những CLB yếu nhất V-League mùa này. Thực tế, họ chưa biết mùi chiến thắng sau 4 vòng đầu tiên và thậm chí thua cả Khánh Hòa trên sân nhà. Thế nhưng, các kết quả đó không phản ánh chính xác những gì mà đội bóng của HLV Văn Sỹ Sơn thể hiện. Ở trận ra quân, họ chỉ thua Thép Xanh Nam Định vào phút 90+11 tại “chảo lửa” Thiên Trường.
CLB Thép Xanh Nam Định là hiện tượng thú vị nhất mùa giải này. |
Gần nhất, Quảng Nam cầm hòa SLNA 4-4 tại Vinh trong thế trận rượt đuổi tỷ số nghẹt thở đến phút chót. Quảng Nam liên tục bị dẫn trước 2 bàn, nhưng không đầu hàng và được hưởng phần thưởng xứng đáng. Đáng chú ý, nỗ lực của Quảng Nam ghi dấu ấn đậm nét của tài năng trẻ Nguyễn Đình Bắc. Đây là điều mà người hâm mộ V-League chờ đợi từ giải đấu. Các ngôi sao của U23 Việt Nam như Nguyễn Đình Bắc có thể tỏa sáng khi được trao đủ cơ hội và vấn đề chính nằm ở đó. Họ khó có thể chen chân vào đội hình các CLB mạnh thuộc nhóm tranh chức vô địch, nhưng ở các CLB “chiếu dưới” như Quảng Nam lại khác.
Chuyện tương tự xảy ra ở SLNA. Cách đây 2 năm, SLNA từng nuôi tham vọng trở lại nhóm đầu bảng với nguồn tài trợ mới nhưng kế hoạch này nhanh chóng tan vỡ. Hiện tại, SLNA chấp nhận trở về với “bản sắc” của họ, đó là đào tạo trẻ và tận dụng các cầu thủ cây nhà lá vườn để hướng đến mục tiêu tối thiểu: trụ hạng.
Dưới thời HLV Phan Như Thuật, một loạt tài năng thuộc thế hệ “Gen Z” của SLNA được ra sân chứng minh tài năng. Nổi bật nhất có thể kể đến như Trần Mạnh Quỳnh, Nguyễn Văn Bách, Mai Sỹ Hoàng, Đinh Xuân Tiến. Thậm chí trung vệ sinh năm 2005 Lê Nguyên Hoàng cũng được trao cơ hội đá chính.
Giống như Quảng Nam, SLNA cũng chưa biết đến chiến thắng ở mùa giải mới, nhưng họ chỉ thua 1 trận. Kết quả với đội bóng xứ Nghệ không phải điều quan trọng nhất, mà là lối chơi và sự trưởng thành của các nhân tố mới.
Điều đáng tiếc duy nhất với SLNA trong giai đoạn chuyển giao này là sự quay lưng của người hâm mộ quê nhà. Trong các trận đấu gần đây, sân Vinh chỉ đón rất ít khán giả và hầu hết tập trung ở khán đài A. Khán đài B vốn nổi tiếng với các cổ động viên “máu lửa” nhất thành Vinh vắng bóng.
Ngoài 2 CLB nói trên, những cái tên bị xếp “chiếu dưới” như Khánh Hòa, Hà Tĩnh vẫn giữ được sự khó chịu giống như mùa giải trước nhờ tài dẫn dắt của HLV Võ Đình Tân, Nguyễn Thành Công. Bên cạnh cuộc đua vô địch, cuộc đua trụ hạng tại V-League 2023/2024 hứa hẹn có nhiều biến số nhờ các CLB này. Điểm chung của họ đều là các đội bóng có màu cờ sắc áo rõ nét, với những nhân tố trưởng thành từ lò đào tạo của quê hương.
Mùa trước, SHB Đà Nẵng xuống hạng một phần vì đánh mất bản sắc vốn có. Khi không thể có những ngôi sao hàng đầu, các CLB chỉ đứng vững nếu tạo ra tập thể đoàn kết và sẵn sàng chiến đấu đến cùng.
Ẩn số ở nhóm đầu
Bên cạnh các CLB quật khởi, những CLB truyền thống như HAGL hoặc giàu như TP.HCM tăng thêm độ khó trong cuộc đua trụ hạng. HAGL đang chuyển đổi giống như SLNA, nhưng họ chịu áp lực nhiều hơn. Trong khi đó, TP.HCM vẫn loay hoay trong việc đặt mục tiêu phù hợp với thực tế. Sau khi chia tay HLV Vũ Tiến Thành, đội bóng Sài thành cố gắng tìm HLV danh tiếng nhưng chưa thành công. Họ có lẽ sẽ phải chờ thêm ít nhất 1 mùa để chen chân vào nhóm đầu bảng.
Trong khi nhóm cuối bảng đang hiện ra khá rõ ràng thì cuộc đua vô địch lại chưa được định hình. Đây là điều dễ hiểu, bởi lẽ V-League mới trải qua 4 vòng đầu tiên. Ứng cử viên vô địch nặng ký như Hà Nội FC thậm chí vẫn trôi dạt ở vị trí thứ 10, trong khi Thể Công - Viettel cũng chỉ thắng 1/3 trận đầu tiên.
Theo đánh giá chung của giới chuyên môn, CLB bóng đá Công an Hà Nội vẫn là ứng cử viên số 1 cho ngôi vương V-League mùa này. Sau kỳ tích ở mùa trước, đội bóng ngành công an đã hoàn thiện đội hình với một loạt tân binh nội chất lượng cao. Gần đây, họ như hổ chắp thêm cánh khi bổ nhiệm HLV Gong Oh Kyun.
Ngay trong trận ra mắt, HLV Gong Oh Kyun đã cho thấy đẳng cấp của mình khi giúp CLB bóng đá Công an Hà Nội ngược dòng đánh bại HAGL ở Cúp Quốc gia với lối chơi tấn công mãn nhãn. Có thể nói, CLB bóng đá Công an Hà Nội đang đi lại con đường của Hà Nội FC trước đây. Họ tạo dựng bộ khung cầu thủ nội xuất sắc, giống như đội tuyển quốc gia thu nhỏ để làm nền tảng cho chiến thắng.
Nhiều người tin rằng ngoại binh mới là yếu tố tạo ra khác biệt lớn nhất cho các CLB V-League, nhưng Hà Nội FC trước đây và CLB bóng đá Công an Hà Nội bây giờ đang chứng minh điều ngược lại. Đầu mùa giải mới, CLB bóng đá Công an Hà Nội không do dự chia tay một loạt ngôi sao ngoại mùa trước như Jhon Cley, Akwa Raphael Success nhờ nền tảng vốn có.
Dù vậy, CLB bóng đá Công an Hà Nội phải đối đầu với không ít thách thức. Bên cạnh Hà Nội FC và Thể Công - Viettel, các thế lực khác cũng sẵn sàng tạo ra khác biệt khi có cơ hội. Trong đó, ấn tượng nhất đương nhiên là Thép Xanh Nam Định, đội đang dẫn đầu giải đấu và Becamex Bình Dương, đội thể hiện rất nhiều tham vọng ở mùa này.
Hé lộ lý do CLB TP HCM chưa "mặn mà" với HLV Park Hang-seo Sau khi chia tay HLV Vũ Tiến Thành, CLB TP HCM đặt tham vọng mời HLV Park Hang-seo và trợ lý Lee Young-jin về làm việc. Cụ thể, họ sẵn sàng trao chức Giám đốc kỹ thuật cho cựu HLV tuyển Việt Nam, và trao ghế HLV trưởng cho ông Lee Young-jin. Tuy nhiên, cuộc đàm phán giữa đôi bên đã sớm đi vào bế tắc. CLB TP HCM quyết định từ bỏ thương vụ này và bổ nhiệm ông Phùng Thanh Phương làm HLV tạm quyền. Nguyên nhân sâu xa được cho đến từ sự không chắc chắn của phía HLV Park Hang-seo. Người đại diện của bộ đôi người Hàn Quốc muốn CLB TP.HCM bổ nhiệm ông Lee Young-jin làm HLV trước, còn vai trò của HLV Park Hang-seo tính đến sau. CLB TP.HCM không muốn mạo hiểm, bởi lẽ mục tiêu chính của họ vẫn là danh tiếng của HLV Park Hang-seo. Cũng dễ hiểu tại sao HLV Park Hang-seo lưỡng lự với đề nghị từ đội chủ sân Thống Nhất. Cựu HLV tuyển Việt Nam không muốn trở lại bằng công việc quản lý phía sau cánh gà. Thay vào đó, ông vẫn chờ đề nghị dẫn dắt các đội tuyển quốc gia khác tại châu Á. |
Tác giả: An Khánh
Nguồn tin: Báo Công an nhân dân