Vứt xác lợn ra môi trường, lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm
- 19:42 27-11-2023
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nhiều địa phương chủ quan, lơ là, thiếu biện pháp chống dịch
Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành Chỉ thị số 35/CT-UBND ngày 23/11/2023 về việc tập trung chỉ đạo công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, trong tình hình bệnh dịch này đang diễn biến phức tạp tại các địa phương.
Theo thông báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước đã xuất hiện trên 530 ổ dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi, buộc tiêu huỷ trên 20.000 con lợn tại 44 tỉnh, thành phố.
Dịch bệnh đang có chiều hướng gia tăng từ tháng 8/2023 trở lại đây, đặc biệt tại các địa phương có tổng đàn lợn nhiều, ảnh hưởng tiêu cực đến chăn nuôi lợn và không đảm bảo nguồn cung thực phẩm trong các tháng cuối năm.
Dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp và có nguy cơ lan diện rộng. |
Trên địa bàn tỉnh Nghệ An, thời gian gần đây, bệnh dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp và có nguy cơ lây lan ra diện rộng tại nhiều địa phương; hiện có 77 ổ dịch tả lợn châu Phi tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ của 12 huyện, thành phố chưa qua 21 ngày.
Nguyên nhân dịch xảy ra, nhiều địa phương chủ quan, lơ là, thiếu các biện pháp quyết liệt; không bố trí đủ nguồn kinh phí, nhân lực cho công tác phòng, chống dịch; không chủ động mua vôi bột, hoá chất để khử trùng; tiêu hủy lợn mắc bệnh chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật; một số nơi không có chốt kiểm soát dịch bệnh…
Còn hiện tượng giấu dịch, vứt xác vật nuôi ra ngoài môi trường làm lây lan dịch bệnh, gây ô nhiễm môi trường. Tỷ lệ tiêm phòng các loại vắc xin cho đàn vật nuôi đạt thấp, không đáp ứng yêu cầu phòng bệnh.
Việc tái đàn, tăng đàn và vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật chưa được kiểm soát triệt để theo quy định. Tình trạng ngập úng nhiều nơi, tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển và lây lan…
Chỉ sau 2 tháng xuất hiện, Tp. Vinh đã phải tiêu huỷ hơn 300 con lợn. |
Đơn cử, địa bàn Tp. Vinh, theo thống kê từ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, chỉ sau 2 tháng xuất hiện ổ dịch đầu tiên, đến ngày 25/11, toàn thành phố đã có 8 địa phương xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, trong đó tập trung chủ yếu ở các xã ngoại thành bao gồm: Hưng Chính, Nghi Ân, Nghi Đức, Nghi Kim, Nghi Liên, Hưng Hòa, Hưng Lộc và phường Đông Vĩnh.
Cho đến nay, đã có 322 con, tổng trọng lượng trên 21 tấn lợn buộc phải tiêu hủy. Trong đó, xã Nghi Ân là địa phương có diễn biến dịch phức tạp khi phải tiêu hủy 139 con lợn bệnh, trọng lượng gần 9 tấn, chiếm khoảng 40% tổng trọng lượng lợn dịch toàn thành phố.
Nghệ An ban hành chỉ thị tăng cường phòng, chống dịch
Thực hiện Công điện số 1097/CĐ-TTg ngày 16/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, Công văn số 8199/BNN-TY ngày 14/11/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã, tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi theo đúng chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, đặc biệt áp dụng nghiêm các giải pháp tại Quyết định số 812/QĐ-UBND ngày 19/3/2019 về việc ban hành kịch bản ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Thành lập các tổ phản ứng nhanh, báo cáo, xử lý ổ dịch khi mới phát hiện, tiêu hủy triệt để lợn bệnh, lợn chết đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo an toàn sinh học, tránh làm lây lan dịch bệnh. Chỉ đạo UBND cấp xã huy động lực lượng của địa phương kiểm tra, giám sát, kịp thời thu gom, tiêu hủy xác động vật ngoài môi trường (sông, ngòi, kênh, mương, bãi rác...).
Tiêm phòng cho đàn lợn chưa bị nhiễm dịch. |
Tuyên truyền người dân chủ động phòng bệnh, không giấu dịch, không bán chạy, giết mổ, vứt xác động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh ra môi trường; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định tại Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y.
Chủ động bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống dịch (kinh phí hoạt động đoàn liên ngành, tổ, chốt kiểm soát dịch bệnh, kinh phí mua vật tư, vôi bột, hoá chất, vắc xin…); kinh phí triển khai kế hoạch phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Rà soát, bố trí đầy đủ lực lượng chuyên môn thú y đảm bảo yêu cầu công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.
Khẩn trương rà soát, tiêm bổ sung vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi (lở mồm long móng, cúm gia cầm, viêm da nổi cục, dại chó mèo...; đẩy mạnh việc tiêm phòng vắc xin dịch tả lợn châu Phi cho đàn lợn thịt) đảm bảo đạt trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm; đặc biệt tại các huyện có tỷ lệ tiêm phòng thấp như Diễn Châu, Anh Sơn, Quỳnh Lưu, Nghi Lộc, Tân Kỳ, Thanh Chương…
Các huyện được hỗ trợ vắc xin, chỉ đạo triển khai tiêm hết số lượng vắc xin được cấp; đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin lở mồm long móng (nguồn tỉnh cấp) tại các huyện Thanh Chương, thị xã Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghĩa Đàn, Tương Dương.
Phun khử trùng tại khu vực chuồng nuôi. |
Phân công lực lượng chuyên môn bám sát địa bàn, tăng cường giám sát đến tận thôn, bản, nhất là khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực nguy cơ cao để phát hiện và xử lý dịch kịp thời. Hướng dẫn người chăn nuôi thường xuyên theo dõi đàn vật nuôi, áp dụng các biện pháp an chăn nuôi toàn sinh học; vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hoá chất khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh.
Đối với các địa phương đang có dịch cần tập trung mọi nguồn lực để xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để dịch lây lan, kéo dài và phát sinh các ổ dịch mới. Địa phương nào chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, để dịch lây lan diện rộng, tỷ lệ tiêm phòng thấp, không chỉ đạo quyết liệt, không chấn chỉnh việc vứt xác động vật ra ngoài môi trường thì Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.
Tác giả: Nguyễn Anh Ngọc
Nguồn tin: nguoiduatin.vn