Trần tình của các nạn nhân mất tiền tỷ vì "sập bẫy" đầu tư tài chính và chứng khoán
- 13:57 26-11-2023
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thủ đoạn chung của các đối tượng là tạo tài khoản facebook "ảo" với hồ sơ cá nhân giàu có, có địa vị xã hội, hình ảnh người đại diện rất thu hút, đẹp để kết bạn làm quen. Sau đó, đối tượng thường xuyên nhắn tin, chia sẻ, thăm hỏi, quan tâm rồi tạo tình cảm thân mật nam, nữ. Khi có được sự tin tưởng từ nạn nhân, đối tượng mời gọi, lôi kéo nạn nhân tham gia góp vốn hoặc chứng khoán để kiếm lợi nhuận lớn.
Một nhóm đối tượng lừa đảo qua mạng bị Công an tỉnh Tây Ninh bắt giữ. |
Để tạo tin tưởng cho các "con mồi", bọn chúng tung độc chiêu "hỗ trợ" các nạn nhân tiền để cùng tham gia đầu tư, khiến họ đặt hết niềm tin, tình cảm của mình cho đối tượng và không ngần ngại đầu tư với số tiền lớn. Ban đầu, các đối tượng sẽ chia lợi nhuận cho nạn nhân. Tuy nhiên, khi các nạn nhân đầu tư số tiền lớn thì sẽ không thể rút ra số tiền đầu tư của mình.
Chị T.T.L. (SN 1974, ngụ huyện Châu Thành), bức xúc: "Qua mạng xã hội Facebook, tôi kết bạn với một người tên Nguyễn Quốc Tuấn. Ban đầu, Tuấn nhắn tin nói chuyện với tôi và cho biết mình là một doanh nhân thành đạt, giàu sang với vốn hàng tỷ đồng. Sau một thời gian cả hai thân mật, trao gửi tình cảm của mình bằng những lời nhắn yêu thương trên điện thoại. Tuấn giới thiệu mình là Trưởng phòng Công ty VinGroup và rủ tôi đầu tư vào quỹ gửi tiền của tập đoàn để có lãi cao".
Tiếp đó, Tuấn cho biết trong quỹ này chỉ có trưởng phòng và những người cán bộ mới được đầu tư. Tin tưởng, chị L. đồng ý góp vốn đầu tư. Ban đầu, Tuấn kêu chị L. nộp 10 triệu đồng để kích hoạt tài khoản. Sau đó, Tuấn chuyển trả lại lãi chị L. 10 triệu đồng. Tuấn rủ chị L. đầu tư vào gói tiền gửi 800 triệu đồng, trong đó, Tuấn góp 500 triệu còn chị L. bỏ vào 300 triệu đồng. Chỉ 3 ngày sau, Tuấn chuyển lãi 10 triệu đồng cho chị L. Chưa dừng lại, Tuấn còn dụ dỗ chị L. đầu tư vào gói tiền quỹ 2,5 tỷ đồng, chị L. đóng vào 1,03 tỷ đồng, còn Tuấn góp vào 1,47 tỷ đồng. Sau 2 ngày, Tuấn cho chị L. rút 270 triệu đồng tiền thưởng. Với chiêu thức cũ, Tuấn kêu chị L. mua thêm gói gửi vào tiền quỹ 5 tỷ đồng, chị L. nộp 2,5 tỷ đồng.
Khi nộp xong, Tuấn lại kêu chị L. nâng lên thành gói 8 tỷ đồng nhưng chị L. không đồng ý. Do vậy, Tuấn dọa chị L. rằng, nếu chị không tiếp tục nộp tiền để hoàn thành thì sẽ bị mất hết tiền (tài khoản đóng băng). Lúc này, số tiền chị L. đầu tư cũng đã nhiều. Lo sợ bị mất trắng số tiền đầu tư, chị L. tiếp tục nộp thêm 600 triệu đồng. Thời điểm này, số tiền chị L. tham gia là 4,17 tỷ đồng. Sau đó, chị L. muốn rút tiền thì Tuấn không cho rút và yêu cầu nạn nhân nộp tiền thuế 1,52 tỷ đồng nhưng chị L. từ chối. Nhiều ngày sau đó, Tuấn điện thoại, nhắn tin kêu chị L. đi vay tiền để nạp vào. Tới lúc này, chị L. đã biết mình bị lừa, đành chấp nhận bỏ cuộc.
Cùng lâm vào cảnh tương tự, chị P.T.O. (SN 1978, ngụ thị xã Hoà Thành) là một người nội trợ lên mạng xã hội tham gia "Hội độc thân - Kết nối yêu thương". Thông qua hội này, chị O. quen với một người đàn ông tên Nguyễn Ngọc Tuấn (ngụ quận 10, TP Hồ Chí Minh). Đối tượng giới thiệu mình là nhân viên Công ty cổ phần chứng khoán Việt Cap (tọa lạc tầng 15, tháp tài chính Bitexco, số 2 Hải Triều, quận 1, TP Hồ Chí Minh. Tiếp đó, Tuấn sử dụng Facebook tên Nguyễn Ngọc Tuấn kết bạn với chị O. và trò chuyện qua tin nhắn thoại. Quá trình trò chuyện, Tuấn nói có tham gia chứng khoán.
Do bận bịu công việc, Tuấn có nhờ chị O. đặt lệnh mua giúp rồi Tuấn cho địa chỉ trang web, tên tài khoản, mật khẩu để nạn nhân đăng nhập và làm theo hướng dẫn. Sau đó, Tuấn hướng dẫn và rủ chị O. tham gia đầu tư chứng khoán. Sau nhiều lần chuyển tiền đầu tư chứng khoán vào các tài khoản ngân hàng, chị O. đã chuyển hết số tiền trên 1,8 tỷ đồng. Thời gian đầu, chị rút số tiền 5-10 triệu đồng thì được, nhưng khi rút số tiền lớn thì hệ thống báo nhập sai mật khẩu, sai số tiền... Lúc này, chị O. thấy bất an nên không đầu tư thêm, mà trình báo vụ việc cho Công an tỉnh Tây Ninh. Từ đó, nạn nhân mới biết mình bị lừa đảo.
Đáng lưu ý, đối tượng lừa đảo còn thường xuyên sử dụng các hình ảnh "bắt mắt" để chiêu dụ các nạn nhân. Cụ thể, đối với các phụ nữ (đặc biệt là phụ nữ độc thân, hay chưa có gia đình) thì chúng cắt ghép, sử dụng hình ảnh các "mỹ nam" với cách ăn mặc chỉn chu, thường xuyên khoe cơ bắp tại các phòng tập thể hình, hay du lịch tại các địa điểm nổi tiếng. Đối với nam, chúng sử dụng hình ảnh các "hot girl" với cách ăn mặc sang chảnh, khoe đường cong tại các phòng tập yoga hay gym. Từ đó, chúng không những hứa hẹn đầu tư, kinh doanh mang lợi nhuận cao, mà còn thể hiện tình cảm "đặc biệt" đối với các nạn nhân.
Công an tỉnh Tây Ninh khuyến cáo, người dân tuyệt đối không tham gia đầu tư vào các trang web đầu tư tài chính khi chưa tìm hiểu kỹ về người chủ quản hoặc công ty chủ quản, cũng như không tham gia vào các trang kêu gọi đầu tư, các sàn giao dịch chứng khoán không rõ, bởi toàn bộ các hoạt động đầu tư này không được nhà nước Việt Nam thừa nhận, cấp phép. Người tham gia đầu tư sẽ đứng trước rủi ro rất lớn, có thể bị chiếm đoạt, mất toàn bộ tiền đầu tư.
Người dân có thể tìm hiểu về các app, dịch vụ, sản phẩm đầu tư của các công ty quản lý quỹ được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép tại website của các công ty quản lý quỹ. Khi nhận thấy có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần đến cơ quan Công an trình báo.
Tác giả: T.Nhung-Đ.Tiến
Nguồn tin: Báo Công an nhân dân