Vụ "cô gái hot nhất Thanh Hóa": Tung tin người khác nhiễm HIV bị xử lý thế nào?
- 19:42 25-11-2023
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Vừa qua, chị V.T.C. (ngụ xã Thành Sơn, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa) bỗng dưng bị tung tin đồn nhiễm HIV. Thông tin chị C. bị nhiễm xuất hiện trên mạng xã hội đã làm xáo trộn cuộc sống gia đình. Để minh oan, vợ chồng chị C. đã đi xét nghiệm và kết quả âm tính với HIV.
Hiện tại, các cơ quan chức năng đã vào cuộc làm rõ, truy người đã tung tin đồn thất thiệt về chị C. để xử lý theo quy định. Trường hợp tìm ra người đã tung tin thất thiệt về chị C. thì việc xử lý sẽ như thế nào?
Theo khoản 5 Điều 8, Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người HIV/AIDS 2006 (sửa đổi 2020) thì nghiêm cấm hành vi công khai tên, địa chỉ, hình ảnh của người nhiễm HIV hoặc tiết lộ cho người khác biết việc một người nhiễm HIV khi chưa được sự đồng ý của người đó, trừ trường hợp quy định tại Điều 30 Luật này.
Kẻ xấu tung tin nạn nhân nhiễm HIV lên mạng xã hội |
Theo điểm c khoản 3, điểm c khoản 5 Điều 19 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về thông tin, giáo dục, truyền thông trong phòng, chống HIV/AIDS như sau:
Phạt tiền từ 10 triệu đến 15 triệu đồng đối với hành vi tiết lộ cho người khác biết việc một người nhiễm HIV khi chưa được sự đồng ý của người đó, trừ trường hợp thực hiện việc phản hồi thông tin trong hoạt động giám sát dịch tễ học HIV/AIDS và thông báo kết quả xét nghiệm HIV theo quy định của pháp luật.
Phạt tiền từ 15 triệu đến 20 triệu đồng đối với hành vi công khai tên, địa chỉ, hình ảnh người nhiễm HIV khi chưa được sự đồng ý của người đó, trừ trường hợp thực hiện việc phản hồi thông tin trong hoạt động giám sát dịch tễ học HIV/AIDS và thông báo kết quả xét nghiệm HIV theo quy định của pháp luật.
Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc xin lỗi trực tiếp người nhiễm HIV, thành viên gia đình người nhiễm HIV và cải chính thông tin công khai trên phương tiện thông tin đại chúng nơi người nhiễm HIV sinh sống liên tục trong 03 ngày theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp người nhiễm HIV không đồng ý xin lỗi công khai.
Mức phạt trên áp dụng với cá nhân, nếu tổ chức có hành vi vi phạm tương tự cá nhân thì bị phạt gấp đôi. Như vậy, nếu có hành vi tiết lộ thông tin người nhiễm HIV khi chưa có sự đồng ý của họ có thể bị xử phạt đến 40 triệu đồng theo quy định của pháp luật.
Có thể xử lý hình sự
Trong trường hành vi tung tin đồn thất thiệt về người khác xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người đó thì người có hành vi vi phạm pháp luật có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu khống theo quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015 và khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 như sau:
Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm:
- Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;
- Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 3 năm:
- Có tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Đối với 2 người trở lên; Đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình; Đối với người đang thi hành công vụ; Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
- Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; Vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm:
- Vì động cơ đê hèn; Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Làm nạn nhân tự sát.
Theo Luật sư Lưu Tấn Anh Toàn
Nguồn tin: Báo Người Lao Động