Hơn 100 hộ dân tộc Thái “mắc kẹt” suốt 14 năm bởi dự án thủy lợi Bản Mồng
- 08:38 25-11-2023
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Suốt 14 năm qua, gia đình bà bà Vi Thị Biên phải sống trong cảnh mòn mỏi chờ bồi thường, hỗ trợ tái định cư |
Mòn mỏi chờ đợi
Ngôi nhà gỗ theo phong cách người Thái của gia đình Hương Thị Liên (69 tuổi), thôn Thanh Sơn, xã Thanh Hòa đã được dựng từ hơn 30 năm trước. Theo thời gian, ngôi nhà giờ đã xuống cấp nghiêm trọng, mái thủng lỗ chỗ. Để tránh mưa, bà Liên cùng các con phải mua bạt về "vá" khắp mái nhà.
"Nắng thì nóng, mưa thì dột, nhà mối mọt xông hết và gia đình chúng tôi đang sống hết sức khốn khổ. Năm 2009, hồ thủy lợi Bản Mồng được xây dựng và thôn Thanh Sơn sẽ bị ngập nếu hồ tích nước. Vì nằm trong diện phải di dời nên các hộ dân trong thôn và gia đình tôi không dám đầu tư gì cả, vì sợ phải di dời hoặc ngập nước.
Tôi có 3 con trai, đã lấy vợ nhưng giờ muốn làm nhà mới cho con ở riêng cũng không được, muốn tách khẩu cho con chính quyền cũng không cho phép vì đó là quy định. Đã 14 năm nay chúng tôi vẫn chưa được chuyển đến nơi ở mới để được an cư", bà Liên nghẹn ngào chia sẻ.
Nhà một hộ dân ở thôn Thanh Sơn xập xệ, tồi tàn. |
Cách nhà bà Liên chỉ mấy bước chân, gia đình bà Vi Thị Biên (70 tuổi) cũng ở hoàn cảnh tương tự. Ngôi nhà gia đình bà Biên đang ở có tuổi đời ngót nghét 40 năm và hiện nhiều hạng mục xuống cấp nghiêm trọng.
Bà Biên nói rằng, vợ chồng bà tuổi đã cao và chỉ mong muốn xây ngôi nhà mới để ở nhưng vì dự án thủy lợi nên hơn 10 năm qua, giấc mơ chính đáng của gia đình bà vẫn không thể thành hiện thực. Nhiều lúc nghĩ tủi thân, bà Biên không cầm được nước mắt.
"Vợ chồng tôi đã già và cũng chẳng sống được bao lâu nhưng thương nhất là vợ chồng con trai và 2 đứa cháu nội. Con tôi muốn làm nhà mới nhưng không được làm, muốn sửa cũng chẳng dám vì không biết lúc nào phải đi", bà Biên nói.
Chỉ vào vườn cây dại trước sân, bà Biên cho biết: "Cơ quan chức năng đã về kiểm đếm hàng chục lần và lúc nào cũng nói sắp di dời. Tôi rất muốn trồng ít cây ăn quả nhưng sợ phải đi nên lại thôi. Trước nhà, giờ chỉ toàn cây dại và chẳng có lấy một cây ăn quả".
Nhà văn hóa thôn cũng xuống câp nghiêm trọng |
Theo quan sát của PV, hầu hết những ngôi nhà của 119 hộ gia đình người Thái ở thôn Thanh Sơn đều xập xệ và tuềnh toành. Dự án hồ thủy lợi bản Mồng đã kéo dài 14 năm chưa xây dựng xong và cũng từng đó năm người dân Thanh Sơn phải sống cuộc sống tạm bợ khi nhà cửa đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng.
Bà Lê Thị Phương - Chủ tịch Hội LHPN xã Thanh Hòa - nói rằng, người Thái ở thôn Thanh Sơn rất chí thú làm ăn và nằm trong diện khá của xã. Tuy nhiên, suốt nhiều năm qua người dân phải sống trong điều kiện thiếu thốn đủ đường từ đường sá đi lại, cơ sở hạ tầng và các phúc lợi xã hội.
"Từ thôn ra trung tâm xã phải đi đường vòng hơn 20km và học sinh từ cấp THCS đã phải đi ở trọ. Vào mùa mưa, nhiều lần chúng tôi phải chèo bè vượt suối mới vào được các hộ dân nếu không phải trèo núi, rất vất vả", bà Phương chia sẻ.
Vào mùa mưa, các cô giáo thường xuyên phải lội suối để vào thôn Thanh Sơn dạy học. |
Chưa biết bao giờ mới "an cư"
Dự án hồ thủy lợi Bản Mồng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt năm 2009, với tổng mức đầu tư hơn 3.700 tỷ đồng. Công trình được xây dựng trên thượng nguồn sông Hiếu thuộc địa phận xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An.
Hồ Bản Mồng sau khi chặn dòng sẽ tích được 225 triệu m3 nước; là công trình thủy nông lớn nhất Nghệ An, phục vụ tưới tiêu cho hơn 18.800 ha đất nông nghiệp ở các huyện Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Anh Sơn và thị xã Thái Hòa, cấp nước về sông Cả vào mùa hạn, cắt giảm lũ vào mùa mưa.
Sau khi thực hiện Dự án, tỉnh Thanh Hóa có 119 hộ dân với hơn 400 nhân khẩu sống trên địa bàn bản Thanh Sơn, bị ảnh hưởng, ngập nước. Ông Hà Văn Giới, Trưởng bản Thanh Sơn cho biết, người dân chấp hành chủ trương của nhà nước và đồng ý di dời nhưng dự án đã kéo dài nhiều năm, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống bà con.
Một chiếc cầu tạm tại thôn Thanh Sơn. |
"Đường sá sau nhiều năm không được đầu tư tu sửa đã xuống cấp nghiêm trọng. Trong thôn có đến 7 chiếc cầu tạm, năm nào mùa lũ cũng bị cuốn trôi, người dân lại phải hô hào nhau làm cầu mới. Ngoài ra, người dân còn chịu thiệt thòi khi trường học, trạm xá... không được đầu tư do thuộc diện di dời.
14 năm qua người dân sống trong nỗi thấp thỏm và không dám đầu tư gì cả. Nhà cửa xuống cấp cũng không dám sửa sang, xây mới bởi nhà nước đã kiểm kê, giờ xây, sửa thì đến lúc chuyển đi sẽ không được đền bù phần xây dựng thêm, cũng không biết xây sửa xong rồi liệu có được ở hay không và ở trong bao lâu".
Đường sá xuống cấp, người dân đi lại vô cùng khó khăn. |
Trưởng thôn Thanh Sơn cũng cho biết thêm, cả thôn chỉ có duy nhất nhà văn hóa để sinh hoạt nhưng hiện cũng đã xuống cấp nghiêm trọng. Năm ngoái, nhà một hộ dân còn bị đổ sập khiến họ phải đi ở nhờ. Dân thôn Thanh Sơn hơn 10 năm nay sống trong cảnh đi không được, ở cũng không xong, rất khó khăn.
Ông Giới cũng cho biết thêm, trước đây 119 hộ dân không thể di dời vì không tìm được địa điểm tái định cư. Tuy nhiên, sau đó Công ty TNHH MTV Cao su Thanh Hóa, đã đồng ý cắt 300ha đất tại địa bàn xã Xuân Hòa, huyện Như Xuân cho người dân đến định cư.
Nhà dành cho giáo viên tại Điểm trường Thanh Sơn (Trường Tiểu học và Trung học Thanh Hòa) cũng rất tạm bợ. |
Theo tìm hiểu được biết, tổng số vốn hoàn thành Dự án là hàng trăm tỷ đồng, nhưng hiện nay dự án gặp khó vì vốn nên tất cả các việc liên quan đến di dời người dân đến nơi tái định cư vẫn chưa thể thực hiện. Khu đất dành cho tái định cư hiện vẫn bạt ngàn cao su.
Được biết, UBND huyện đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp, ngành liên quan sớm có giải pháp đẩy nhanh tiến độ di dời, ổn định cuộc sống cho người dân nhưng phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc nên mọi thứ vẫn dậm chân tại chỗ.
UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị xem xét, bổ sung kinh phí hỗ trợ, tái định cư cho các hộ dân nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời. Điều này cũng có nghĩa, mong muốn "an cư lạc nghiệp" của 119 hộ dân tại thôn Thanh Sơn vẫn chưa biết đến bao giờ mới thành hiện thực.
Tác giả: Minh Châu
Nguồn tin: phunuvietnam.vn