Bộ GD&ĐT đưa phòng chống thuốc lá vào chương trình bậc THPT
- 13:35 24-11-2023
- In ra
- Đóng cửa sổ này
|
Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa phê duyệt Tài liệu hướng dẫn giáo dục lồng ghép phòng, chống tác hại của thuốc lá trong bài giảng môn học, hoạt động giáo dục ở Trung học Phổ thông.
Thông tin trên Vietnam+, tài liệu được biên soạn nhằm hỗ trợ giáo viên Trung học Phổ thông cập nhật kiến thức về thuốc lá; tác hại của thuốc lá; cách phòng, chống tác hại của thuốc lá; phương pháp luận tiếp cận và các hình thức thực hiện lồng ghép, tích hợp khối kiến thức này trong việc dạy-học một số môn học, các hoạt động giáo dục ở cấp Trung học Phổ thông.
Bộ GD&ĐT đưa nội dung phòng chống tác hại của thuốc lá vào các bài học. Ảnh: minh họa. |
Trong tài liệu bao gồm hai nội dung chính:
Phần 1: Khái quát về tác hại của việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá và giáo dục phòng chống tác hại của thuốc lá. Phần này giúp người đọc hiểu biết hơn về tác hại của thuốc lá, các sản phẩm thuốc lá mới đối với sức khỏe con người, kinh tế, xã hội, môi trường; vị trí, vai trò của giáo dục phòng, chống tác hại của thuốc lá đối với việc giáo dục toàn diện người học. Trong phần 1 cũng nêu rõ nội dung giáo dục phòng, chống tác hại của thuốc lá trong chương trình các môn học và hoạt động giáo dục cấp Trung học Phổ thông của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đồng thời giúp người đọc có các định hướng về phương pháp giáo dục, đánh giá kết quả học tập của học sinh Trung học Phổ thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Phần 2: Tập trung hướng dẫn giáo dục lồng ghép phòng, chống tác hại của thuốc lá trong bài giảng môn học và hoạt động giáo dục cấp Trung học Phổ thông với các nội dung như xác định mục tiêu, nguyên tắc, quy trình lồng ghép cũng như các hướng dẫn lồng ghép về giáo dục phòng, chống tác hại của thuốc lá trong bài giảng môn học và hoạt động giáo dục.
Theo Bộ GD&ĐT, kết quả điều tra tình hình sử dụng thuốc lá tại Việt Nam cho thấy tỉ lệ sử dụng thuốc lá trong học sinh độ tuổi từ 13 -15 tuổi giảm từ 2,5% (năm 2014) xuống 1,9% (năm 2022). Tỉ lệ hút thuốc lá thụ động ở học sinh cấp học mầm non đến THPT tại khu vực trường học giảm từ 24,4% (năm 2020) xuống 20,5% (năm 2022).
Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận các em học sinh sử dụng các sản phẩm thuốc lá điếu thông thường, bên cạnh đó việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới, như: thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang có dấu hiệu gia tăng.
Theo điều tra năm 2019 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh độ tuổi 13 -15 tại Việt Nam là 3,5%.
Tỉ lệ người hút thuốc lá cao đã gây ra các tác hại rất lớn về mặt sức khỏe và kinh tế. Theo Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh do thuốc lá gây ra. Con số này sẽ tăng lên thành 70.000 ca/năm vào năm 2030 nếu các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá không được thực hiện kịp thời.
Ước tính số tiền người dân Việt Nam đã chi mua thuốc lá hằng năm là 49.000 tỷ VND/năm (năm 2020). Chi tiêu cho thuốc lá làm giảm các chi tiêu thiết yếu khác của hộ gia đình, đặc biệt là các hộ có thu nhập thấp.
Đáng chú ý, trong một cuộc điều tra mức sống hộ gia đình cho thấy các hộ nghèo tại Việt Nam phải tiêu tốn tới gần 5% thu nhập của gia đình vào thuốc lá. Ở những hộ này, khoản tiền mua thuốc lá thậm chí cao hơn khoản tiền chi cho y tế hay cho giáo dục. Nếu người hút thuốc nghèo bỏ thuốc, họ sẽ có nhiều tiền hơn để mua thức ăn hoặc để trả tiền học cho con em mình, theo báo Tiền Phong.
Theo đó, Bộ GD&ĐT xác định, giáo dục phòng chống tác hại của thuốc lá là thành tố quan trọng của giáo dục sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần đối với học sinh, đồng thời đó cũng là biện pháp cụ thể của giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống và giáo dục pháp luật cho các em. Qua đó, học sinh nhận thức được các hệ lụy nghiêm trọng trong việc hút thuốc lá và có thái độ, ứng xử đúng đắn đối với phòng, chống tác hại của thuốc lá, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn, không khói thuốc lá.
Bởi vì hút thuốc lá ở lứa tuổi học sinh nếu dẫn đến nghiện sẽ rất nguy hiểm về sức khỏe. Ngoài ra, nghiện thuốc lá dẫn đến việc học sinh liên tục cần tiền để mua thuốc, khi không có tiền, không được thỏa mãn cơn nghiện sẽ dẫn đến các hành vi vi phạm khác như trộm cắp, trấn lột,… Chưa kể, nhiều thanh thiếu niên bị dụ dỗ, lôi kéo sử dụng dẫn đến nghiện ma túy đều bắt nguồn từ việc sử dụng thuốc lá.
Theo Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, hiện nay, có hơn 1 tỷ người hút thuốc trên thế giới, trong đó ở người trưởng thành, nam giới là 847 triệu, nữ giới là 153 triệu người; ở nhóm tuổi thanh thiếu niên 13 - 15 tuổi là 24 triệu người. Trong đó, 226 triệu người trưởng thành sử dụng thuốc lá sống trong đói nghèo trên toàn thế giới; hơn 10% thu nhập của hộ gia đình chi tiêu cho sản phẩm thuốc lá - đồng nghĩa với việc giảm chi phí cho thực phẩm, giáo dục và chăm sóc sức khoẻ; 80% người hút thuốc trên thế giới sống ở nước thu nhập thấp và trung bình. Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hương - Quỹ phòng, chống tác tại của thuốc lá (Bộ Y tế) chia sẻ, Việt Nam là quốc gia có tỉ lệ hút thuốc lá ở nam giới trưởng thành cao đứng thứ 3 tại ASEAN và có khoảng 40.000 người tử vong/năm vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá. WHO dự báo đến năm 2030, sẽ tăng lên tới 70.000 người tử vong/năm nếu các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá hiệu quả không được thực hiện, thông tin trên Đại Biểu Nhân Dân. Các bệnh có nguyên nhân chính từ sử dụng thuốc lá như đột quỵ, mạch vành, phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam. Mặt khác, theo nghiên cứu tại bệnh viện K, tỉ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá là 96,8%. Số ca tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích ở Việt Nam. |
Tác giả: Trúc Chi (t/h)
Nguồn tin: nguoiduatin.vn