Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nghệ An: Cần xử lý dứt điểm vụ tranh chấp đất lâm nghiệp kéo dài

Tình trạng tranh chấp đất lâm nghiệp tại vùng Vệ Nen của hai hộ dân ở xã Tràng Sơn (Đô Lương, Nghệ An), để xây dựng nghĩa trang trái phép kéo dài nhiều năm mà chưa được giải quyết dứt điểm, khiến đơn thư khiếu tố cáo kéo dài, vượt cấp…

8 năm tranh chấp đất lâm nghiệp vẫn chưa có hồi kết

Phản ánh tới báo Nhà báo & Công luận, ông Phan Văn Ngọc (con của ông Phan Văn Chính) ở xóm 5, xã Tràng Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An cho biết: Năm 1994, gia đình ông được UBND huyện Đô Lương giao đất rừng lâm nghiệp ở Động Giang, xã Tràng Sơn với diện tích 1,5ha rừng thông, đã được cấp Sổ Lâm bạ số 78, ngày 23/8/1994 có thời hạn 50 năm.

Từ đó đến nay, gia đình ông canh tác, bảo vệ ổn định. Thời gian gần đây, cha mẹ ông già yếu, đau bệnh không đi lại được, các con thì đi làm ăn xa. Lợi dụng nhà vắng người, một dòng họ của người nhà cán bộ UBND xã Tràng Sơn đã thuê máy đào đất bán, rồi san lấp mặt bằng cả ngàn m2 để lấn chiếm làm nghĩa trang trái quy định pháp luật trên đất rừng lâm nghiệp của gia đình.

 Nghĩa trang xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp dẫn đến tranh chấp đất của 2 hộ dân kéo dài.

“Mấy năm nay, gia đình tôi đã gửi đơn lên UBND xã Tràng Sơn và huyện Đô Lương yêu cầu can thiệp kịp thời, thu hồi diện tích đất đã bị hộ ông Nguyễn Văn Hậu khai thác, lấn chiếm để trả lại cho gia đình tôi nhưng chưa được xã, huyện giải quyết dứt điểm” - ông Ngọc cho biết.

Theo báo cáo của UBND xã Tràng Sơn cho biết, năm 1994, ông Phan Văn Chính (cha của ông Phan Văn Ngọc), xóm 5, xã Tràng Sơn được giao 1,5 ha đất lâm nghiệp tại vùng Vệ Nen, xã Tràng Sơn để trồng rừng theo Chương trình 327 về phủ xanh đất trồng đồi trọc, và đã được UBND huyện Đô Lương cấp sổ Lâm bạ số 78, ngày 23/8/1994, trong đó diện tích rừng đã có 0,01 ha (trữ lượng 250 cây) và diện tích đất trồng là 1,49 ha. Sau khi được Nhà nước giao đất, gia đình ông Phan Văn Chinh đã trồng cây Thông và tiến hành chăm sóc bảo vệ; đến năm 2010, UBND xã có chủ trương khai thác nhựa thông thì gia đình ông Chính không có nhu cầu tham gia khai thác nên đã cho ông Trần Văn Cương (cùng ở xóm 5) khai thác và đến năm 2019 thì ngừng để phục hồi rừng.

Trong quá trình thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp đường Tràng – Đông – Bài, địa phương đã lập hồ sơ hỗ trợ, bồi thường GPMB cho hộ ông Phan Văn Chính (cha của ông Phan Văn Ngọc): Diện tích thu hồi đất 757,3 m²; số tiền bồi thường, hỗ trợ hơn 17 triệu. Diện tích còn lại của ông Phan Văn Chính là diện tích trồng cây thông và xen cây keo.

Cũng năm 1994, ông Nguyễn Văn Hậu, xóm 5 xã Tràng Sơn được giao 0,5 ha đất lâm nghiệp tại vùng Vệ Nen, xã Tràng Sơn để trồng rừng theo Chương trình 327 về phủ xanh đất trống đồi trọc và đã được UBND huyện cấp sổ Lâm bạ số 64, ngày 23/8/1994. Sau khi được Nhà nước giao đất, gia đình ông Nguyễn Văn Hậu đã trồng cây bạch đàn và sử dụng ổn định từ đó đến nay. Trong quá trình thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp đường Tràng- Đông- Bài đã lập hồ sơ hỗ trợ, bồi thường GPMB cho hộ ông Nguyễn Văn Hậu: Diện tích thu hồi đất 608,3 m²; Số tiền bồi thường, hỗ trợ gần 16 triệu đồng.

Diện tích còn lại của ông Nguyễn Văn Hậu hiện nay đang trồng cây bạch đàn và cây keo. Có một phần diện tích đất họ Nguyễn Văn, tại xóm 5, xã Tràng Sơn do ông Nguyễn Văn Hậu làm trưởng tộc đã xây dựng nghĩa trang vào khoảng năm 1986, có 23 ngôi mộ cát táng trong khu vực nghĩa trang. Năm 2006, họ tộc Nguyễn Văn đã tự ý đào đất mở rộng ra phía trên, và hiện tại đang cải tạo mở rộng diện tích khoảng 140 m2 để xây, lắp ghép tường rào bằng đá và mộ đá.

Theo kết quả kiểm tra thực địa của các thửa đất có liên quan của UBND huyện Đô Lương, vùng đất UBND huyện đã cấp sổ Lâm bạ năm 1994 cho hộ ông Phan Văn Chính, năm 2022, thực hiện dự án cải tạo nâng cấp đường Tràng - Đông - Bài, UBND huyện đã thu hồi 757,3 m². Diện tích còn lại sau thu hồi của hộ ông Chính là 9.312,1 m², hiện tại là rừng trồng cây thông.

Còn vùng đất UBND huyện Đô Lương đã cấp sổ Lâm bạ năm 1994 cho chủ hộ Nguyễn Văn Hậu, diện tích bị thu hồi là 608,3 m², diện tích còn lại sau thu hồi của ông Hậu 8,173,9 m2.

Qua kiểm tra phần diện tích đất họ Nguyễn Văn do ông Nguyền Văn Hậu làm trưởng tộc, vào khoảng năm 1986 đã sử dụng khoảng 120 m² xây dựng nghĩa trang, nay đã đào hạ diện tích đất phía trên 140 m² (tổng diện tích nghĩa trang cũ và mới khoảng 260 m²). Hiện nay, họ đã dịch chuyển toàn bộ nghĩa trang, mồ mả lên phía trên, 3 phía đã được xây lắp hàng rào bằng đá, ở giữa có 23 ngôi mộ làm bằng đá, số diện tích còn lại khoảng 7.913,9 m² là rừng trồng keo và một số cây bạch đàn.

Chính quyền "kêu" khó giải quyết!

Liên quan đến vụ việc trên, ông Lê Đình Thông, Chủ tịch UBND xã Tràng Sơn (huyện Đô Lương, Nghệ An) cho rằng, việc tranh chấp đất lâm nghiệp của hộ ông Phan Văn Chính và hộ ông Nguyễn Văn Hậu rất khó giải quyết vì ranh giới, mốc giới không ổn định. Chính quyền xã đã mời hai gia đình lên hòa giải bốn lần rồi nhưng vẫn chưa thành. “Tôi đã mời anh Phan Văn Ngọc (con của ông Phan Văn Chính) lên làm việc, đã thống nhất phương án là hoán đổi đất. Ví dụ hộ ông Hậu lấn chiếm chừng nào đất thì trả lại cho anh Ngọc đúng chừng ấy. Sau đó, tôi cũng mời con của ông Nguyễn Văn Hậu lên làm việc vì ông Hậu già yếu khó đi lại. Con của ông Hậu cũng nhất trí với phương án ấy. Sau đó con của hai ông lên đo đất để cắm mốc giới vào hồi giữa năm, nhưng cha lại cho rằng con không biết ranh giới đất nên chưa thống nhất cắm mốc giới được”.

Theo Chủ tịch UBND xã Tràng Sơn, nếu hộ ông Hậu xây dựng nghĩa trang trên nền đất cũ thì được, nhưng lại đào hạ diện tích đất phía trên của nghĩa trang cũ để mở rộng ra to hơn là sai. Vì vậy, yêu cầu hộ ông Nguyễn Văn Hậu phải hoàn trả lại hiện trạng ban đầu. Chỉ cho phép xây dựng trên phạm vi đất nghĩa trang cũ.

“Tôi cũng đã trao đổi, nếu 2 hộ không tự thống nhất được thì xử phạt vi phạm hành chính 4 triệu đồng theo Nghị định 91 và bắt buộc phải tháo dỡ, khôi phục hiện trạng, đưa nghĩa trang về đúng vị trí cũ đối với hộ ông Hậu. Còn về mặt quản lý nhà nước, sai đâu thì chính quyền phải chịu trách nhiệm đến đó” - ông Thông cho biết.

“Hộ ông Nguyễn Văn Hậu xây dựng nghĩa trang trái phép và UBND xã đã lập biên bản đình chỉ vào năm 2017. Đến năm 2019, hộ ông Hậu lại tiếp tục xây dựng và UBND xã lại xuống đình chỉ tiếp. Cuối năm 2021, lợi dụng dịch bệnh, hộ ông Hậu lại tiếp tục đổ móng; và năm 2022 lại tiếp tục xây dựng. Đầu năm 2023, hộ ông Hậu lại cho dựng mộ đá lên, theo kiểu lấn dần như vậy. Tôi cũng đã báo cáo với huyện là xã đã làm hết cách rồi. Hộ ông Hậu đã xây dựng nghĩa trang trái phép nhưng động vào phần mồ mả thì chả ai muốn. Hiện xã đã tổ chức hòa giải rồi, hồ sơ đã chuyển lên huyện để đề nghị huyện xử lý tiếp” - Chủ tịch UBND xã Tràng Sơn cho biết thêm.

Báo Nhà báo & Công luận sẽ tiếp tục thông tin.

Nguồn tin: Báo Nhà báo & Công luận