Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


SCB từng là ngân hàng tư nhân có tài sản lớn nhất Việt Nam dưới bóng Vạn Thịnh Phát

Ngân hàng SCB có vai trò 'đặc biệt quan trọng', được sử dụng như công cụ tài chính để cấp vốn cho các công ty của Vạn Thịnh Phát.

 Trụ sở Vạn Thịnh Phát ở số 193-203 Trần Hưng Đạo, quận 1, TP.HCM trước đây là trụ sở của SCB - Ảnh: T.T.D.

Theo kết luận điều tra của cơ quan Bộ Công an, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã xây dựng hệ sinh thái với hơn 1.000 doanh nghiệp và được chia làm bốn nhóm chính có quan hệ chặt chẽ với nhau.

Trong đó nhóm các định chế tài chính Việt Nam gồm Ngân hàng SCB, Chứng khoán Tân Việt, Công ty CP đầu tư tài chính Việt Vĩnh Phú.

Với nhóm này, kết luận điều tra chỉ ra: SCB có vai trò "đặc biệt quan trọng", được sử dụng như một công cụ tài chính để cấp vốn cho các công ty trong hệ sinh thái.

Quy mô SCB từng lớn như thế nào?

Kết luận điều tra chỉ ra bà Trương Mỹ Lan thâu tóm 3 ngân hàng tư nhân (sau này hợp nhất thành SCB) từ năm 2011 bằng việc mua, sở hữu phần lớn số lượng cổ phần rồi thao túng bằng cách nhờ người đứng tên.

Theo tìm hiểu, SCB đi vào hoạt động từ năm 2012, vốn điều lệ hơn 10.000 tỉ đồng. Đến nay SCB vẫn là một trong số ít các ngân hàng chưa niêm yết. Thường có lãi suất cao bậc nhất trong các ngân hàng, SCB huy động được lượng lớn tiền gửi.

 

Báo cáo thường niên năm 2020 của SCB cho biết cuối năm này quy mô tài sản đạt 633.797 tỉ đồng - là ngân hàng thương mại tư nhân có tổng tài sản lớn nhất hệ thống. Đồng thời nằm top 5 ngân hàng có quy mô lớn nhất Việt Nam.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý 2-2022 (báo cáo gần nhất SCB công bố trước khi bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt) ghi nhận hết tháng 6-2022, tổng tài sản đạt hơn 761.000 tỉ đồng.

Với tổng tài sản nêu trên, thời điểm giữa năm 2022, SCB vẫn nằm trong top 5 ngân hàng lớn nhất, sau BIDV, Agribank, Vietinbank và Vietcombank. Tuy nhiên lãi sau thuế SCB chỉ loanh quanh vài chục tỉ đồng hoặc hơn mức 100 tỉ, trừ năm 2021 đột biến.

 Lợi nhuận sau thuế SCB từ 2012 đến nay - Dữ liệu: BCTC

Nếu so với bình quân lợi nhuận các ngân hàng thương mại tư nhân, có thể nhận ra sự khác nhau rất lớn về tỉ suất lợi nhuận trên tổng tài sản tại SCB.

Vì sao tài sản khủng, lợi nhuận thấp lèo tèo?

Nói với Tuổi Trẻ Online, một chuyên gia về tài chính doanh nghiệp lý giải lợi nhuận phụ thuộc mô hình kinh doanh và cái đích ngân hàng hướng tới. Ngân hàng này không chú trọng vào hoạt động cốt lõi, thu nhập lãi thuần.

Tỉ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) của SCB rất thấp so với con số bình quân toàn ngành - Dữ liệu: DSC

"Họ từng là đơn vị huy động tiền gửi lãi suất rất cao để cạnh tranh, đem tiền đó cho vay trong hệ sinh thái với lãi suất thấp", vị chuyên gia chỉ ra vấn đề trong câu chuyện lợi nhuận của SCB.

Về tình hình hiện nay, SCB nằm trong diện kiểm soát đặc biệt từ tháng 10-2022.

Tại báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội hồi tháng 10-2023, Chính phủ cho biết Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với các bộ ngành triển khai các giải pháp.

Mục tiêu là để bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng và bảo đảm quyền, lợi ích của người gửi tiền. Đồng thời Ngân hàng Nhà nước đang tìm nhà đầu tư tham gia cơ cấu lại SCB để trình Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương cơ cấu lại theo quy định.

Ông Tạ Chiêu Trung là ai?

Theo báo cáo thường niên năm 2020 của SCB, tính đến cuối 2020, SCB có 3.955 cổ đông, cổ đông nước ngoài là 5 cổ đông (sở hữu 27,870% vốn điều lệ). Còn lại là cổ đông trong nước.

Một trong 2 cổ đông lớn của SCB là Công ty CP đầu tư tài chính Việt Vĩnh Phú sở hữu 12,828% vốn điều lệ. Theo cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, công ty này thành lập năm 2007, có trụ sở quận 1, TP.HCM. Người đại diện pháp luật là ông Tạ Chiêu Trung.

Bà Trương Mỹ Lan đưa ông Tạ Chiêu Trung làm tổng giám đốc Công ty Việt Vĩnh Phú, đồng thời được "ngồi ghế" thành viên hội đồng quản trị ngân hàng này. Ông Trung được chủ tịch Vạn Thịnh Phát giao nhiệm vụ quản lý, điều hành việc chuyển nhượng cổ phần của các cổ đông đảm bảo đúng tỉ lệ phần trăm.

Tác giả: Bình Khánh

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ